(TN&MT) – Ông Dương Văn Tuấn – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai) cho biết: “Qua kết quả giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai về tình trạng xử lý chất thải, nước thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phát hiện thấy hầu hết nhiều hệ thống xử lý chất thải rắn y tế và các lò đốt tại các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt, việc quản lý vấn đề nguồn vốn đầu tư, thi công, nghiệm thu, quyết toán… các hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn đang có “vấn đề” nên nhiều công trình thi công xong hàng chục năm nhưng không sử dụng được, gây lãng phí rất lớn…”.
Thời gian vừa qua, sau khi Báo TN&MT đã có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng hệ thống xử lý nước thải y tế, chất thải rắn y tế, chất thải nguy hại và các lò đốt của các Trung tâm y tế của huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, thi công xong nhưng không hoạt động...
Ngay sau đó, từ ngày 22/1 đến ngày 9/2/2018 thì Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh Gia Lai) đã phối hợp cùng các ngành liên quan để tổ chức giám sát, kiểm tra tại các Trung tâm Y tế (TTYT) thuộc huyện: Chư Prông, Chư Sê, Kông Chro, Thị xã An Khê, TP.Pleiku, BV Đa Khoa tỉnh Gia Lai, BV Nhi...
Qua đó kết quả giám sát trực tiếp tại các TTYT thuộc huyện, thị xã, thành phố thì nhìn chung một số TTYT các huyện đều xử lý rác thải rắn với hình thức đốt chung với một số chất thải y tế khác như: Chai thủy tỉnh, kim tiêm, không thể tiêu hủy. Một số TTYT thì đã phối hợp với các doanh nghiệp để vận chuyển và xử lý rác thải y tế, nhưng không có sự kiểm tra, giám sát việc xử lý rác thải y tế. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải y tế tại một số TTYT không được đầu tư đồng bộ, hoạt động kém hiệu quả hoặc nhiều năm nằm “đắp chiếu” gây lãng phí. Trong khi đó, nước thải y tế chưa qua hệ thống xử lý mà để chảy xuống hầm rút hoặc chảy ra môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến mạch nước ngầm…
Cụ thể, trước đó Báo TN&MT đã thông tin về những tồn tại trong vấn đề xuống cấp, không đạt chuẩn tại các TTYT huyện Chư Sê, Chư Pưh, TP Pleiku, CHư Pah… thì qua kết quả giám sát của cơ quan chức năng cũng đã đánh giá hệ thống xử lý nước thải y tế của TTYT nói trên đã hoàn thành vào năm 2010 (gần 10 năm) nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động, do hệ thống thu gom nước thải chưa được đấu nối với hệ thống xử lý. Chính vì vậy, nước thải được cho thẳng xuống hầm rút mà chưa qua xử lý. Ngoài ra, chất thải y tế tuy đã được phân loại tại khoa, phòng nhưng lại đốt chung với một số rác thải như: Chai thủy tinh, kim tiêm, không thể tiêu hủy hết. Chất thải y tế tại các trạm y tế cũng được xử lý theo hình thức đốt và chôn lấp tại chỗ. Chiều cao ống khói lò đốt thấp hơn so với chiều cao quy định.
Tương tự, tại TTYT huyện Chư Prông thì hệ thống xử lý nước thải y tế được hoàn thành từ năm 2007 nhưng đến nay đã hơn 10 năm vẫn không hoạt động vì chưa có hệ thống thu gom và đấu nối từ các khoa về hệ thống xử lý. Hệ thống ống khói của lò đốt chưa đạt chuẩn theo quy định,vệ sinh môi trường tại bệnh viện chưa đảm bảo, nhất là khu vực lò đốt rác. Tại 20 trạm y tế và ban y tế dự phòng thì nước thải y tế vẫn được thẳng xuống hầm rút mà chưa qua xử lý; chất thải rắn y tế (ống nhựa, thủy tinh, kim tiêm) vẫn đốt thủ công hoặc chôn lấp tại chỗ.
Theo báo cáo thì nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do hệ thống xử lý chất thải, nước thải của một số TTYT đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư. Nhiều hệ thống xử lý nước thải đầu tư không đồng bộ. Chính vì vậy, mới xảy ra tình trạng công trình bàn giao xong lại nằm “đắp chiếu”, không sử dụng dẫn đến sự lãng phí. Ngoài ra, kinh phí đầu tư, quản lý, bảo dưỡng, vận hành các khu xử lý chất thải, nước thải y tế của các cơ sở còn hạn hẹp….
Ông Nguyễn Văn Hiển - Chuyên viên phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở Y tế tỉnh Gia Lai) cho biết, mới đây thì HĐND tỉnh đã phối hợp cùng các ngành chức năng đã tiến hành đi kiểm tra tình hình xử lý chất thải, nước thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã nhận thấy được tình trạng một số hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo, nhiều thiết kế lò đốt, chiều cao ống khói không đúng với quy định. Còn về cụ thể thì đoàn đã có báo cáo gửi cho lãnh đạo tỉnh…”.
Còn ông Dương Văn Tuấn – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai) cho biết: “Chúng tôi cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong quá trình thiết kế, thi công, nghiệm thu, quyết toán, kiểm tra, giám sát tại các hệ thống xử lý nước thải và chất thải y tế trên địa bàn tỉnh vì sau khi thi công xong, các hệ thống này không hoạt động, không kết nối, đấu nối các hệ thống, thu gom chất thải để có “nguyên liệu” cho các nhà máy hoạt động, gây lãnh phí quá lớn về kinh phí. Không hiểu sao ngành y tế vẫn tồn tại kiểu hoạt động “khó hiểu” như thế này…”
“Hiện nay cũng đang xin nguồn kinh phí của tỉnh để đầu tư, sửa chữa các hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo đúng quy chuẩn. Tới đây, vào năm cuối 2018 và 2019 sẽ tiến hành đầu tư thêm hệ thống thu gom nước thải của TTYT. Cụ thể, bằng nguồn vốn của ADP thì ADP cũng sẽ tiếp hành đấu nối hệ thống nước thải của các khoa phòng và đưa ra bể để xử lý. Còn hệ thống nước sinh hoạt thì đưa vào thải chung với hệ thống nước mưa…Tương tự cũng như TTYT các huyện, thị xã, thành phố cũng sẽ được sửa chữa, nâng cấp kịp thời để hạn chế thấp nhất về tình trạng gây ô nhiễm môi trường…”, ông Hiển cho biết thêm.