Báo cáo cho thấy, việc sử dụng gia tăng các thiết bị bảo hộ cá nhân bao gồm găng tay và khẩu trang trong thời kỳ đại dịch, đã làm tăng thêm vấn đề hiện hữu về rác thải nhựa. Ảnh: Seaphotoart/Alamy |
Theo Yiming Peng và Peipei Wu thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), đại dịch COVID-19 đã làm tăng nhu cầu về nhựa dùng một lần, khiến vấn đề rác thải nhựa toàn cầu vốn đã mất kiểm soát càng trở nên nghiêm trọng. Nhựa thải ra có thể trôi một quãng đường dài trong đại dương, tiếp xúc với động vật hoang dã ở biển và có thể khiến chúng thương tích hoặc thậm chí tử vong.
Một báo cáo khác được công bố hồi tháng 3 đã ghi nhận trường hợp đầu tiên về vụ một con cá bị mắc kẹt bên trong gang tay y tế tại kênh đào ở Leiden (Hà Lan). Tương tự, ở Brazil, mặt nạ bảo vệ PFF-2 đã được tìm thấy trong dạ dày của xác một con chim cánh cụt Magellanic.
Các nhà khoa học dự đoán, vào cuối thế kỷ 21, phần lớn toàn bộ rác nhựa liên quan đại dịch Covid-19 sẽ chất đống ở đại dương hoặc dạt lên các bờ biển.
Theo một nghiên cứu của Trung Quốc, 46% rác thải nhựa không được xử lý đúng cách đến từ Châu Á, sau đó là Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ. Khoảng 87,4% lượng rác thải là từ các bệnh viện và 7,6% được các cá nhân sử dụng.
Kể từ đầu dịch Covid-19, hàng nghìn tấn khẩu trang, găng tay, bộ dụng cụ thử nghiệm và tấm che mặt đã thải ra đại dương từ 369 con sông lớn. Đứng đầu danh sách này là Shatt al-Arab ở phía Đông Nam Iraq - nơi mang theo 5.200 tấn rác thải ra biển. Sông Indus ở phía Tây Tây Tạng cũng chứa 4.000 tấn và sông Dương Tử ở Trung Quốc 3.700 tấn. Riêng tại châu Âu, sông Danube mang theo nhiều rác thải ra đại dương nhất, với 1.700 tấn.
Theo nghiên cứu, thế giới cần tăng cường quản lý chất thải y tế, đặc biệt, ở các nước đang phát triển.