(TN&MT) – Hôm ấy, bầu trời u ám, mưa chuẩn bị ập đến, bà Đinh Nay Huynh (người dân tộc Bahnar, SN 1960, làng Tung Ke, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai) đang đi làm thì nghe nói cuối làng có một phụ nữ tên Hem đang mang thai to vừa chết khiến Nay Huynh liền tức tốc chạy đến. Khi sờ bụng Hem vẫn còn nóng, nhưng thai nhi hơn 7 tháng vẫn còn đạp mạnh trong bụng nên Nay Huynh tìm cách cõng Hem đi bệnh viện. Cứu được thai nhi sống, nhưng vì hủ tục khắc nghiệt “mẹ chết thì con chôn sống theo mẹ” nên Nay Huynh đã thức trắng và nhịn ăn 4 ngày đêm để canh khỏi bị dân làng giết đứa bé…
Đến đầu làng Tung Ke thì hỏi nhà cán bộ Huynh đâu thì ai cũng biết. Bởi gia đình bà Đinh Nay Huynh tuy nghèo nhưng hay làm việc thiện và đặc biệt nổi tiếng khi là người chống “Yàng” (trời) để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong bà con đồng bào Banar.
Dẫn chúng tôi vào căn nhà ọp ép mà nhà nước xây năm 2010, bà Huynh gọi cô bé Đinh Nay Thương (SN: 2012, là người bà đã cứu sống và nuôi dưỡng) đến bên ôm vào lòng và nhớ lại câu chuyện của 6 năm về trước.
Bà Huynh nhớ lại, lúc đó bà đang làm hội phụ nữ xã Ayun. Vào chiều tối ngày 21/4/2012 lúc đó nghe tin chị Đinh Hem (sát bên nhà bà Huynh) bị chết, họ hàng đang chuẩn bị làm tang lễ nên bà Huynh chạy sang. Nhưng khi sang cầm lấy tay Hem thì thấy người vẫn còn nóng và bụng có những tiếng đạp dồn dập rồi yếu dần theo từng nhịp. Quay sang hỏi gia đình Hem có thai mấy tháng rồi, thì gia đình bảo 7 tháng rồi. Thế là bà Huynh bảo với gia đình là con Hem vẫn còn sống mau đem vào bệnh viện còn kịp… “Vẫn biết Hem chết rồi, nhưng tôi vẫn thôi thúc gia đình đưa đi bệnh viện để cứu sống đứa bé đang trong bụng Hem. Khi đến bệnh viện tôi nắm chắc tay bác sĩ và bảo, hãy cứu lấy đứa bé…đứa bé không có tội. Dường như hiểu ý tôi, nên cô bác sĩ đã chuyển lên bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai để tiến hành mổ cứu lấy thai nhi…”, bà Huynh kể lại.
Đến 10 sáng ngày 22/4/2012 thì bà Huynh cùng gia đình nghe tiếng khóc của Đinh Nay Thương trong phòng mổ.“Lúc đó tôi mừng lắm. Nhưng khi thấy Thương thì gia đình và dòng họ Hem lại có ý định muốn đưa đứa bé và mẹ nó về chôn cùng…Vì theo tục bà con thời ấy, nếu mẹ chết thì con cũng phải chôn cùng mẹ…Nếu trái ý “Yàng” (trời) thì sẽ mạng đổi mạng. Lúc đó, tôi sợ gia đình chị Hem mang Thương về đi giết nên tôi đã ôm chặt lấy đứa con suốt 4 ngày trong phòng hậu sản không rời nó một bước…Thấy tôi nhịn đói 4 ngày thì nhiều bệnh nhân trong phòng đã san sẻ tôi tí cơm ăn cầm hơi…”, bà Huynh cho biết.
“Vì sợ dân làng và gia đình biết sẽ giết đứa bé nên tôi đã bế bé Thương về trong đêm, đóng kín cửa không ra ngoài. Sau đó vài ngày, tôi đặt tên lấy họ Đinh của tôi để đặt tên cho cháu là Đinh Nay Thương. Mong rằng mọi người sẽ thương yêu nó thật nhiều, không làm hại nói…”, bà Huynh trải lòng.
Chị Đinh Nay Hoan (Sn 1995, con gái bà Huynh) tâm sự, mấy mẹ con luôn coi bé Thương như là con ruột, khát một nỗi khi sinh ra không có sữa cho Thương bú, phải cho Thương ăn nước cơm. Chồng của em đã cảnh báo: “Nếu cô cho “con ma” đó bú mà chết con của tôi thì cô cũng chết theo nó luôn đó…Mặc dù gặp phải sự phản đối của hàng xóm nhưng hai mẹ con bà Nay Huynh vẫn quyết tâm đùm bọc, nuôi dưỡng Nay Thương chứ không cho dòng họ bắt nó giết theo hủ tục xa xưa.
Nhiều lúc hàng xóm và gia đình phản ứng gay gắt để mang Thương đi chôn, lúc đó bà phải nhờ chính quyền xã giải thích, tuyên truyền cho bà con hiểu. Lúc ấy, gia đình bà mới được ngủ ngon, nhưng vẫn sống trong cảnh lo sợ bị người ta bắt mất Nay Thương.
Với mảnh vườn gần 100m2, bà Huynh vừa phải đìu Thương và trồng mấy cây lúa để nấu cháo cho Thương ăn. Còn Nay Hoan thì đi nhặt phân bò để lấy tiền mua sữa cho Thương và gạo cho gia đình ăn qua ngày. Cuộc sống cũng dần dần trôi qua, hiện nay Nay Thương đã lên 6 tuổi, đang học trường mầm non và sống trong sự đùm bọc, yêu thương của gia đình bà Nay Huynh.
“Thấy Nay Thương lớn và khỏe mạnh nên đôi lúc gia đình của cháu cũng muốn đổi trâu, đổi ruộng để chuộc con bé về nhưng tôi không đồng ý mà chỉ cho cha con thăm hỏi nhau…Tôi sẽ nuôi Thương và cho nó học hành đầy đủ, chứ đôi lúc thấy cha nó suốt ngày rượu chè, say xỉn nên cũng không yên tâm. Dù vậy tôi vẫn để cháu chơi với cha bình thường”, bà Huynh cho biết.
Theo chị Hồ Thị Ngọc (hàng xóm bà Huynh) cho biết, bà Huynh thương nó như con đẻ. Ngày nào cũng thấy hai mẹ con gần gũi, yêu thương, bồng bế nhau… vì thế mọi sự phản đối trước đây về việc nuôi bé Thương giờ đã tan biến. Nay những người trong làng đã hiểu “cái bụng” Nay Huynh nên càng tôn trọng và quý mến gia đình bà hơn…”.