(TN&MT) - Chất thải nhựa là một thành phần chủ yếu của rác thải biển, chiếm khoảng 50 - 80% lượng rác thải biển. Ước tính, hơn 80% chất thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền, phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển. Hiện nay, lượng rác thải nhựa trên biển ngày càng gia tăng, gây tác hại cho môi trường và các loài động vật biển.
Ảnh hưởng đến sinh vật
Theo TS. Đỗ Thanh Bái, Hội Môi trường Công nghiệp Việt Nam, lượng rác thải hiện nay có trên biển chiếm 94% lượng nhựa đi vào môi trường biển tập kết ở đáy đại dương, mật độ 70kg nhựa/km2 đáy biển. Ước lượng 25,3 - 65 triệu tấn rác dưới đáy biển toàn cầu. Lượng rác thải đi vào biển trung bình khoảng 1,75 triệu tấn/năm. Số liệu này được ước tính dựa trên khối lượng tất cả các loại chất thải có trên biển với giả thiết 55% khối lượng chất thải nhựa. Có nguồn là các hạt vi nhựa ước lượng khoảng 0,5 đến 1,4 triệu tấn/năm.
Do cấu trúc là các polyme tổng hợp nhân tạo (polystyrene, polyester, polyethylene...), nhựa có tốc độ phân hủy trong môi trường biển rất chậm. Các nhà khoa học tính toán, phải đến hàng trăm năm, thậm chí, cả nghìn năm để một mảnh rác thải nhựa phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên như vậy, khi plastic phân rã theo thời gian, những mảnh plastic nhỏ sẽ đi vào cơ thể sinh vật biển, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển, ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống của các loài sinh vật phù du, cá biển, các loài rùa biển cũng như các loài chim biển. Các nhà khoa học đặc biệt lo lắng về mối đe dọa đối với các động vật biển lớn như cá mập, cá voi... Chất độc trong các mảnh plastic có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe động vật. Nghiêm trọng hơn, khi những mảnh plastic đi vào chuỗi thức ăn tác động có thể xảy ra đối với nhiều loài động vật, có thể bao gồm cả con người.
Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, 28% tổng số cá thể sinh vật và 55% số loài cá và thân mềm thu được từ Biển Đông, khu vực Indonesia có chất thải nhựa trong dạ dày và đường ruột. Chúng đều là những loại hải sản được sử dụng phổ biến làm thực phẩm hàng ngày của người dân Indonesia.
Chưa có những nghiên cứu tương tự từ vùng biển Việt Nam nhưng Indonesia có lượng rác thải nhựa ra biển nằm trong khoảng dao động tương đương với Việt Nam và những loài hải sản được đề cập đến trong nghiên cứu ở Indonesia như cá nục, cá thu, cá trích, cá dìa cũng đều là những loài được sử dụng phổ biến làm thực phẩm ở Việt Nam. Đó là một vấn đề nghiêm trọng.
Giảm thiểu chất thải nhựa
Nhờ sự phát triển của nhận thức và khoa học, có rất nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu lượng chất thải nhựa ra biển. Trong đó, việc xây dựng chính sách, pháp luật được coi là biện pháp quan trọng bậc nhất, là căn cứ để thực hiện các biện pháp khác để phần nào kiểm soát được lượng rác thải nhựa biển.
Hiện nay, các Hiệp ước môi trường đa phương là các Thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc. Tuy vậy, Hiệp ước này chỉ ràng buộc được các nước ký kết phê chuẩn hoặc tham gia. Vì thế, hiệu lực cũng chưa thực sự như mong muốn.
Một trong những biện pháp khác để kiểm soát chất thải nhựa biển được gọi là Công cụ kinh tế thị trường (MBI). Công cụ này có thể thay đổi chi phí hay giá cả thị trường để tạo động lực kinh tế; có thể tập trung vào các sản phẩm (túi nhựa), dịch vụ (thu gom rác thải), hoạt động (đổ rác), đầu vào (nguyên vật liệu)... giúp thay đổi hành vi và gây quỹ.
Đặc biệt là biện pháp kỹ thuật/công nghệ hiện có (BATs) để hạn chế chất tác hại của ngư cụ thất lạc, bỏ đi gồm: Bắt buộc gắn đèn trên lưới kéo, sử dụng pin mặt trời; đánh dấu lưới (hóa học, màu, đính nhãn, thiết bị phát tín hiệu); kỹ thuật làm lưới chìm hoặc trôi nổi ở một số độ sâu ít ảnh hưởng đến sinh vật nhất; lưới làm từ vật liệu phân hủy sinh học; sử dụng cáp thép để cố định phao. BATs để thu gom và loại bỏ rác ở sông và càng còn có rào cắn nổi và máy gắp rác.
Ngoài những biện pháp nêu trên, cũng có thể áp dụng xử lý chất thải nhựa (chôn lấp, đốt rác) và tái chế, thu hồi chất thải (biến nhựa thành nhiên liệu, biến lưới cá thành điện). Cùng với đó là việc tuyên truyền, giáo dục, đây được coi là bước quan trọng nhằm thay đổi hành vi và từng bước xây dựng thái độ có trách nhiệm hơn về bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, việc ô nhiễm nhựa trên biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng nên rất cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa, giảm thiểu việc thải bỏ chất thải nhựa ra biển. Cạnh đó, phải thực hiện phân loại rác tại nguồn, thúc đẩy việc tái sử dụng tái chế chất thải nhựa. Đồng thời, xây dựng chính sách pháp luật về chất thải nhựa biển và áp dụng công cụ kinh tế góp phần giảm thiểu chất thải nhựa.