Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản: Bám sát thực tiễn để tháo gỡ khó khăn - Nhiều quy định mới 

Mai Đan (thực hiện) 25/07/2023 11:19

(TN&MT) - Mong muốn giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn do bất cập từ chính sách, Dự thảo Nghị định đã bổ sung nhiều điểm mới.

z4545165247329_167fb5be3946ac09fd0a003e9f4a8079.jpg

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có cuộc trao đổi với ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam để làm rõ những nội dung mới trong Dự thảo Nghị định.

PV: Xin ông cho biết sự cần thiết ban hành Nghị định?

Ông Trần Phương: Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản, Chính phủ đã ban hành 13 Nghị định quy định chi tiết các nội dung, thi hành và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Hệ thống văn bản pháp luật về địa chất, khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

anh-1-anh-tran-phuong.jpg
ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam

Tuy nhiên, qua quá trình Tổng kết thi hành Luật Khoáng sản, Bộ TN&MT nhận thấy một số bất cập, vướng mắc của thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Đồng thời, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai thác đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có nhiều định hướng lớn cho ngành địa chất, khoáng sản và cần sớm được thể chế hóa để đi vào cuộc sống.

Từ những yêu cầu trên, trong khi chờ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản thay thế Luật Khoáng sản hiện nay, để kịp thời tháo gỡ những bất cập, vướng mắc của thực tiễn, thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW nội dung của Nghị quyết số 10-NQ/TW trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Khoáng sản.

PV: Khi triển khai xây dựng Nghị định, Cục Khoáng sản đã đặt ra những tiêu chí gì, thưa ông?

Ông Trần Phương: Trong quá trình xây dựng Nghị định, Cục đã rà soát các luật có liên quan như Luật Đấu giá tài sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý thuế để đồng bộ các quy định trong Nghị định, đảm bảo sự phù hợp của Luật Khoáng sản với các luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, để giải quyết những tồn tại, bất cập, vướng mắc của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên thực tiễn trong thời gian qua, Cục đã tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn như các ý kiến của Sở TN&MT các tỉnh trên cả nước, phản ánh của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, các kết quả đánh giá, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát triển khai tại Bộ TN&MT trong thời gian vừa qua, từ đó hệ thống hóa lại thành từng nhóm vấn đề, bám sát vào đó để sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản.

anh-2-chuyen-de-khoang-san.jpg
Mỏ niken - đồng khu vực Suối Củn (Cao Bằng).

PV: Từ những tiêu chí trên, Cục Khoáng sản Việt Nam đã làm rõ những nội dung nào được nhiều tổ chức, cá nhân, địa phương, doanh nghiệp quan tâm, cần thiết đưa vào Nghị định?

Ông Trần Phương: Vấn đề thứ nhất nổi lên trong Nghị định là khoáng sản đi kèm. Hiện nay, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản đã định nghĩa về khoáng sản đi kèm, tuy nhiên quy định về khoáng sản đi kèm chưa bao phủ hết đối với một số trường hợp.

Cụ thể, với trường hợp sau khi thăm dò khoáng sản và phê duyệt trữ lượng đối với một hoặc một số loại khoáng sản, trong quá trình khai thác phát hiện các khoáng sản khác mà tại thời điểm khai thác việc sử dụng khoáng sản này có hiệu quả kinh tế; khoáng sản có hàm lượng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng, không đạt tiêu chuẩn hàng hóa theo quy định (quặng nghèo, than phẩm cấp thấp...) nhưng do trình độ khoa học công nghệ tại thời điểm khai thác có thể tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội; đất đá thải của hoạt động khai thác khoáng sản trước đây không có nhu cầu sử dụng nhưng hiện nay được đánh giá là nguồn vật liệu san lấp mặt bằng tại một số địa phương hoặc một số loại được nghiền tuyển thành cát nhân tạo...

Tuy nhiên, với quy định hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, sử dụng đối với các loại hình khoáng sản nêu trên. Do vậy, cần thiết phải thể chế hóa các quy định từ việc cho phép tổ chức, cá nhân được khai thác, thu hồi đến việc quy định các nghĩa vụ về tài chính như thế nào để đảm bảo việc thực hiện thống nhất.

Thẩm quyền cho phép khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn. Đặc biệt, khi UBND tỉnh cấp một Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép nhưng trong quá trình tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phát hiện có khoáng sản đi kèm thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT (theo Điều 82 của Luật Khoáng sản) thì cần giải quyết như thế nào để đảm bảo đúng quy định, không gây khó khăn, tăng chi phí và tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thu hồi tối đa khoáng sản. Đó là một trong những vấn đề nổi lên về khoáng sản đi kèm.

Một vấn đề nữa được Cục mong muốn giải quyết trong Nghị định là điều chỉnh về cơ chế quản lý đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Dự thảo Nghị định cũng mong muốn xây dựng được hành lang pháp lý nhằm giải quyết triệt để, đảm bảo thông thoáng và đáp ứng về tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Quy định về bản đồ hiện trạng cũng là nội dung được nhiều tổ chức, cá nhân đề xuất sửa đổi trong Nghị định bởi quy định này không phù hợp với loại khoáng sản không phải là khoáng sản rắn, ví dụ như nước khoáng, nước nóng thiên nhiên sau khi khai thác không thể cân được, phải dùng đồng hồ để đo. Trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Cục Khoáng sản Việt Nam đã đưa vào quy định giám sát khối lượng khoáng sản bằng những phương pháp hiện đại hơn các phương pháp quốc tế đang tiếp cận hiện nay như dùng công nghệ viễn thám, công nghệ UAV hay công nghệ vệ tinh (satellite) để giám sát, theo dõi khối lượng khoáng sản và các thông số kỹ thuật của hệ thống khai thác, tránh khai thác ra ngoài biên giới hay các vi phạm khác.

Ý kiến cơ sở

anh-4-o-mai-van-thach.jpg
Ông Mai Văn Thạch - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu

Ông Mai Văn Thạch - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu:
Xem xét quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

Vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thường: kinh tế chậm phát triển, dân số thưa, nhu cầu xuất, bán vật liệu thương mại thấp chủ yếu cung cấp cho các dự án đầu tư bằng ngân sách Nhà nước chưa có các nhà đầu tư đến đầu tư khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (do không có thị trường tiêu thụ) hoặc quy mô rất nhỏ. Khi triển khai các dự án đầu tư công, đầu tư hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước gặp khó khăn về vật liệu xây dựng làm chậm tiến độ, tăng giá thành của công trình.

Sau thời điểm ngày 31/12/2023, vẫn có các dự án quan trọng quốc gia, nhiều công trình, dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn sẽ khó có nguồn vật liệu để cung cấp.

Thực tế, có trường hợp hết thời hạn thăm dò (trừ trường hợp đang đề nghị gia hạn thăm dò) không thực hiện nộp báo cáo kết quả thăm dò hoặc đã được phê duyệt trữ lượng nhưng không nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Do pháp luật về khoáng sản chưa quy định rõ về quyền thăm dò nên còn có cách hiểu khu vực khoáng sản chỉ được cấp phép thăm dò 1 lần, dẫn đến tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò khoáng sản coi đó là quyền của mình và không thực hiện các thủ tục tiếp theo ảnh hưởng đến việc hoạch định phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Do vậy, cần sửa đổi quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ công trình, dự án quan trọng quốc gia thành khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ công trình, dự án quan trọng quốc gia; công trình, dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ công trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, quyết định đầu tư được thực hiện như sau: Đối với khu vực chưa có Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, thủ tục về đăng ký, xác nhận kế hoạch khai thác, nội dung bảo vệ môi trường quy định tại điểm b khoản này được thực hiện đến khi Luật Khoáng sản (sửa đổi) ban hành có hiệu lực (thay vì “cho đến hết 31/12/2023” như Dự thảo Nghị định). Sau thời điểm này, tổ chức, cá nhân tiếp tục được phép khai thác khoáng sản theo hồ sơ đăng ký đã được xác nhận.

anh-3-anh-thanh-cty-dong-ta-phoi.jpg
Ông Đặng Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin

Ông Đặng Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin:

Cần điều chỉnh Quy định việc điều chỉnh tiền cấp quyền khi thay đổi trữ lượng

Dự thảo sửa đổi Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định việc điều chỉnh tiền cấp quyền khi giảm trữ lượng do trả lại giấy phép, trả lại diện tích, và tăng trữ lượng khi thăm dò bổ sung hoặc sản lượng khai thác thực tế lớn hơn trữ lượng. Như vậy, trường hợp doanh nghiệp thăm dò lại mà trữ lượng tăng thì được điều chỉnh, nhưng trữ lượng giảm lại không được điều chỉnh. Đây là quy định không hợp lý và là bất lợi lớn cho các doanh nghiệp.

Trên thực tế, không ít mỏ khoáng sản được thăm dò từ lâu, trong điều kiện công nghệ thăm dò và tính toán trữ lượng chưa thực sự chính xác, dẫn đến sai số lớn. Việc sử dụng con số này làm cơ sở để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng không có tiền để nộp, buộc phải dừng sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và lãng phí tài nguyên quốc gia.

Đến nay, khi trình độ công nghệ thăm dò tốt hơn, các doanh nghiệp có nhu cầu thăm dò lại để nâng cấp trữ lượng là điều cần thiết và nên làm. Quá trình này giúp cả Nhà nước và doanh nghiệp có thêm thông tin chính xác hơn về tiềm năng khoáng sản để từ đó có phương án khai thác, sử dụng và thu nộp các nghĩa vụ tài chính hợp lý hơn.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Nghị định 67/2019/NĐ-CP theo hướng cho phép giảm trữ lượng trong cả trường hợp kết quả thăm dò nâng cấp có trữ lượng thấp hơn trữ lượng đã được phê duyệt.

Về trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đề nghị đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản cấp sau ngày Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản có hiệu lực, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q) là trữ lượng khai thác được quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản.

Đồng thời, đề nghị sửa đổi quy định cho phép tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tương ứng theo sản lượng khai thác thực tế và nộp hàng năm theo số năm được cấp phép khai thác.

anh-5-ong-pham-nguyen-hai.jpg
Ông Phạm Nguyên Hải - Trưởng Phòng Pháp chế, Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo

Ông Phạm Nguyên Hải - Trưởng Phòng Pháp chế, Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo:

Làm rõ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Đối với Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Dự thảo có quy định về thứ tự ưu tiên cho việc áp dụng giá tính thuế tài nguyên trong trường hợp có nhiều mức giá tính thuế tài nguyên được ban hành cho một loại tài nguyên, quy định này chưa rõ ràng và có thể gây khó khăn trong quá trình triển khai việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vì chưa đồng nhất với các quy định khác có liên quan.

Cụ thể, về tính chất lý, hóa, các sản phẩm đã qua chế biến hoặc chế biến sâu rồi mới bán ra hoàn toàn khác với các sản phẩm tài nguyên, nên không thể đưa về cùng một hệ quy chiếu để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Theo quy định hiện hành về thuế tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên cho các sản phẩm đã qua chế biến hoặc chế biến sâu rồi mới bán ra được xác định dựa trên công thức lấy giá bán trừ đi chi phí chế biến. Đây là một chính sách mang tính khích lệ cho các doanh nghiệp có chủ trương đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ hiện đại trong chế biến khoáng sản. Nếu trong một khung giá/ bảng giá tính thuế tài nguyên lại tồn tại cùng lúc giá tính thuế tài nguyên cho sản phẩm đã qua chế biến hoặc chế biến sâu và giá tính thuế tài nguyên cho sản phẩm chưa qua chế biến cho cùng một loại khoáng sản, và lại ưu tiên áp dụng giá tính thuế tài nguyên cho khoáng sản nguyên khai để tính tiền cấp quyền thì vô hình chung đã làm mất đi tính chất khích lệ của chính sách.

Đối với quy định về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, phê duyệt lại, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, bên cạnh trường hợp có thay đổi về trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác, thì nên bổ sung thêm trường hợp điều chỉnh, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính toán lần đầu hoặc tạm tính là chưa chính xác, nhưng tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã đóng đủ theo mức đó (đã đóng dư so với số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định chính thức)

Đơn vị soạn thảo Nghị định nên cân nhắc bổ sung các tiêu chí về cấp trữ lượng khoáng sản (chất lượng khoáng sản) và tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác, chế biến vào công thức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để đảm bảo phù hợp với quy định về các tiêu chí xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong Luật Khoáng sản năm 2010.

Đồng thời, quy định rõ hơn về cách thức giải quyết sự khác nhau giữa các hệ số được sử dụng cho việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định 67/2019/NĐ-CP với Nghị định sửa đổi trong thời gian chuyển tiếp giữa hai Nghị định.

Lan Chi (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản: Bám sát thực tiễn để tháo gỡ khó khăn - Nhiều quy định mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO