GFANZ là liên minh các tổ chức tài chính lớn nhất trên thế giới về giảm phát thải. Mục đích nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch của thế giới sang phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 và đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1,5 độ C. Thông qua liên minh này, GFANZ đã hợp nhất hơn 550 công ty thành viên từ khắp lĩnh vực tài chính, bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, chủ sở hữu tài sản, nhà cung cấp dịch vụ tài chính và tư vấn đầu tư, trải rộng trên 50 khu vực pháp lý.
Trong thông báo chính thức mới đây, GFANZ cho biết đã thành lập Nhóm công tác gồm các tổ chức tài chính đã cam kết giảm phát thải ròng bằng “0”. Các thành viên ban đầu gồm: Bank of America, Citi, Deutsche Bank, HSBC, Macquarie, Mizuho Financial Group, MUFG, Prudential Plc, Shinhan Financial Group, SMBC Group và Standard Chartered - đã và đang làm việc với các đối tác nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện JETP thông qua xác định các rào cản đối với việc thu hút nguồn đầu tư tư nhân cần thiết. Nhóm cũng đề xuất những cải cách cần thiết để giải quyết các rào cản và xác định các phương pháp có thể giúp thu hút tài chính tư nhân ở quy mô lớn.
Thông qua JETP Việt Nam, GFANZ sẽ hỗ trợ tăng cường đáng kể tài chính phân bổ cho các công ty và dự án phù hợp với quá trình chuyển đổi của Việt Nam. Các cam kết tùy thuộc vào số lượng các chính phủ và đối tác liên quan hợp tác chặt chẽ với GFANZ và khu vực tư nhân để đảm bảo: Tiếp tục hoàn thiện chính sách trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ môi trường đầu tư thuận lợi; sự sẵn sàng và quá trình triển khai tài chính công xúc tác, bao gồm cả các cấu trúc và hình thức của nguồn tài chính có thể được sử dụng nhằm giảm thiểu rủi ro một cách thích hợp và tập trung vào tài chính tư nhân; và danh mục các dự án đầu tư cạnh tranh nhất nhằm triển khai lộ trình chuyển đổi tham vọng của JETP.
Theo ông Michael R. Bloomberg, Đồng Chủ tịch GFANZ và là Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch. Thông qua hợp tác công tư, chúng ta có thể tăng tốc đầu tư cần thiết để Việt Nam đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm mới và đồng thời cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Phó Chủ tịch GFANZ, ông Mary Schapiro khẳng định, việc huy động vốn cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển rất quan. Cam kết của GFANZ với Việt Nam là bước phát triển mới nhất về cách thức hợp tác giữa tài chính tư nhân với các chính phủ để đảm bảo một tương lai sạch hơn và bền vững hơn. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các đối tác và mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam.
Trong những tháng tới, Nhóm công tác GFANZ sẽ làm việc với Việt Nam, IPG, các tổ chức tài chính công và các đối tác khác để triển khai các bước cần thiết tiếp theo nhằm thực hiện JETP.
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng định ASEAN-EU, các nhà lãnh đạo từ Việt Nam, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu đã công bố thông qua Tuyên bố Chính trị về Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) của Việt Nam vào ngày 14/12 (theo giờ địa phương).
Đây là Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam cùng nhóm các đối tác quốc tế, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Canada, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Na Uy.
Theo Tuyên bố, các đối tác quốc tế sẽ huy động số tiền ban đầu là 15,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới, bao gồm 7,7 tỷ đô la Mỹ tài chính khu vực công từ Nhóm đối tác quốc tế (IPG) và khoản đối ứng 7,75 tỷ đô-la Mỹ do GFANZ điều phối, huy động đầu tư tư nhân.
Quan hệ đối tác này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và giảm phát thải của hệ thống năng lượng, đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới nhằm chuyển đổi hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Quá trình huy động nguồn tài chính này sẽ được thực hiện, sau khi Chính phủ Việt Nam phê duyệt Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP Việt Nam (JETP-RMP).