Đêm 7/9, khi cơn bão số 3 (YAGI) vừa lắng xuống cũng là lúc công nhân môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) nhận lệnh triển khai nhiệm vụ. 4 giờ sáng ngày 8/9, 100% lực lượng chính thức có mặt tại hiện trường. Đã thành thông lệ, Người Urenco hễ ngưng gió bão là lao ra đường.
Tôi có mặt trên phố vào lúc 6 giờ sáng ngày 8/9 sau đêm Hà Nội oằn mình chịu đựng cơn cuồng bão. Bão số 3 quét qua thành phố để lại “bãi chiến trường” ngổn ngang rác, cột đèn đường, cột tín hiệu giao thông xô lệch, mái tôn, biển quảng cáo rơi nham nhở, và hàng loạt cây xanh bị bão nhổ bật gốc, bẻ ngang thân, lá cành xơ xác tơi bời… Những người có tuổi, sống lâu năm ở đây đã phải thốt lên: “Mấy chục năm nay chưa thấy một cơn bão nào diễn ra ở Hà Nội mà kinh hoàng đến thế”.
Thế nhưng trước tôi từ rất lâu, 4 giờ sáng ngày 8/9, 100 công nhân và khối văn phòng của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đã có mặt tại địa bàn phụ trách, bắt tay vào công việc. Dứt cuộc điện thoại điều hành, chỉ đạo các bộ phận triển khai nhiệm vụ, Phó Giám đốc Chi nhánh Ba Đình Nguyễn Quang Trung quay sang giải thích với tôi, rằng, giờ này công nhân của Urenco đã vào việc được 2 tiếng rồi; lực lượng xung kích vừa thực hiện nhiệm vụ đặc biệt lúc 8 giờ tối 7/9 trong tâm bão cũng “không chịu” nghỉ ngơi và đều có mặt từ 4 giờ sáng. Anh nói: “Bão tạm yên là chúng tôi tiếp cận hiện trường. Còn với lực lượng xung kích thì bất chấp bão, khi có “lệnh” là sẵn sàng “ra trận”, vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi luôn xác định trực bão như trực chiến”.
Từ nhà đến nơi công nhân môi trường đang làm việc, tôi phải bỏ xe cá nhân lại và “bắt” grap bike với tay lái vững của một thanh niên thạo đường mà cũng phải vòng vèo tránh các điểm cây đổ chặn lối đi mãi mới tới nơi. Vậy nên khi hay tin lịch làm việc của công nhân Urenco, trong tôi không khỏi băn khoăn họ ra khỏi nhà từ mấy giờ và đi như thế nào trong tình trạng đường phố ngổn ngang như thế. Quả là nhắm mắt cũng không hình dung được. Đáp lại băn khoăn của tôi, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Cao Thắng nói rằng: “Xuất phát từ đặc thù cán bộ, công nhân Urenco làm việc trong môi trường khó khăn vất vả, thậm chí là nguy hiểm, vì vậy, Công ty thường xuyên tuyên truyền, tập huấn kỹ năng an toàn lao động và an toàn giao thông. Trước mỗi hoàn cảnh khó khăn, Người Urenco biết mình phải làm gì”.
Đã từng nhiều lần nhắc đi nhắc lại cụm từ “Người Urenco” nhưng có lẽ còn lâu tôi mới hiểu hết họ. Ví như lần này chứng kiến Người Urenco trực bão, cảm giác như còn nhiều điều ở họ mà tôi chưa khám phá hết, vào mỗi hoàn cảnh, Người Urenco lại bộc lộ nét đẹp trong lao động ở một góc thể hiện khác nhau. Giờ đây đi qua cơn bão YAGI, tôi ngộ thêm một quy luật hiển nhiên, rằng: Người Urenco cứ ngưng bão là ra đường.
Ngưng bão là ra đường - đó là mệnh lệnh và cũng là phương châm làm việc của Urenco. Trao đổi nhanh với Tổng Giám đốc Phạm Văn Đức, tôi được anh cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho công nhân và phù hợp với quy luật thực tế, khi bão chưa ngưng thì cây cối vẫn tiếp tục đổ và gió vẫn cuốn các loại rác lộn xộn trên đường phố, vì vậy, trừ những sự cố đặc biệt phải phản ứng nhanh, còn lại, với công nhân, bão phải ngưng thì công nhân mới được phép ra đường. Công ty luôn xác định đáp ứng nhanh nhất, cao nhất chất lượng vệ sinh môi trường trên nguyên tắc an toàn cho công nhân là trên hết”.
Tiếp chuyện tôi trong ngổn ngang đổ nát trên phố Đinh Tiên Hoàng sáng 8/9, Ninh Thị Loan - Tổ trưởng Tổ môi trường xung quanh hồ Hoàn Kiếm - người phụ nữ tràn đầy năng lượng tích cực vừa thoăn thoắt bốc các loại rác lớn vào xe để “dọn đường” cho đồng nghiệp sử dụng chổi quét rác nhỏ và lá cây, vừa tranh thủ trả lời các câu hỏi của tôi. Chúng tôi không có thời gian ngừng giữa việc để trao đổi vì công việc của công nhân bộn bề đến mức người ngoài như tôi chứng kiến chỉ thấy e ngại và không hình dung họ sẽ làm như thế nào và làm đến bao giờ.
Loan cho biết, dù 4 giờ sáng mới là giờ tập kết triển khai công việc nhưng cả đêm hầu như cô không ngủ được, ngóng tin bão và hình dung sẽ phải bố trí, sắp xếp công việc thế nào, triển khai ra sao. Loan bảo: “Nếu không vì cơ quan quán triệt đảm bảo an toàn về người thì chắc đêm đó lặng gió là em phi ra đường ngay chị ạ”…
Cũng như Ninh Thị Loan, chị Trần Thị Hồng Nhung - Tổ trưởng sản xuất Tổ Môi trường số 2 thuộc Chi nhánh Ba Đình dù đã 30 năm gắn bó với công việc duy trì vệ sinh môi trường nhưng lửa nghề vẫn luôn cháy bỏng. Là thành viên Đội xung kích, trước ngày bão đổ bộ vào thành phố, chị Nhung và Đội xung kích đã được Công ty quán triệt tinh thần duy trì ứng trực tiếp nhận thông tin, phối hợp khắc phục, phản ứng nhanh, đảm bảo phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt Thành phố yêu cầu.
Đảm nhận nhiệm vụ quan trọng nên chị Nhung xác định luôn trong tư thế sẵn sàng. Đúng 8 giờ tối 7/9, khi bão đang quần thảo Hà Nội nhưng có lệnh giải quyết sự cố môi trường tại đường Phan Đình Phùng, chị Nhung và Đội xung kích đã ngay lập tức tiếp cận hiện trường, khẩn trương thực hiện nhiệm vụ. Trở về nhà lúc 1 giờ sáng, nhẽ ra chị có thể cho phép mình ngủ một giấc, sáng mai vào ca muộn hơn một chút, nhưng không, 4 giờ sáng chị đã có mặt tại địa điểm quy định để cùng đồng nghiệp tiếp tục triển khai công việc trong ngày.
Có mặt trong lực lượng phối hợp hỗ trợ công nhân khắc phục môi trường sau thiên tai, Bí thư Đoàn Thanh niên Urenco Nguyễn Anh Vũ và Ban Chấp hành đã huy động toàn bộ thanh niên từ 22 đơn vị và Đoàn Thanh niên Khối Văn phòng Công ty sáng 8/9 tập trung tại Quảng trường để triển khai nhiệm vụ được giao trên các khu vực ưu tiên đặc biệt. An toàn về người là mục tiêu trên hết, dồn lực hỗ trợ công nhân là mục tiêu quan trọng, họ đã xác định hết rác trên đường phố mới về; làm việc với tinh thần không ngại khó không ngại khổ, vừa làm vừa học hỏi, thu nạp kinh nghiệm để ngày càng vững vàng trong sự cố, thiên tai, chung tay cùng đồng nghiệp vì một thành phố xanh - sạch, bình yên qua giông bão.
Chung ý chí, trọn tấm lòng, những người con của Urenco đã nối vòng tay lớn, cùng chính quyền, lực lượng chức năng, các cơ quan đơn vị, các tổ chức, cá nhân và đông đảo người dân nhanh chóng đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường.
Có dịp đi ra phố trong buổi sáng thứ Hai đầu tuần sẽ thấy chỉ một ngày mà phố xá đổi thay một trời một vực, nhiều con đường giao thông chính đã thông xe, dấu vết bão giông chỉ còn là những gốc cây có hy vọng sống đang được vực lại, và những khóm cây cành gẫy gom tạm trên vỉa hè chờ xe đến mang đi…
Để sớm có “ngày bình thường mới” hôm nay, Người Urenco đã làm việc với cường độ bằng chín, bằng mười ngày thường, cao điểm từ 4 giờ sáng 8/9 đến 7 giờ sáng ngày 9/9, duy trì nhịp độ sang các ngày từ 10/9 cho đến hết tuần. Một ổ bánh mì qua trưa ngay tại nơi làm việc, một cơn ngủ ngắn giữa hai ca thay cho giấc ngủ 4, 5 tiếng ngày thường. Bàn chân đã khẳm mùi do thường xuyên xỏ trong giày, ủng; bàn tay đã rộp lên do nhiều giờ cầm chổi, cầm dao…
Và dù trong vất vả, Người Urenco vẫn tìm cho mình những niềm vui nho nhỏ, những hạnh phúc ngọt ngào: Một lời động viên của người dân; một ly trà đá của người chủ quán; sự chung tay của các lực lượng: Bộ đội, công an, dân quân tự vệ, tổ dân phố, người dân, Lãnh đạo Chi nhánh, Lãnh đạo Công ty… Cả đất nước hướng về vùng bị ảnh hưởng thiên tai. Trong không khí lao động hừng hực khí thế ấy, Người Urenco cảm thấy tự hào được góp sức bằng công việc thầm lặng của mình. Thành quả ngày đầu tiên lao động hết tốc lực là động lực để họ càng nỗ lực hơn cho những ngày tiếp theo.
Bão đã qua nhưng với hậu quả bão để lại, cán bộ, công nhân Urenco sẽ còn vô vàn vất vả gian nan. Nhưng trái với niềm cảm thông lo âu của tôi, sáng nay, Ninh Thị Loan gửi cho tôi một chùm ảnh vui về công nhân Ngô Đại Sơn, kèm theo lời nhắn: “Chị yên tâm. Dù gian khổ, dù bão giông, chúng em vẫn luôn yêu nghề và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”...
Bài: VIỆT HẢI
Ảnh: QUAN HƯNG và do URENCO cung cấp
Trình bày: TÙNG QUÂN