Xã hội

E-magazine: HẢI PHÒNG ĐỨNG LÊN SAU BÃO

Việt Hùng - Việt Hải - Hoàng Phong - Ngọc Trâm 14/09/2024 10:44

5 ngày sau khi cơn bão số 3 càn quét thành phố, chúng tôi mới có dịp về với Hải Phòng. Trái với khung cảnh đổ nát ngày 7/9 vừa qua, thành phố cảng hôm nay đã khác…

bia-hai-phong-1-.png

5 ngày sau khi cơn bão số 3 càn quét thành phố, chúng tôi mới có dịp về với Hải Phòng. Trái với khung cảnh đổ nát ngày 7/9 vừa qua, thành phố cảng hôm nay đã khác…

Chấm dứt những ngày mưa do bão và hoàn lưu bão, thành phố đón chúng tôi bằng ánh nắng đầu thu. Dấu vết của thiên tai vẫn còn lưu trên những góc phố, hàng cây, công tác khắc phục hậu quả sau bão vẫn đang tiếp diễn; nhưng khắp nơi, nhịp sống, sinh hoạt, làm việc của người dân cơ bản đã bình thường trở lại; phía Đông, bến cảng đã vang lên những tiếng còi tàu vào bến ăn hàng; và công viên đã lác đác người dân tập thể dục buổi sáng... Người dân Hải Phòng nói rằng những ngày gian nan nhất đã tạm yên. Càng trong gian nan càng tỏ lòng người, càng biết ơn Đảng, ơn Chính phủ, ơn đồng bào cả nước đã sát cánh cùng thành phố vượt qua hoạn nạn.


12-3-.png

Trước giờ bão chính thức đổ bộ vào trung tâm thành phố, trên cao tốc Quốc lộ 5 trưa 7/9, đoàn xe hối hả nhằm tâm bão, từ phía trung tâm Hà Nội lao vun vút về hướng Hải Phòng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa rời Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và kết thúc cuộc họp với Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng các chuyên gia, kịp có mặt tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão quốc gia đặt tại Hải Phòng để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão và khắc phục hậu quả trong và sau bão. Việc đặt Sở Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng đồng nghĩa với nhận định mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của bão tới Hải Phòng và các địa phương lân cận. Nhưng bên cạnh đó, việc Phó Thủ tướng và những người đứng đầu các bộ, ngành có mặt tại Sở Chỉ huy tiền phương cũng mang lại cho các đồng chí Lãnh đạo thành phố và người dân nơi đây cảm giác ấm lòng. Trong gian nguy, Hải Phòng không đơn độc một mình, Hải Phòng luôn được Chính phủ, các địa phương và bộ, ngành quan tâm sâu sắc.

2.png
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các bộ, ngành liên tục đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đời sống nhân dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ.

Ngày 7/9 đã có ít nhất 4 cuộc họp diễn ra tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão tại Hải Phòng. Chủ trì cuộc họp giao ban lúc 10 giờ đêm, sau khi nghe các địa phương báo cáo sơ bộ tình hình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho ý kiến chỉ đạo về công tác thống kê thiệt hại, triển khai biện pháp khắc phục hậu quả sau bão. Chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp ở những nơi bão đi qua, trong đó có Hải Phòng, bên cạnh công tác chỉ đạo chung, Phó Thủ tướng đề nghị Hải Phòng tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống ngập lụt, sạt lở đất do mưa lớn sau hoàn lưu bão; khẩn trương triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra. Ông cũng yêu cầu Hải Phòng khẩn trương nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn người, tàu thuyền bị trôi dạt, chìm trong bão, mất tích; đồng thời huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.

Trước tình hình thành phố mất điện trên diện rộng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp điện lực đánh giá thiệt hại, sớm khôi phục lưới điện, điều phối cấp điện cho các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp sản xuất quan trọng; chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm khôi phục lại hệ thống thông tin liên lạc; Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo hoạt động vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn…

3.png
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng ngành Tài nguyên và Môi trường đồng hành cùng nhân dân trong công tác ứng phó bão và khắc phục hậu quả trong và sau bão

Ngay ngày hôm sau, chiều 8/9, Hải Phòng tiếp tục được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về địa phương thị sát tình hình ứng phó bão.

Động viên người dân và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thành phố triển khai ngay các giải pháp khắc phục thiên tai, huy động toàn lực nhanh chóng đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng mong người dân Hải Phòng phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau. Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ hỗ trợ Hải Phòng 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng nhằm chia sẻ động viên Hải Phòng đứng lên từ bão lũ.

12-3-(1).png

Đáp lại tình cảm, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, thành phố sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn do bão gây ra, quyết tâm không phụ niềm tin của Chính phủ. Về số tiền Nhà nước hỗ trợ, theo Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu, bão số 3 đang gây ảnh hưởng nặng nề tới các tỉnh miền núi phía Bắc, vì vậy, Hải Phòng đề xuất sẽ cố gắng tự cân đối, chưa nhận số kinh phí hỗ trợ này, để Chính phủ có thêm nguồn phân bổ cho các địa phương khác đang cần hơn.

4.png
Các lãnh đạo của Hải Phòng đang nỗ lực triển khai nhanh các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3

Chủ trì cuộc họp khẩn của thành phố Hải Phòng triển khai nhanh các biện pháp khắc phục hậu quả của bão số 3, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát thực tế, kịp thời của các cấp, các ngành, các địa phương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, thành phố đã nỗ lực giảm tới mức thấp nhất tổn thất, thiệt hại do bão gây ra.

Về số tiền 100 tỷ do Nhà nước dự kiến hỗ trợ Hải Phòng, theo Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu, bão số 3 đang gây ảnh hưởng nặng nề tới các tỉnh miền núi phía Bắc, vì vậy, Hải Phòng đề xuất sẽ cố gắng tự cân đối, chưa nhận số kinh phí hỗ trợ này, để Chính phủ có thêm nguồn phân bổ cho các địa phương khác đang cần hơn.

Trước mắt, Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu các ngành, các địa phương, đơn vị khẩn trương thống kê thiệt hại và triển khai ngay các biện pháp khắc phục hậu quả của bão. Trong đó, ưu tiên tập trung khôi phục hệ thống điện, nước, viễn thông và vệ sinh môi trường; khôi phục mạng lưới giao thông kết nối; khôi phục nhanh hệ thống thông tin liên lạc; huy động mọi người dân tham gia thu dọn, vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương, các ngành khẩn trương tổ chức hỗ trợ các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương; hỗ trợ các gia đình bị hư hỏng nhà cửa do bão, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo. Ngành y tế thực hiện điều trị miễn phí cho người bị thương do bão...

13-1-.png

Có thể nói, cơn bão số 3 đổ bộ vào Hải Phòng ngày 7/9 được coi là cơn bão mạnh nhất, đáng sợ nhất trong vòng 30 năm qua ở miền Bắc. Là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề do bão, nhưng, trong đánh giá của Trung ương và từ tổng kết thực tiễn, Hải Phòng cũng là địa phương làm tốt nhất công tác tiếp nhận dự báo, ứng phó bão nên đã hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Chị Trần Bích Thanh - một công dân TP. Hải Phòng cho biết: “Công tác khắc phục của thành phố quá tích cực. Tất cả các tỉnh thành đến đây hỗ trợ cho Hải Phòng rất nhiều, rất cảm ơn các tỉnh thành. Dân ở đây cũng có ý thức ra cùng dọn cây, nhất là bộ đội, công an, tất cả các tình nguyện viên, tất cả mọi người đều chung tay nỗ lực khắc phục để thành phố ổn định”.

Giờ đây khi bão đã đi qua, Hải Phòng cũng là địa phương khẩn trương triển khai hành động khắc phục bão sớm nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; phù hợp khả năng, năng lực của thành phố, các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân; hợp với lòng mong mỏi của Nhân dân.

Thông tin tổng kết từ Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS thành phố, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố được đảm bảo, các phương tiện neo đậu tại các khu tránh trú bão đảm bảo an toàn.

Thiệt hại lớn nhất là nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn. Nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây. Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ. Nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại. Nhìn chung, hậu quả khá nặng nề và thành phố đang khẩn trương tổng hợp, thống kê, đánh giá chi tiết số liệu thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ, xử lý, giải quyết.

khung-vuong.png
Thành phố Hải Phòng thiệt hại sau cơn bão số 3 vừa qua

Sáng 9/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân chủ trì cuộc họp rà soát thiệt hại và đôn đốc công tác khắc phục hậu quả bão số 3.

Tại cuộc họp, sau khi nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo về thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân yêu cầu khẩn trương hoàn thành cấp điện, nước, ổn định thông tin liên lạc, giao thông, môi trường bảo đảm sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

img_2864.jpg
Cột điện đổ vào nhà dân

Đặc biệt, yêu cầu các ngành cử lực lượng trực tiếp hỗ trợ Bạch Long Vĩ và Cát Hải đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông thông suốt, khôi phục cung cấp điện, nước cho người dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà phối hợp với các địa phương ổn định nơi ở cho các hộ dân chung cư cũ. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS thành phố và Sở Tài chính đề xuất các phương án kinh phí phục vụ khắc phục hậu quả bão số 3.

Tiếp đó, chiều 11/9, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng chủ trì họp nghe báo cáo về việc thu gom, dựng lại cây xanh bị gãy, đổ sau bão số 3 trên địa bàn thành phố.

Qua nghe báo cáo và ý kiến của các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng ghi nhận các sở, ngành, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tập trung nhân lực, vật lực, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, máy móc, thiết bị để thu gom, dựng lại cây xanh bị gãy, đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra.

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Công ty CP Công viên cây xanh Hải Phòng nhanh chóng trồng lại các cây xanh bị đổ, cắt tỉa cành, tán đảm bảo cân đối, phù hợp để tận dụng tối đa trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định; lực lượng công an, quân đội huy động lực lượng cùng phương tiện phối hợp với các đơn vị xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy; tổ chức phân luồng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng duy trì vệ sinh môi trường, tập trung lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp thu dọn cành cây, lá cây đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Chị Đoàn Thị Nhị, công nhân Xí nghiệp 7 Công ty Công viên cây xanh chia sẻ: “Chính quyền Hải Phòng rất mạnh mẽ, luôn cố gắng hết mình vượt qua trận bão để người dân phấn khởi tin tưởng”.

Vấn đề cấp bách nhất là cấp điện, cấp nước, nối lại thông tin liên lạc đã được thành phố giải quyết khẩn trương. Sự vào cuộc tích cực của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Hải Phòng, Công ty Cấp nước Hải Phòng, các doanh nghiệp viễn thông đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ 2 - 3 ngày sau bão, hầu hết khu vực được cấp điện, cấp nước trở lại; mạng lưới viễn thông từng bước được phục hồi. Từ ngày 9/9, cấp điện trở lại tại hầu hết các khu công nghiệp, đảm bảo cho khoảng 95% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể trở lại sản xuất bình thường.

tit4(1).png

Như vậy, chỉ chưa đầy 1 tuần sau bão mà thành phố giải quyết được khối lượng công việc khổng lồ trong vô cùng khó khăn. Công việc xử lý cây xanh gãy đổ trên các đường phố cũng đang được khẩn trương thực hiện với sự tham gia của các ngành, doanh nghiệp, lực lượng công an, quân đội, đoàn viên thanh niên, người dân…

Sáng ngày 13/9, rất đông xe của lực lượng vũ trang tập kết trước Nhà hát Hải Phòng. Cùng với Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS thành phố, đây là lực lượng chủ lực sát cánh cùng dân trong những ngày qua, từ trước khi bão chưa vào thành phố đến lúc “bão dừng sau cánh cửa”. Đắp đê, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh, cứu hộ cứu nạn, tiếp tế lương thực thuốc men, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão…

858813a1ca146d4a3405.jpg
Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân tham gia khắc phục hậu quả môi trường sau bão
z5836572826292_222da436914fc5a5ba5fb36ca9bd9a30.jpg
Nhóm PV Báo TN&MT tác nghiệp tại TP Hải Phòng sáng 13/9. Ảnh: Việt Hùng

Trực tiếp chỉ huy lực lượng tăng cường xử lý vệ sinh môi trường sau bão, Đại úy Đào Thế Đạt, Đại đội trưởng Đại đội 31, Lữ đoàn 131 Công binh Hải quân cho biết: Chúng tôi đã xác định sẽ cùng với chính quyền trên địa bàn đóng quân là xã An Hồng, huyện An
Dương, TP. Hải Phòng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ Quân chủng Hải quân giao về khắc phục hậu quả môi trường sau bão, đưa cảnh quan môi trường thành phố trở về nguyên trạng ban đầu. Chúng tôi sẽ tham gia với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ và bảo đảm an toàn, đi trước về sau, khi nào môi trường thành phố đảm bảo chúng tôi mới xác định hoàn thành nhiệm vụ.

Giải bài toán vệ sinh môi trường sau bão là công việc thực sự nặng nề đối với Hải Phòng những ngày qua, rất cần sự nỗ lực của mỗi người dân, từng tổ chức, cá nhân và cơ quan chuyên môn. Tiếp chúng tôi tại trụ sở Sở TN&MT, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng Phạm Văn Thuấn nói anh chỉ có chưa đầy 1 tiếng đồng hồ trao đổi nhanh về các nội dung quản lý, xử lý môi trường trước, trong và sau cơn bão số 3, còn việc tiếp cận các khu tiếp nhận, xử lý rác thải sẽ có nhân viên đưa chúng tôi đi, bởi: “Thông cảm cho tôi, lúc này công việc đang vô cùng bận rộn, chúng tôi phải tiếp tục giải quyết một khối lượng tồn đọng về môi trường vô cùng lớn, thành phố sẽ phải “xanh” trở lại bằng đúng thực chất chứ không chỉ là dáng vẻ bề ngoài mà các bạn tham quan”.

30075ab25919fe47a708.jpg
Những khoảng thời gian ngắn ngủi nghỉ ngơi của các lực lượng chức năng
img_2894.jpg
img_2909.jpg
img_2916.jpg
img_2920.jpg
img_2950.jpg

Trong quá trình phát triển của bất kỳ đô thị nào chứ không riêng gì TP. Hải Phòng, quản lý, xử lý rác thải luôn là vấn đề chịu nhiều áp lực. Cơn bão số 3 ập đến làm tăng nỗi lo về áp lực lên gấp 7 gấp 8 lần. Trước và trong bão phải làm gì? Sau bão sẽ tham mưu cho thành phố về các giải pháp bảo vệ môi trường ra sao? Sắp tới sẽ làm gì trong mục tiêu xanh hóa môi trường, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, tiến tới tuần hoàn rác? Bao nhiêu câu hỏi gần hỏi xa, hỏi trước mắt và hỏi dài lâu chất chứa cần lời đáp.

img_2836.jpg
Ông Phạm Văn Thuấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng và nhóm PV PV Báo Tài nguyên và Môi trường trao đổi về công tác bảo vệ môi trường sau bão số 3 vào sáng 13/9

Trong và sau bão, những người làm công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa hề bị đứt gẫy thông tin. Và công tác đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được tiếp nối liên tục, thường xuyên, không hề bị ngưng trệ, gián đoạn.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Lê Thị Hồng Nhung cho biết: “Chưa bao giờ thành phố chịu đựng một “cơn đánh” cấp tập trong một quãng thời gian dài đến thế. Mất điện, giao thông chia cắt, liên lạc ngưng trệ,… Lúc này là lúc thử thách ý chí của con người. Ban Lãnh đạo Sở và đội ngũ cán bộ, nhân viên của Sở cũng như Lãnh đạo và anh chị em công nhân các khu xử lý chất thải đã tìm mọi cách khắc phục hoàn cảnh, giữ thông liên lạc, tiếp cận khảo sát hiện trường, đánh giá tình hình và bàn phương án xử lý”.

74ce3ecc3a7a9d24c46b.jpg
Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được tiếp nối liên tục, thường xuyên, không hề bị ngưng trệ, gián đoạn.

Các điểm nhạy cảm về môi trường, các làng nghề, Bãi Híp, Tràng Kênh, Tràng Minh, làng nghề đúc đồng… đã được Sở chỉ đạo chặt chẽ và giám sát triển khai thực hiện.

Các khu liên hợp xử lý chất thải rắn tập trung: Tràng Cát, Đình Vũ, Gia Minh…, sẵn sàng tiếp nhận rác theo Thông báo của Sở; linh hoạt điều tiết căn cứ theo tình hình thực tế; đảm bảo chất lượng bờ bao, lót đáy, kiểm soát nguy cơ sự cố môi trường do áp lực tiếp nhận và tác động do yếu tố thời tiết bất thường.

Ngay sau bão, đơn vị đã lập tức thị sát các khu xử lý chất thải rắn, kiểm tra, đánh giá lại sức chịu tải; mở đường bãi để tăng khả năng trữ và đẩy nhanh thời gian tiếp nhận


5 ngày sau bão, với sự sát cánh chung tay của các lực lượng chức năng, các cấp địa phương, từng tổ chức, cá nhân, sự hỗ trợ của lực lượng tình nguyện viên trong và ngoài thành phố…, đến nay, 90% công việc xử lý chất thải sau bão đã hoàn thành; các khai trường an toàn, các đơn vị đã chủ động bóc tách rác sinh hoạt, số lượng rác bão là cây gẫy đổ sẽ được đưa về khu xử lý chất thải tập trung để tái chế thay vì đốt hay chôn lấp; đặc biệt, trong điều kiện Khu liên hợp xử lý chất thải tập trung Tràng Cát bị thiệt hại lớn về nhà xưởng, ảnh hưởng đến vận hành xử lý chất thải bệnh viện, Sở đã chỉ đạo đơn vị bố trí công lạnh trữ toàn bộ rác bệnh viện chờ xử lý sau khi khắc phục nhà xưởng.

khung-vuong-1-.png
Các lực lượng đoàn kết, chung tay khôi phục thành phố sau bão

“Hội chứng” bão số 3 đã và đang lan ra khắp thành phố Hải Phòng. Chỉ nói riêng lĩnh vực tài nguyên, môi trường, khi những cán bộ như Phó Giám đốc Sở TN&MT Phạm Văn Thuấn, Trưởng phòng Quản chất thải rắn Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng ban Truyền thông Công ty TNHH MTĐT Hải Phòng Phạm Thanh Hà, Giám đốc Xí nghiệp DV môi trường Nguyễn Thế Dương, Phó Giám đốc xí nghiệp XLCT bệnh viện Hà Quốc Lưu, Đội trưởng Đội lò đốt rác thải y tế Dương Đức Lân… mặc dù gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do bão nhưng đã gác hết việc riêng, việc nhà, tập trung cho công việc.

Giám đốc Xí nghiệp DV môi trường Nguyễn Thế Dương cho biết, lường trước hậu quả nặng nề do bão gây ra, trước giờ bão vào thành phố, đơn vị đã triệt để thu gom, xử lý hết rác thải y tế tồn đọng. Hiện lò đốt chất thải bệnh viện đang bị bão phá hỏng, đơn vị đã sử dụng 2 công lạnh lưu trữ rác, hạ nhiệt độ xuống 7 độ. Dự kiến sau 15/9 có thể khắc phục lò đốt, đưa vào sử dụng.

Còn nhiều những việc chưa thể làm ngay, còn nhiều những góc chưa thể lấp đầy một cách vội vàng, nói như công dân Trần Bích Thanh: “Trồng một cái cây cũng phải đợi thời gian để nó lớn lên, xây dựng một công trình cũng phải lựa sức người chứ không thể nhanh được. Thành phố như thế này là đã rất cố gắng rồi”.

Trải qua hoạn nạn, gian lao, cuộc hồi sinh mạnh mẽ sau bão và tinh thần vượt lên hoàn cảnh như tiếp cho người dân Hải Phòng niềm tự hào được là công dân của thành phố. Cơn bão số 3 đi qua để lại nhiều kinh nghiệm, bài học quý cho Hải Phòng trong công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai. Đồng thời cũng thể hiện rõ trách nhiệm, bản lĩnh, sự tiên phong, quyết liệt, quyết tâm của Hải Phòng với các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả. Và hơn ai hết, sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ tinh thần và sức người của các tỉnh bạn, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể nhân dân đã tạo thành sức mạnh khiến không một khó khăn nào thành phố không vượt qua, không cơn bão nào lay chuyển được.

Hải Phòng đã đứng vững trong giông bão và sẽ còn đạp bằng mọi khó khăn, mạnh mẽ đứng lên, phát triển rực rỡ, xứng đáng với danh hiệu Thành phố cảng anh hùng bên bờ sóng.

cuoi(2).png
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
E-magazine: HẢI PHÒNG ĐỨNG LÊN SAU BÃO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO