Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai thực hiện và mang lại kết quả tích cực, góp phần giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cả vật chất lẫn tinh thần.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách dân tộc
Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh. Theo thống kê, đến cuối năm 2023, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh là 28.173 hộ, chiếm tỷ lệ 17,05% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh; số hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 27.876 hộ, chiếm tỷ lệ 16,87%.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, các chính sách dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả. Tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ổn định; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì thường xuyên; công tác phòng chống dịch bệnh được các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc.
Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững, ổn định, không để xảy ra những vụ việc phức tạp gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Gia Lai đã triển khai các chính sách dân tộc như: Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2024; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 1020/KH-UBND, ngày 04/5/2024 về việc Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc năm 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đồng thời, triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 05/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả tích cực
Tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, năm 2023, tỉnh Gia Lai được phân bổ nguồn vốn là 1.478,605 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương là 1.303,006 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 175,599 tỷ đồng), đến cuối năm 2023 đã giải ngân được 541,611 tỷ đồng, đạt 36,63% so với kế hoạch.
Cụ thể, hỗ trợ đất ở 18 hộ, nhà ở 1.068 hộ, đất sản xuất cho 121 hộ; có 13 dự án quyết định đầu tư án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số hộ gia đình người Kinh nghèo tại các xã thuộc khu vực II, III là 70.620,54 ha; hỗ trợ 726 con bò cái sinh sản cho 726 hộ, 20 con heo giống cho 5 hộ; hỗ trợ 5 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tổ chức 13 hội chợ, phiên chợ giới thiệu sản phẩm; tổ chức 18 lớp tập huấn với 1.019 lượt học viên.
Việc đầu tư phát triển hạ tầng được quan tâm triển khai. Từ năm 2022 đến hết năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai đã đầu tư cứng hoá đường liên xã 28 km; đường giao thông các thôn, xã đặc biệt khó khăn 107,2 km; triển khai Dự án Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 22 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú giai đoạn 2023 - 2025.
Về việc chăm lo đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2023 tỉnh Gia Lai đã tổ chức lễ trao chứng nhận và cấp kinh phí hỗ trợ cho 4 Nghệ nhân Ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến, truyền dạy văn hóa truyền thống trong cộng đồng; thành lập 229 tổ truyền thông cộng đồng với 2.126 thành viên; thành lập mới 19 mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; tổ chức thăm, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần cho 1.910 lượt người có uy tín; biểu dương, gặp mặt người có uy tín tiêu biểu năm 2021 - 2023 cho 200 người có uy tín tiêu biểu, chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức trao tặng 48 chiếc xe đạp cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vượt khó.
Theo nội dung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng 5 năm (2021-2025) của UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên nguồn lực đầu tư và khuyến khích, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện tốt chính sách định canh, định cư, công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh - quốc phòng. Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 giảm bình quân 0,8%/năm; đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh dưới 1%, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống dưới 5%.