Đây cũng là đơn vị trực tiếp giám sát, kiểm tra cũng như đóng góp vào rất nhiều các bộ luật quan trọng của ngành, đặc biệt là lĩnh vực môi trường, 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ TN&MT, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội để thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành trong thời gian qua.
PV: Trên cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội và đã từng là lãnh đạo của một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật của ngành TN&MT trong việc phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ công tác bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó BĐKH của Bộ TN&MT trong 20 năm qua?
TS. Tạ Đình Thi: KH&CN có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện 3 chức năng chính của ngành TN&MT, gồm có công tác quản lý Nhà nước, điều tra cơ bản và quan trắc, dự báo về TN&MT. Hoạt động KH&CN của ngành TN&MT trong 20 năm qua được kế thừa và phát triển trên cơ sở thực hiện các định hướng lớn theo Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2010, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Thực hiện Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn, Bộ TN&MT đã chủ động và tích cực phối hợp với Bộ KH&CN ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chương trình phối hợp và triển khai các chương trình, đề tài, nhiệm vụ KH&CN phục vụ sự phát triển của ngành.
Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, hoạt động KH&CN đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện hệ thống chính sách, chiến lược và pháp luật về TN&MT, trong đó đã hỗ trợ xây dựng 8 luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành, bao gồm: (1) Luật Đất đai năm 2003 (sửa đổi năm 2013 và hiện đang sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022); (2) Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (sửa đổi năm 2014 và năm 2020); (3) Luật Đa dạng sinh học năm 2008; (4) Luật Khoáng sản năm 2010 (đang rà soát, đánh giá); (5) Luật Tài nguyên nước năm 2012 (đang sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2023); (6) Luật Tài nguyên môi trường biển và Hải đảo năm 2015; (7) Luật Khí tượng thủy văn năm 2015; (8) Luật Đo đạc và Bản đồ năm 2018. Các kết quả nghiên cứu cũng đã cung cấp các luận cứ để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các quy hoạch, chiến lược và kế hoạch phát triển của từng lĩnh vực theo các định hướng của Đảng và Nhà nước; hoàn thiện các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia làm cơ sở ban hành định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo về TN&MT.
Bên cạnh đó, đã triển khai nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại trong điều tra cơ bản, quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với nhiệm vụ BVMT, gồm tài nguyên đất, nước, khoáng sản, tài nguyên sinh học, tài nguyên biển… Điển hình năm 2021 có 2 cụm công trình nghiên cứu được ghi trong sách vàng sáng tạo Việt Nam: Bộ sách khoa học - kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực đo đạc và bản đồ ở Việt Nam của Cố PGS, TSKH. Hà Minh Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ; Cụm công trình Chế tạo máy từ biển và máy phổ gamma đa kênh đáy biển điều tra tài nguyên - môi trường biển do TS. Đỗ Tử Chung và các cộng sự thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện.
Trong quan trắc, truyền tin và dự báo khí tượng thủy văn và ứng phó với BĐKH, đã nâng cao được chất lượng và thời lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thời tiết, dự báo bão, lũ, lũ quét, hạn hán, sóng thần; ứng phó với BĐKH và nước biển dâng; cung cấp cơ sở khoa học cho việc đề xuất quy định lại cấp báo động lũ trên các sông chính của Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam và đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng ở nước ta...
PV: Môi trường là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững. Việc hoàn thiện thể chế quản lý môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển đất nước. Ông có nhận xét gì về đợt sửa đổi gần đây nhất và ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020?
TS. Tạ Đình Thi: Kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, đạo luật đầu tiên đặt nền móng pháp lý cho công tác BVMT của nước ta được ban hành, trải qua gần 30 năm, các quan điểm, chủ trương của Đảng luôn nhất quán, xuyên suốt và hệ thống pháp luật về BVMT của nước ta liên tục được bổ sung, hoàn thiện với hàng loạt văn bản quan trọng được ban hành như Chỉ thị số 36/1998/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TWngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24-NQ/TWngày 3/6/2013 của BCH Trung ương - Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của BCH Trung ương Đảng đề cập một cách toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách đối với công tác BVMT.
“Chúng ta hay nói phải đưa được pháp luật vào cuộc sống thì mới đáp ứng được thực tiễn, mới khả thi (có thể nói đây là cách tiếp cận từ trên xuống). Theo tôi, trong công tác xây dựng văn bản pháp luật nói chung và pháp luật về môi trường nói riêng, chúng ta phải đưa được cuộc sống vào trong pháp luật (tiếp cận từ dưới lên). Làm được vậy, tính thực tiễn mới cao”.
TS. Tạ Đình Thi
Trong 20 năm qua, bên cạnh hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý, Bộ TN&MT đã 3 lần được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo và trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào các năm 2005, 2014, 2020. Qua mỗi lần sửa đổi đều bảo đảm nguyên tắc kế thừa, bổ sung và phát triển, bảo đảm luật có tính khả thi cao, đi vào cuộc sống. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể hiện rõ nét tư duy đổi mới trong hoạt động BVMT, đảm bảo một nền kinh tế phát triển bền vững trên cơ sở các nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và “người hưởng lợi từ môi trường phải trả phí”; khắc phục các hạn chế, bất cập về BVMT của các quy định trước đây. Xuyên suốt các quy định của Luật là lấy phòng ngừa làm nguyên tắc cao nhất, đồng thời đưa ra cơ chế tạo điều kiện về mọi mặt, đặc biệt là tạo cơ chế tài chính để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và giám sát hoạt động BVMT được hiệu quả. Từ đó, thúc đẩy các hoạt động BVMT, từng bước và nhanh chóng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và hướng tới sống xanh, sống hài hòa với thiên nhiên vì cuộc sống hiện tại và tương lai của Trái đất.
Luật đã đưa các quy định về bảo vệ của các thành phần môi trường trước tiên, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác. Luật đã phân loại dự án theo tiêu chí môi trường để có các biện pháp phù hợp, hiệu quả theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án; đã hoàn thiện các quy định về phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường; chú trọng đến việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo hướng chủ động, có trọng tâm, trọng điểm dựa trên việc phân nhóm, phân loại theo mức độ rủi ro, tính đặc thù của các vấn đề môi trường; kết hợp quản lý quá trình với quản lý “cuối đường ống” theo từng nhóm đối tượng, loại hình tác động và mức độ rủi ro về môi trường.
Luật cũng đã tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động BVMT, đã quy định về kinh tế tuần hoàn, các giải pháp tài chính và BVMT bằng động lực tài chính; hình thành các nguồn tài chính cho hoạt động BVMT, hỗ trợ xử lý tái chế chất thải. Từ đó, giải quyết được các hạn chế, bất cập trong công tác quản lý BVMT trên thực tế; xử lý các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân kiến nghị. Các quy định mang tính căn bản để thực hiện chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của BĐKH, bảo vệ tầng ozone, đặt nền tảng cho việc quản lý Nhà nước về BĐKH, phaát triïín thị trường carbon ở Việt Nam, là bước đi cần thiết để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Mặt khác, bảo đảm phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế về BVMT trong hội nhập quốc tế; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật về BVMT của một số nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay; bảo đảm tính thống nhất; có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý Nhà nước về BVMT; tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức và cá nhân đối với công tác BVMT.
“Để Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp, người dân về quy định hiện hành, về vai trò của công tác BVMT, về trách nhiệm của các chủ thể có vai trò rất quan trọng, cần được làm thực chất, hiệu quả hơn nữa.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường huy động vốn cho BVMT, nhất là các nguồn vốn ngoài ngân sách. Nghiên cứu, hình thành các nguồn thu mới; từng bước tăng dần mức thu tương ứng với mức độ hưởng lợi từ môi trường hoặc mức độ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, góp phần giảm gánh nặng đầu tư cho BVMT từ ngân sách Nhà nước, tạo nguồn tài chính bền vững cho BVMT”.
TS. Tạ Đình Thi
Luật đã chú trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT, thực thi nghiêm các quy định về BVMT, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, theo đó đã bảo đảm sự tập trung, thống nhất quản lý Nhà nước về môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải; xây dựng cơ chế nhằm bảo đảm hiệu lực của việc giám sát, kiểm tra, thanh tra về môi trường; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, xã hội, các tổ chức xã hội trong giám sát, thực hiện các hoạt động BVMT.
PV: Theo ông, cần phải làm gì để Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đi vào cuộc sống? Bên cạnh việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, bắt kịp sự chuyển biến của đời sống xã hội, ông có kiến nghị gì về chính sách đầu tư cho hoạt động BVMT, bảo vệ hệ sinh thái trong tương lai?
TS. Tạ Đình Thi: Sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành, Bộ TN&MT đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở quan trọng để có thể triển khai thực hiện nhiệm vụ BVMT, phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Để pháp luật đi vào cuộc sống, vẫn cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT phù hợp với quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, ở cả thẩm quyền của các cơ quan Trung ương và cả các cấp chính quyền địa phương. Cần xây dựng và hình thành đồng bộ các cơ chế, công cụ, biện pháp, các quy định chi tiết, quy chuẩn, quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ công tác quản lý môi trường, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn ở địa phương, đồng thời tiếp cận với trình độ quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới, tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan, dự báo sát và theo kịp với diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện kịp thời theo yêu cầu của thực tiễn.
Thiết lập và triển khai có hiệu quả các cơ chế xã hội hóa nhằm huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác BVMT. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, công cụ, biện pháp quản lý môi trường, đặc biệt là ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chủ động thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH. Có cơ chế phòng ngừa từ xa, kiểm soát chặt sự chuyển dịch các dòng chất thải, công nghệ lạc hậu, các ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại các khu vực khác trên thế giới vào Việt Nam. Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; chủ động nắm bắt và giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh; ứng phó, xử lý, khắc phục các sự cố, vụ việc gây ô nhiễm môi trường.
Về đầu tư cho BVMT, cần xem xét tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước (NSNN) cho BVMT, phấn đấu đạt ít nhất 2% tổng chi ngân sách; đồng thời thúc đẩy việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường; tăng cường giám sát các nguồn chi ngân sách cho BVMT, bảo đảm nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được sử dụng đúng mục đích, cơ cấu đầu tư cho BVMT hợp lý trong đầu tư phát triển, trong sản xuất - kinh doanh (Quốc hội tăng cường giám sát). Chú trọng hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư BVMT; triển khai mạnh mẽ mô hình hợp tác công - tư (PPP); thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước cho BVMT, đặc biệt là trong việc khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của Quỹ BVMT Việt Nam, củng cố, tăng cường năng lực, bổ sung nguồn vốn từ NSNN, tạo cơ chế huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước; mở rộng phạm vi hoạt động, loại hình hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức cá nhân trong BVMT. Từng bước hình thành thị trường vốn cho BVMT, khuyến khích thành lập quỹ tài trợ cho các sáng kiến, mô hình dựa vào cộng đồng, các phong trào, hoạt động BVMT vì lợi ích chung của xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho BVMT. Ngoài ra cũng cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn lực cho BVMT; hợp tác với các tổ chức trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút tối đa nguồn vốn cho phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường và ứng phó với BĐKH.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!