Đưa Nghị định số 23/2020/NĐ-CP vào cuộc sống: Thanh Hóa cương quyết xử lý vi phạm

Tuyết Trang (thực hiện)| 02/06/2020 10:49

(TN&MT) - Ngay sau khi Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 14/2/2020 của Chính phủ ra đời, Thanh Hóa là một trong những địa phương ban hành Kế hoạch sớm nhất nhằm triển khai sâu, rộng và thường xuyên Nghị định này. Để hiểu rõ về những giải pháp thực hiện, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Quyền (ảnh), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi trên cac dòng sông ở Thanh Hóa diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Quyền:

Theo Quyết định số 5368/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về quy hoạch cát, sỏi lòng sông, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 95 mỏ cát được quy hoạch, với tổng trữ lượng là 21 triệu m3.

Hiện nay, có 41 mỏ được cấp Giấy phép khai thác cát còn hiệu lực (trong đó, có 23 Giấy phép được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản) đã cấp cho các doanh nghiệp khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Số tiền cấp quyền khai thác thu được là 154,2 tỷ đồng.

Trong quá trình thanh, kiểm tra chúng tôi nhận thấy, một số đơn vị được cấp phép khai thác chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác như: Kê khai sản lượng khai thác không đúng thực tế; chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy; các đơn vị được cấp phép nạo vét lòng sông, hồ có thu hồi cát chưa nghiêm túc thực hiện theo đúng phương án được duyệt, chủ yếu chỉ tập trung tận thu cát, không chú trọng đến nạo vét bùn, đất thải dẫn đến quá trình triển khai dự án kéo dài, chưa mang lại hiệu quả.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về hạn chế sử dụng cát đủ tiêu chuẩn xây dựng để san nền công trình, ban hành Quyết định số 2693/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; ký Quy chế phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Đồng thời, chỉ đạo Sở TN&MT thành lập nhiều đoàn kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết cát đối với các chủ mỏ, chủ bãi tập kết cát để chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa

PV: Để thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, UBND tỉnh đã có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Quyền:

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 17/4/2020, trong đó, nhấn mạnh việc triển khai sâu, rộng và thường xuyên Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 14/2/2020 là nghiệm vụ quan trọng hàng đầu, cùng với đó là một số giải pháp trọng tâm như: Chỉ đạo Sở TN&MT tham mưu ban hành phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác, trong đó, có việc quy định trách nhiệm và xử lý người đứng đầu các Sở, ngành và chính quyền cấp huyện, cấp xã; thực hiện khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Chỉ đạo Cục Thuế tỉnh thực hiện các giải pháp để giám sát kê khai thuế nhằm xác định sản lượng cát, sỏi lòng sông khai thác thực tế. Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường thực hiện xử lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên sông không có nguồn gốc hợp pháp. Chỉ đạo Công an tỉnh thực hiện thường xuyên phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thực hiện nghiêm công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; kiểm tra, giám sát nghiêm các dự án nạo vét và khối lượng cát, sỏi thu hồi (nếu có) trong quá trình duy tu, nạo vét các tuyến luồng đường thủy nội địa.

Chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật trong việc sử dụng cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế cát, sỏi lòng song.

Chỉ đạo Sở Khoa học và công nghệ chủ trì nghiên cứu việc xử lý cát nhiễm mặn để sử dụng làm vật liệu xây dựng; sản xuất vật liệu thay thế cát, sỏi lòng sông.

Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 31 Nghị định. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh trong công tác quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông theo Quy chế phối hợp số 02/QCPH-UBND-UBMTTQVN&ĐTCT ngày 10/5/2019.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nội dung Nghị định số 23 có nhiều điểm mới đáng chú ý như: Trước khi cấp phép, UBND cấp tỉnh lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về đường thủy nội địa; nội dung Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được ghi rõ thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm; yêu cầu tổ chức, cá nhân được phép khai thác cát sỏi phải có trách nhiệm: xác định ranh giới khu vực khai thác; thực hiện đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi và yêu cầu về đăng ký theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa. Yêu cầu chủ phương tiện vận chuyển cát, sỏi phải mang theo hóa đơn để chứng minh nguồn cát, sỏi là hợp pháp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa Nghị định số 23/2020/NĐ-CP vào cuộc sống: Thanh Hóa cương quyết xử lý vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO