El Nino khiến tăng trưởng kinh tế quý 1 giảm đáng kể

13/04/2016 00:00

(TN&MT) - Chiều 12/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố định kỳ Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I nhằm cập nhật và thảo luận kịp...

 

(TN&MT) - Chiều 12/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố định kỳ Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I nhằm cập nhật và thảo luận kịp thời những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam... 

Sụt giảm vì thời tiết

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam Qúy I cho thấy, hoạt động của các nhóm ngành chính sụt giảm do tác động của El Nino đã khiến tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1/2016 giảm xuống mức 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu cho sự sụt giảm này là do sản lượng các ngành chính suy giảm 1,1%. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất ghi nhận được trong những năm gần đây, và phản ánh tác động của El Nino liên quan đến gián đoạn nguồn cung.

Tuy nhiên theo các chuyên gia nhận định, tăng trưởng kinh tế thấp chưa chắc đã là điều xấu. Điểm tích cực ở đây là chính sự tăng trưởng chậm trong thời điểm hiện tại lại chứng tỏ sự bền vững hơn và tạo điều kiện cho Việt Nam tái xây dựng bệ đỡ cho kinh tế vĩ mô.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phát biểu tại buổi tọa đàm
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phát biểu tại buổi tọa đàm

Theo các chuyên gia kinh tế, các quý còn lại của năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là những dự báo kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khả năng phục hồi kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu khả quan; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và diễn biến thời tiết thất thường không thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Giá dầu thô biến động khó lường…

Sẽ dần ổn định vào cuối năm…

Nhưng nhìn nhận khách quan, nền kinh tế vẫn có những dấu hiệu khả quan. Gần đây, giá dầu thô có xu hướng tăng trở lại, song dự báo vẫn ở mức giá thấp sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế như thu ngân sách từ dầu thô và các khoản thu có liên quan sẽ giảm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại giá dầu giảm giúp giảm chi phí đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế, làm tăng giá trị gia tăng nói riêng và GDP nói chung, từ đó các khoản thu từ sản xuất trong nước tăng sẽ bù đắp phần thiếu hụt thu từ dầu thô.

Theo đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, sau đó giảm dần 6,5% trong năm 2017. Thời gian tới, kinh tế Việt Nam sẽ dựa trên 3 động lực chính: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, niềm tin của người tiêu dùng và chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết “Mặc dù tình hình tăng trưởng trong nước quý I không như kỳ vọng, nhưng về cơ bản, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tích cực trong năm 2016 nếu những cơ hội từ tự do hóa thương mại được tận dụng và cải cách hành chính tiếp tục được thúc đẩy”.

VEPR khuyến nghị cần duy trì các chính sách kinh tế hướng tới duy trì mục tiêu ổn định vĩ mô, đặc biệt, cần tránh tâm lý nôn nóng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới.

Thứ nhất, lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, đặc biệt trong nửa sau của năm 2016, khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, giá hàng hóa thế giới phục hồi, tác động của hạn hán lên giá lương thực đạt đỉnh điểm trước khi vụ lúa hè - thu được thu hoạch vào khoảng tháng 8. Do đó, theo VEPR, Chính phủ khi hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro bùng phát lạm phát nhằm kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng từ 18 - 20% trong năm 2016 có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như trong mấy năm gần đây.

Thứ hai, không có dấu hiệu cho thấy nguồn thu ngân sách sẽ được cải thiện trong năm 2016, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để giảm chi thường xuyên, bội chi chắc chắn tiếp tục không thực hiện được kế hoạch dưới 5% GDP của Quốc Hội. Đi kèm với các giải pháp cắt giảm chi ngân sách ngắn hạn quyết đoán, Chính phủ cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ này.

Thứ ba, chiến lược chống “đô-la hóa” mặc dù đang từng bước loại USD khỏi hệ thống lưu thông và tín dụng, vẫn cần phải có chính sách thích hợp để lưu chuyển dòng USD tích trữ trong nền kinh tế, thông qua một thị trường mua, bán ngoại tệ hữu hiệu, quy mô lớn.

Việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm không đi liền với việc thiết lập thị trường mua, bán USD hiệu quả đang dẫn đến nguy cơ mất cân đối trên thị trường ngoại tệ. Một khối lượng lớn tài sản ngoại tệ của dân cư được gửi ra nước ngoài với mức lãi suất thấp, trong khi một số tổ chức tín dụng trong nước phải huy động vốn từ nước ngoài với lãi suất cao.

Có thể nhận định, triển vọng 2016 tiếp tục có tiến bộ, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn, nhưng triển vọng trung hạn 3-5 năm tới có nhiều khả năng là các bất ổn vĩ mô mới sẽ phải ứng phó không thể xem thường nếu các nỗ lực cải cách triển khai không đủ mạnh mẽ và thiếu tính hệ thống – TS. Nguyễn Đức Thành khẳng định thêm.

Vũ Vân – Thu Thủy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
El Nino khiến tăng trưởng kinh tế quý 1 giảm đáng kể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO