hoamugungcv.jpg

Cheonggyecheon - suối Thanh Khê - cái tên mà mỗi người dân Seoul đều tự hào khi nhắc đến. Đây là mẫu hình lý tưởng để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hồi sinh các dòng sông.

1.jpg

Ô nhiễm nguồn nước đang là một trong những mối đe dọa sinh thái nghiêm trọng nhất mà con người đang phải đối mặt. Ở một số quốc gia trên thế giới, những giải pháp cấp bách, dài hạn... luôn được chính quyền các nước đặt ra nhằm hồi sinh những dòng sông, con suối "chết".

hoamugungcvbt.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khâm phục chính quyền thành phố dám thay đổi, dám làm lớn, mạnh dạn bỏ kinh phí lớn để thực hiện làm nên một công trình có tính biểu tượng mới của thủ đô Seoul.

Sau Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt Nam - Hàn Quốc, Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam do Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh làm Trưởng đoàn đã đi thực địa sông Cheonggyecheon (suối Thanh Khê) - đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của đất nước Hàn Quốc nói chung, của Thủ đô Seoul nói riêng.
Nhưng Cheonggyecheon nổi tiếng không chỉ vì có không gian, cảnh quan xanh - sạch - đẹp mà còn chứa đựng câu chuyện hồi sinh thần kỳ. Con suối này đã từng bị lấp bề mặt để xây dựng đường cao tốc, và cũng chính nó, được chính quyền thành phố Seoul "hồi sinh" bằng nỗ lực, quyết tâm, sự đồng lòng của các cấp, các ngành và người dân.

3.jpg

Dòng Cheonggyecheon được hình thành từ triều đại Joseon (1392 - 1910) của Hàn Quốc với chức năng cung cấp hệ thống thoát nước cho Seoul. Cắt ngang qua Seoul, Cheonggyecheon - Thanh Khê - có nghĩa là dòng suối sạch trong thung lũng.

Sau chiến tranh, Hàn Quốc tập trung vào phát triển kinh tế, suối Thanh Khê trở thành "nạn nhân" của quá trình đô thị hóa. Dòng suối đã dần được phủ bê-tông và biến thành một con đường dài 6km vào khoảng cuối những năm 1950. Đến năm 1971, một đường cao tốc dài 5,6km tiếp tục được xây dựng trên cao để đáp ứng mật độ giao thông ngày càng tăng ở Seoul. Công trình hạ tầng giao thông này đã phục vụ 170.000 lượt phương tiện mỗi ngày, giúp Seoul trở thành một thành phố nhộn nhịp và phát triển.

duongcaotoc-900x613.jpeg
Đường cao tốc bên trên dòng suối Cheonggyecheon bị che lấp những năm 1990.


Tuy nhiên, đến năm 2000, đường cao tốc bị xuống cấp và cần được sửa chữa. Các kỹ sư từ Hiệp hội Kỹ thuật Xây dựng dân dụng Hàn Quốc ước tính, việc sửa chữa có thể tiêu tốn tới 95 triệu USD. Ngoài nguy cơ về an toàn kỹ thuật, việc sửa chữa cũng đồng thời gây ra những lo ngại về sức khỏe cho các cộng đồng xung quanh khi không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, bụi mịn, oxit nitơ và benzen, cùng với đó là ùn tắc giao thông, tiếng ồn... Môi trường kinh doanh khu vực Cheonggyecheon không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Sau nhiều tranh cãi, phương án phá bỏ hệ thống giao thông là con đường bộ che lấp không gian mặt suối Thanh Khê và con đường cao tốc trên cao đã được quyết định, cùng với đó là khôi phục dòng suối, khôi phục dòng chảy và lượng nước chảy ổn định bởi từ khi làm đường trên suối, nguồn nước ở suối Thanh Khê đầy vơi thất thường. Việc phá dỡ 2 con đường và khôi phục suối Thanh Khê là một quyết định táo bạo, quyết liệt được chính quyền và người dân nơi đây rất quan tâm
Ông Hwang KangHak - Giám đốc phụ trách Ban quản lý hệ thống suối Thanh Khê (trực thuộc Tổng công ty cơ sở hạ tầng của Seoul) cho biết: Khôi phục dòng Cheonggyecheon vốn không nằm trong các tài liệu quy hoạch đô thị chính thức bởi vì ý tưởng này được xem là quá tham vọng và vượt ngoài sức tưởng tượng hay khả năng của chính quyền địa phương. Việc quyết định phá bỏ hệ thống giao thông và khôi phục lại Cheonggyecheon chỉ được hạ quyết tâm khi ứng cử viên Thị trưởng thành phố Seoul - Lee Myungbak đưa ra cam kết trong một chiến dịch tranh cử lớn.

2.jpg

Dự án khôi phục Cheonggyecheon được bắt đầu vào ngày 1/7/2002, khi Thị trưởng mới của thành phố Seoul Lee Myungbak nhậm chức.
Ông Lee khẳng định rằng, dự án khôi phục Cheonggyecheon là hợp lý do tình trạng xuống cấp của đường cao tốc trên cao và việc khôi phục sẽ hồi sinh khu vực trung tâm thành phố. Ông tuyên bố, thành phố sẽ đầu tư 360 tỷ Won (302,8 triệu USD) để hồi sinh dòng suối và phá bỏ sáu làn đường, bao gồm ba làn mỗi bên. Việc khôi phục dòng suối dự kiến sẽ thu hút đầu tư tư nhân với tổng trị giá 11 nghìn tỷ won (9,2 tỷ USD), tạo ra giá trị gia tăng là 30 nghìn tỷ Won (25,2 tỷ USD).

01_dong-suoi-thanh-khe-truoc-va-sau-khi-cai-tao.jpeg
Dòng suối Thanh Khê trước và sau khi cải tạo

Ông Hwang KangHak thông tin, khi đưa ra ý tưởng và bắt đầu thực hiện dự án phá bỏ đường và hồi sinh suối Thanh Khê đã vướng phải sự phản đối của người dân trong khu vực, chính quyền đã phải tổ chức tới hơn 4.000 cuộc họp với người dân và đưa ra các giải pháp thương lượng ổn thỏa nhất.
Cũng trong quá trình thi công, đã phát hiện ra nhiều di lích lịch sử chôn vùi dưới dòng suối cổ. Chính quyền thành phố đã lập ra các ủy ban văn hóa để tìm các giải pháp tư vấn, đảm bảo vừa bảo tồn được các di sản tìm thấy vừa thi công đúng thời hạn đề ra.
Quá trình khôi phục được chia làm ba phần, mỗi phần có chủ đề riêng. Phần một của dự án bắt đầu từ tòa thị chính, kéo dài 2km, khôi phục theo chủ đề lịch sử và truyền thống; 2,1km tiếp theo khôi phục theo chủ đề văn hóa và hiện đại - vì nơi đây có nhiều trung tâm thương mại lớn; phần còn lại được khôi phục theo chủ đề tự nhiên và tương lai.

"Dòng suối Thanh Khê được bắt đầu từ tòa thị chính của thành phố và hạ lưu đổ ra sông Hàn. Xuyên suốt dòng chảy của suối Thanh Khê là lấy con người và thiên nhiên làm trọng tâm, trong đó vừa khôi phục văn hóa lịch sử của vùng đất nơi đây vừa tạo dựng những nền tảng, công năng hiện đại hướng tới tương lai" - ông Hwang KangHak cho biết.

box1(1).jpg

Dự án khôi phục Cheonggyecheon sử dụng một hệ thống thực thi tam giác bao gồm ủy ban công dân, ban chỉ đạo dự án và một nhóm nghiên cứu. Mỗi bộ phận đều bao gồm các quan chức chính quyền, chuyên gia và người dân. Mô hình làm việc này được thiết kế để đồng thời thúc đẩy việc thực hiện dự án hiệu quả, thu thập ý kiến của công chúng và xây dựng quan hệ công chúng.
Do khu vực thường xuyên có lũ lụt, một trong những ưu tiên trong quá trình khôi phục là sự an toàn, thực hiện các biện pháp phòng chống lũ lụt thích hợp. Các bờ kè được thiết kế xây dựng với khả năng có thể chịu được trận lũ lớn được ghi nhận khoảng 200 năm mới xuất hiện một lần.

Ngoài ra, thành phố đã đưa ra những giải pháp đặc biệt để giải quyết các vấn đề về nước thải trong quá trình thực hiện dự án. Một số lượng đáng kể các đường ống dẫn nước thải đã được làm ngầm gần Cheonggyecheon vì nước thải của trung tâm thành phố Seoul thường tập trung dọc theo suối. Tìm cách xử lý nước thải là điều kiện tiên quyết để phục hồi.

4.jpg

Dự án khôi phục suối Thanh Khê được tập trung vào việc làm hồi sinh dòng suối đã bị che phủ trong nhiều thập kỷ. Thành phố Seoul đã sử dụng các nguồn lực của mình để mang lại cuộc sống mới cho khu vực trung tâm thành phố bằng việc cải thiện môi trường đô thị. Việc khôi phục dòng suối Thanh Khê đã giúp làm hồi sinh khu vực trung tâm Seoul, mở ra nhiều tiềm năng về không gian công cộng xanh.
Bên cạnh những thay đổi trực tiếp từ môi trường sống ở dọc con suối Thanh Khê, việc khôi phục dòng suối cũng tạo ra một không gian công cộng và môi trường tự nhiên, với tổng diện tích 16,3ha. Không gian mới này là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và dành cho người đi bộ, cung cấp môi trường sống cho động vật và thực vật, đồng thời mang lại lợi ích cho môi trường bằng cách hạ nhiệt độ.
Từ mong muốn của người dân, đóng góp lớn nhất của dự án khôi phục Cheonggyecheon cũng nhằm tạo ra một không gian thư giãn, giải trí. Cheonggyecheon vì vậy cũng trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa, với 259 sự kiện được tổ chức trong giai đoạn năm 2005 - 2007.

05_hinh-anh-dong-suoi-trong-vat.jpg
Hình ảnh dòng suối trong vắt
box12.jpg

Dự án cũng có các tác động gián tiếp bao gồm hiệu quả của quá trình tái tạo dòng suối đã tạo ra giá trị bất động sản cao hơn trong khu vực. Trước khi được khôi phục, giá đất trong bán kính 100m của Cheonggyecheon chỉ cao hơn 15% so với giá đất trong bán kính 600m. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi sang không gian xanh, khoảng cách về giá trị đã tăng gấp đôi 30%.
Từ thực địa dòng sông Cheonggyecheon, đến tham quan khu vực giám sát, vận hành của đơn vị quản lý sông Cheonggyecheon, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khâm phục chính quyền thành phố dám thay đổi, dám làm, mạnh dạn bỏ kinh phí lớn để thực hiện một công trình có tính biểu tượng mới của Thủ đô Seoul. Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng, mong muốn của Bộ trưởng là các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để Việt Nam có thể tạo nên những công trình như Cheonggyecheon của Seoul.

5.jpg

Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc với 2.360 con sông, suối có chiều dài trên 10km, trung bình 20 - 25km có một cửa sông. Đây là sinh cảnh của nhiều loài động, thực vật, là nguồn sống của hàng triệu người. Hiện nay, với việc các nguồn nước bị ô nhiễm ngày càng tăng, đặc biệt là những khu vực trọng điểm phát triển, đã gây ảnh hưởng đến đời sống của con người và các loài sinh vật dưới nước.

Ngân hàng Thế giới đánh giá ô nhiễm chất lượng nước có thể làm giảm 4,3% GDP mỗi năm, nếu Việt Nam không áp dụng các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề xử lý nước thải thì GDP của Việt Nam sẽ giảm 2,5% vào năm 2035, nếu giải quyết triệt để, GDP sẽ tăng 2,3%.

14_cac-tac-dong-truc-tiep-cua-dong-suoi-duoc-phuc-hoi-bao-gom-viec-cung-cap-khong-gian-cong-cong-va-moi-truong-tu-nhien..jpg
Các tác động trực tiếp của dòng suối được phục hồi bao gồm việc cung cấp không gian công cộng và môi trường tự nhiên.

Thực tế cho thấy, việc quản lý tài nguyên nước phải lấy bảo vệ, phòng ngừa là chính, vì nguồn nước một khi đã bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng cũng như tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước. Quá trình phục hồi nguồn nước sẽ rất tốn kém, khó khăn, đòi hỏi thời gian, chi phí lớn cùng nhiều nguồn lực khác. Do đó, phục hồi và bảo vệ nguồn nước gắn liền với các giá trị tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học phải được quan tâm, chú trọng hơn. Những vấn đề trên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào các quy định trong Luật Tài nguyên nước 2023 và được Quốc hội thông qua.
Từ ngày 1/7/2024, Luật Tài nguyên nước 2023 của Việt Nam có hiệu lực, trong đó, nội dung phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm là một phần quan trọng của bộ Luật này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng, trình Thủ tướng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết" nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm "sống lại" các dòng sông.

Khi các chính sách đã có, tạo nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ cho các kế hoạch tiếp theo, thì việc còn lại là chính quyền các cấp phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, hành động ngay để khôi phục các nguồn nước bị ô nhiễm, hồi sinh lại những "dòng sông chết", để những con sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đồng Nai hay hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải dần chuyển mình như Cheonggyecheon của Seoul, trở thành biểu tượng cho thông điệp: Việt Nam - đất nước của những dòng sông xanh mát.

Bút ký của: KHƯƠNG TRUNG

Trình bày: TÙNG QUÂN

hoamugung-foot(1).jpg
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
E-magazine: Từ Cheonggyecheon, mơ giấc mơ sông Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO