Dự án cung cấp nước sạch cho người dân ở 5 xã ven biển của huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang có vốn đầu tư 147 tỷ đồng vay từ Ngân hàng thế giới WB, trong đó tỉnh đối ứng 19%. Dự án đã đi vào hoạt động từ 2018, đảm bảo cung cấp cho hơn 5 ngàn hộ dân thuộc 5 xã ven biển gồm Tây Yên, Nam Yên, Tây Yên A, Nam Thái và Nam Thái A. Do nguồn vốn ban đầu hạn hẹp, qui mô dự án có hạn, nên đến nay vẫn còn gần 50% hộ dân thiếu nước sạch, chưa được hưởng lợi từ dự án.
Có nhà máy nước nhưng dân vẫn "khát"
Là một trong khoảng 200 hộ dân thuộc 4 ấp ven biển của xã Nam Thái A luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt gay gắt nhất trong mùa khô năm nay, chị Lê Thị Hạnh, 44 tuổi trú ấp Bảy Biển xã Nam Thái A cho biết: trước đây khi chưa có dự án cung cấp nước sạch, người dân ở tuyến đê biển này rẫt dễ đổi nước ngọt để dùng nhưng từ khi có dự án này và cống ngăn mặn trên đê biển được xây dựng cách đó không xa thì không ai chở nước ngọt đến đổi cho bà con khiến cuộc sống của người dân ở đây càng khó khăn hơn.
Do 4 ấp Bảy Biển, Xẻo Đôi, Xẻo Quao A, Xẻo Vẹt ở phía ngoài đê quốc phòng, giáp với biển nên cuộc sống ở đây 3 không, tức không đường, không điện và không nước sạch. Tuy nhiên niềm mong ước lớn nhất của hơn 200 hộ dân này là mong dự án kéo nước ngọt về phục vụ cho dân.
“Có nước sạch về cho bà con là người ta mừng rồi. Ở đây nhà nào cũng có lu nước, mưa nhiều thì xải nhiều, có ít thì xài ít. Mình múc nước dưới kênh mặn mấy chục phần ngàn lận, nhưng cũng vẫn phải xài chứ không xài thì nước đâu mà dùng. Khi nào mình rửa, xả rồi thì múc thêm ít nước ngọt xả lại. Bởi vậy thèm nước ngọt lắm”, chị Hạnh than thở.
Chỉ cách đầu cuối của đường ống dự án 500m nhưng người dân ở khu vực ấp Sáu Biển, ấp Xẻo Đôi vẫn chưa được tiếp cận nguồn nước sạch của dự án. Ở khu vực này người dân đều tự khoan cây nước với chi phí đắt đỏ nhưng chất lượng nước bị phèn, không đảm bảo để sử dụng trong sinh hoạt.
“Nước khoan của mình không ổn đâu, không có nấu ăn được, chỉ rửa, giặt đồ thôi, giặt đồ còn đóng phèn nữa. Từ khi bắt đầu nuôi tôm tới giờ xài nước đổi của người ta mang tới, 1 lu 50 ngàn đồng mà nước đổi giờ đâu còn ai đi đổi cho mình nữa đâu nên phải đi mua nước suối đóng bình xải. 2-3 ngày là hết 1 bình, tốn kém lắm nên tôi mong có nước ngọt sử dụng lắm, chứ xài nước cây cực khổ”, bà Nguyễn Thị Được ở ấp Xẻo Đôi cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái A cho biết: Nam Thái A là xã xa nhất và khó khăn nhất của huyện An Biên, cũng là một trong 12 xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của tỉnh Kiên Giang. Hiện nay dự án cung cấp nước sách mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của các hộ dân trong xã, vẫn còn gần 1.200 hộ đang cần nước sạch.
Sẽ đầu tư theo mô hình cung cấp nước cho hộ gia đình
Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, Trạm cấp nước khu vực 4 liên xã huyện An Biên đặt tại xã Nam Yên hiện chạy công suất hơn 2.800m3 nước/ngày, gần đạt công suất thiết kế 2.900m3/ngày để phục vụ nước sạch cho hơn 5 ngàn hộ dân, giải quyết được bức xúc về nước sạch cho các xã ven biển nhiều năm nay. Tuy nhiên, do nguồn vốn thực hiện dự án còn hạn chế, một số nơi xa khu dân cư nên vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu cho bà con.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nước Sạch tỉnh Kiên Giang cho rằng: Trong số gần 4000 hộ dân đang cần nước sạch, đa phần dân cư ở xa các trục đường giao thông, lộ nông thôn khó triển khai đường ống nên không được đưa vào dự án ban đầu. Một số người dân do có cây nước sạch lúc đầu đã từ chối, sau thấy hiệu quả của dự án nên đã xin được tham gia. Ngoài ra, có 270 hộ đã lắp đồng hồ nước nhưng không sử dụng, Trung tâm nước sạch phải thu hồi để lắp cho các hộ khác.
Trước mắt, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về chống hạn mặn đang diễn ra gay gắt năm nay, Trung tâm sẽ sử dụng nguồn vốn tự có cung cấp bồn, lu cho các hộ dân ở xa. Căn cứ từ nguồn vốn tự cân đối của trung tâm, ở những khu vực thuận lợi sẽ tiếp tục kéo dài đường ống hiện có để cung cấp nước sạch cho bà con.
“Trung tâm đang tổ chức triển khai cho các huyện báo cáo để cấp nước theo hộ gia đình. đối với các xã đảo ven biển, xã đặc biệt khó khăn có nhu cầu sử dụng nước Trung tâm sẽ tập hợp lại trình UBND tỉnh thành lập một đề án cấp nước theo hộ gia đình theo quy mô onhor lẻ. Do điều kiện dân cư thưa thớt, chiều dài tuyến ống không thể kéo để phục vụ hết được nên chỉ có cách cấp theo quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình để họ tự đảm bảo sinh hoạt thôi chứ không thể nào nguồn vốn ngân sách có thể kéo 5km chỉ để phục vụ cho vài ba hộ”, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nước Sạch tỉnh Kiên Giang khẳng định.