Bất động sản

Giá chung cư tăng mạnh: Người mua khó tiếp cận nhà ở

Thùy Linh 13/06/2023 - 11:02

(TN&MT) - Giá chung cư tại Hà Nội đang tăng mạnh khiến nhu cầu mua nhà của người dân trở nên khó khăn và có tâm lý tiếp tục chờ chung cư giảm giá.

Giá nhà chung cư liên tục tăng

Hai năm qua, tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường khiến giá nhà chung cư mới và cũ đều tăng mạnh, phổ biến mức 20 - 30% so với thời điểm năm 2021. Thậm chí, những chung cư có giá dưới 20 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi thị trường Hà Nội.
Chị Nguyễn Hồng Vân (cán bộ ngành điện lực) cho biết, gia đình chị muốn mua căn hộ chung cư tầm 2 tỷ đồng cho con trai. Số tiền này không đủ để mua chung cư ở nội thành do mặt bằng giá trên 30 triệu đồng/m2. Tại một số khu vực xa trung tâm như quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, khoản tiền này chỉ mua được chung cư cũ.

“Giá nhà vẫn tăng trong khi số tiền để dành mua nhà không theo kịp đà "phi mã" của thị trường căn hộ. Trong khi lãi suất cho vay tại ngân hàng vẫn ở mức cao 12 - 13,5%/năm, vượt quá khả năng tài chính. Vì vậy, tôi buộc phải chọn phương án cho con đi thuê nhà ở tạm, chờ thị trường giảm giá mới mua” - chị Vân nói.

nha-o.jpeg
Người mua khó tiếp cận khi giá căn hộ chung cư lên cao

Theo Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2023, giá bán chung cư tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng. Thị trường chung cư Hà Nội tăng 16%, căn hộ trung cấp tăng 17%, căn hộ cao cấp tăng 9%. Trong đó, mức tăng cao nhất được ghi nhận tại Văn Giang - Hưng Yên với 29%/ năm, tiếp theo đó là khu Đông Hà Nội (bao gồm Long Biên, Gia Lâm) tăng 16%/ năm. Những khu vực phía Tây và phía Bắc tăng trung bình 7%/năm.

Cụ thể, tại dự án BRG Diamond Residence (Thanh Xuân), mức giá dao động từ 65 - 75 triệu đồng/m2. Do vậy, một căn hộ có diện tích 61,3m2, đang được bán với giá 75 triệu đồng/m2, tương đương gần 4,6 tỷ đồng. Hay tại The Zei (Mỹ Đình) mức giá rao bán đang dao động từ 50 - 75 triệu đồng/m2.

Hay như dự án The Nine (Cầu Giấy), mức giá phổ biến cũng từ 50 triệu đồng/m2 trở lên. Dự án Grand Sunlake (Hà Đông) giá từ 37 triệu đồng/m2; dự án Terra An Hưng có giá dao động từ 35 - 41,5 triệu đồng/m2; The Charm An Hưng có giá từ 30 - 40 triệu đồng/m2. Giá chung cư hạng sang HDI (Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) thời điểm mở bán 75 triệu đồng/m2 thì nay tăng 101 triệu đồng/m2…

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội đánh giá, sự chuyển dịch nhu cầu của người mua hiện nay đang tập trung vào phân khúc chung cư vì đây là một trong những sản phẩm có mức giá phù hợp để người dân có thể chi trả. Với những chung cư trước đây có giá dao động từ 2 - 3 tỷ đồng đã tăng lên 4 - 5 tỷ đồng nhưng người dân vẫn có khả năng để mua.
“Trong bối cảnh cầu nhiều, cung ít thì việc tăng giá là tất yếu, mặt bằng giá chung cư còn tiếp tục neo ở mức rất cao. Với những dự án đang xây dựng và mới mở bán, biên độ tăng giá sẽ cao hơn, bởi các chủ đầu tư đang chịu áp lực lớn về chi phí đầu vào. Dự báo, giá chung cư sẽ còn tiếp tục tăng trong nhiều năm tới. Bởi lẽ, nhu cầu là rất lớn nhưng nguồn cung không thể đáp ứng. Nhu cầu này được tạo ra từ quá trình đô thị hóa”- ông Điệp phân tích.

Cần thúc đẩy phát triển nhà ở giá rẻ

Hiện nay, nguồn cung nhà ở đang thiếu trầm trọng. Cả nước đã hoàn thành khoảng 301 dự án với quy mô gần 156.000 căn, đang triển khai 401 dự án, với quy mô hơn 454.000 căn. Trong bối cảnh thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn về chính sách pháp lý, thủ tục triển khai dự án, thay vì chờ đợi các dự án nhà ở thương mại được phê duyệt thủ tục, Bộ Xây dựng đang tập trung phát triển các dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà thuê mua. Bởi đây là phân khúc có nguồn cầu rất lớn. Trong khi việc triển khai xây dựng dự án có nhiều ưu đãi về chính sách đất đai như miễn tiền sử dụng đất, chủ đầu tư và người mua nhà đều được hưởng ưu đãi về lãi suất vay vốn...

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, để giải bài toán nguồn cung cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở nhất là nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững.

Trong đó, đề nghị các địa phương có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực BĐS tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bằng mọi giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 550.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 850.000 căn.

Theo các chuyên gia kinh tế, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay đó là vấn đề về vốn và pháp lý. Những vướng mắc trên không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, mà cần ít nhất từ 1 - 2 năm thì thị trường mới có thể phục hồi và tăng trưởng trở lại. Vì vậy, mục tiêu mà Chính phủ và Bộ Xây dựng cùng các địa phương đưa ra với chiến lược phát triển nhà ở xã hội cần sự tham gia tích cực, chung tay của các doanh nghiệp để sớm giải tỏa được nguồn cung nhà ở đối với phân khúc bình dân, giảm tải áp lực cho thị trường BĐS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá chung cư tăng mạnh: Người mua khó tiếp cận nhà ở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO