(TN&MT) - Ngày 19/5 tỉnh Yên Bái sẽ khai mạc “Triển lãm nghệ thuật cảnh quan mây pha lê” trên đồi mâm xôi tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Đây là triển lãm lần đầu tiên có tại Việt Nam với sự kết của gần 60.000 viên pha lê do hội Kiến trúc sư (HKTS) tỉnh Yên Bái phối hợp với nhóm tác giả người Mỹ gốc Việt thực hiện. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về triển lãm này, PV Báo TN&MT đã có trao đổi với Ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Yên Bái.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết ý tưởng “Triển lãm nghệ thuật cảnh quan mây pha lê” được xuất phát từ đâu?
Ông Nguyễn Tiến Thành: Cuối năm 2016, HKTS tỉnh Yên Bái sang Thái Nguyên dự liên hoan câu lạc bộ KTS toàn quốc. Tại đây tác giả Andy Cao người Mỹ gốc Việt trình bày về nghệ thuật cảnh quan mây pha lê ở các nước tại các nước như: Áo, Đức, Mỹ… Ngay sau khi Andy Cao trình bay xong ý tưởng này, HKTS đã mời Andy Cao lên Yên Bái và tác giả cũng đã biết Yên Bái có ruộng bậc thang rất nổi tiếng và được công nhận là danh thắng quốc gia Mù Cang Chải. Từ đó tác giả có ý tưởng thực hiện triển lãm này tại Yên Bái, sau khi lên kế hoạch và thời gian chuẩn bị nhóm thiết kế Cao Perrot Studio bắt tay vào xây dựng từ ngày 18/4/2018, triển lãm sẽ khai mạc vào ngày 19/5 kết thúc ngày 5/10/2018.
PV: Vậy Mù Cang Chải có thế mạnh gì để tạo điểm nhấn cho triển lãm này? Thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thành:Xét về sự phù hợp bối cảnh thiên nhiên cũng như điều kiện cần thiết để tạo sự thành công cho triển lãm ngoài trời thì Mù Cang Chải có đầy đủ các yếu tố nổi bật và thuận lợi. Ruộng bậc thang là sự hòa quyện giữa thiên nhiên và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, mây pha lê được tạo bởi con người nhằm tạo nên cảnh quan độc đáo. Sự kết hợp giữa ánh sáng mặt trời chiếu vào các hạt pha lê tạo sự tương phản giữa mặt nước vào mùa nước đổ và màu vàng của mùa lúa chín cho những hạt pha lê lóng lánh tạo thành những đám mây nhiều màu sắc lung linh, huyền ảo. Đây cũng là điểm nhấn của triển lãm lần này.
PV: Vậy để thực hiện được triển lãm này mất thời gian trong bao lâu? Tới thời điểm hiện tại công tác chuẩn bị cho triển lãm này tới đâu? Thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thành: HKTS tỉnh Yên Bái đã biết đến triển lãm này và đã có ý tưởng thực hiện triển lãm này từ năm 2017. Tuy nhiên do thời gian gấp nên đến năm 2018 mới được thực hiện, bởi gần 60.000 hạt pha lê chúng tôi phải chuyển từ Áo về. Triển lãm nghệ thuật mây pha lê được xây dựng trên các cột tre, kết hợp cột thép trên đồi mâm xôi, phía trên sử dụng lưới thép mềm tạo hình các đám mây gắn hạt pha lê. Số lượng hạt pha lê dự kiến 60.000 hạt, diện tích ruộng thuê của người dân 1.000m2, trong đó 400m2 là không gian mây pha lê, 600m2 là không gian lối đi và các hoạt động phụ trợ. Triển lãm không ảnh hưởng tới sản xuất của người dân. Tới thời điểm hiện tại các cột thép đã được chuyển tới huyện Mù Cang Chải, còn 60.000 hạt pha lê đã được chuyển tới TP. Hồ Chí Minh.
PV: Thưa ông, đây là triển lãm ngoài trời khá lớn và cũng là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam trong quá trình thực hiện có gặp khó khăn gì?
Ông Nguyễn Tiến Thành: Tới thời điểm hiện tại trong quá trình thực hiện chúng tôi không gặp khó khăn lớn. Hiện tác giả Andy Cao và một chuyên gia người Pháp cùng với 5 Kiến trúc sư của tỉnh Yên Bái đang có mặt trực tiếp tại huyện Mù Cang Chải để thực hiện triển lãm. Đến với Triển lãm nghệ thuật cảnh quan mây pha lê du khách như lạc vào cõi thần tiên, bay bổng cùng những sóng lúa vàng lên tận đỉnh núi với những đám mây nhiều màu sắc lung linh, huyền ảo.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!