Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCN), năm 2017 có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng, tăng 300% so với trung bình nhiều năm.
Mặc dù thời gian qua, công tác PCTT đã được triển khai tích cực, song phương án PCTT ở một số huyện, xã vùng sâu, vùng xa còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế, nhất là nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ mùa mưa lũ. Cụ thể, từ thực tế những đợt bão trước đây, nhu cầu thị trường đối với nhóm hàng vật liệu xây dựng như: Tôn, đinh, ốc vít, dây thép… ở địa phương miền núi rất lớn, trong khi kế hoạch dự trữ hầu như rất ít. Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hòa Bình, những mặt hàng vật liệu xây dựng và hàng thiết yếu cần được các ngành chức năng có kế hoạch dự trữ, chuẩn bị nguồn cung cho thị trường khi bão, lụt xảy ra. Tuy nhiên hiện nay, do tình hình kinh tế khó khăn nên một số doanh nghiệp của tỉnh chưa chú trọng đến hàng hóa dự trữ phục vụ phòng, chống lụt, bão.
Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ công tác PCTT năm 2018, bảo đảm không để xảy ra khan hiếm hoặc tăng giá hàng hóa, kể cả những khu vực bị bão, lũ chia cắt.
Theo Sở Công Thương Bình Định, tại thời điểm này, Sở đã lên danh sách các mặt hàng thiết yếu gồm: Lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác phục vụ đời sống sinh hoạt và khôi phục sản xuất sau bão lũ như: Mỳ ăn liền, nước uống đóng chai, lương khô... để hỗ trợ nhân dân không bị đói khát khi bị lũ, lụt chia cắt; gạo, muối, dầu ăn, xăng dầu phục vụ sản xuất, tấm lợp các loại và những nhu yếu phẩm khác để khắc phục hậu quả sau bão, lũ. "Việc dự trữ hàng hóa phải bảo đảm về số lượng, chất lượng, chủng loại để điều động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai chia cắt các vùng dân cư, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá" - lãnh đạo Sở Công Thương Bình Định cho biết.
Đại diện Sở Công Thương Lai Châu cho biết, Sở đã ban hành văn bản gửi các huyện, doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn phối hợp triển khai thực hiện công tác PCTT và dự trữ hàng hóa năm 2018. Trong trường hợp các vùng bị chia cắt lâu ngày, Sở cũng huy động hết nguồn dự trữ tại địa phương, các đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại các vùng lân cận vận chuyển hàng hóa tới vùng bị chia cắt. Sở Công Thương cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp các ngành chức năng theo thẩm quyền tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống các hành vi lợi dụng bão, lụt để đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thu lợi bất chính ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.