Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu sốYêu cầu cấp thiết
(TN&MT) - Những năm qua, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc giải quyết đất ở, đất sản xuất... cho đồng bào, tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Do đó, việc tiếp tục tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đồng bào DTTS là yêu cầu đặt ra thời gian tới.
Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 DTTS, với dân số trên 14 triệu người, chiếm hơn 14,2% dân số cả nước. Đồng bào các DTTS cư trú thành cộng đồng tại 3.434 xã thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Địa bàn cư trú của các DTTS phần lớn là miền núi, chủ yếu tập trung ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Tây Nam Bộ.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh; đồng thời, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế. Nhưng đây cũng là địa bàn có địa hình tự nhiên phức tạp, độ dốc cao, chia cắt. Vì thế, quỹ đất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu là đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp và đất ở rất hạn chế.
Trong 2 thập kỷ qua, nhiều nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và văn bản thực thi chính sách của Chính phủ về đất đai với đồng bào DTTS đã được ban hành và triển khai. Gần đây nhất, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh định hướng chỉ đạo của Đảng trong vấn đề này. Trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh…; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.
Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là cơ hội để giải quyết một số vướng mắc từ thực tiễn, hoàn thiện cơ chế để thực hiện vấn đề đặt ra. Đặc biệt, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5 với rất nhiều đại biểu góp ý vào nội dung này nhằm nâng cao tính khả thi, mong muốn giải quyết tối đa những vướng mắc thực tiễn.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, nguồn lực đất đai là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng DTTS. Đồng bào DTTS là nhóm yếu thế, cần được sự quan tâm đặc biệt và có chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp của Nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, khiến việc thực hiện mục tiêu tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn.
Thực tiễn cho thấy, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS liên quan trực tiếp tới rất nhiều luật, như Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Cư trú, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... nhất là với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Các luật này chưa có quy định nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra rất mạnh, đặc biệt là ở những vùng đất nông nghiệp có chất lượng tốt với diện tích rộng lớn để bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS.
Việc chỉ quy định mang tính nguyên tắc về những bảo đảm của Nhà nước cho người sử dụng đất tại Luật Đất đai hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu về đất đai cho đồng bào DTTS. Do vậy, để giúp đồng bào ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, giảm bất ổn trong xã hội, cần thực hiện hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng đất theo tinh thần Nghị quyết 18; thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất phục vụ việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS; cần quan tâm đúng mức công tác quy hoạch sử dụng đất gắn với tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS, ưu tiên nguồn lực, bố trí đủ kinh phí cho các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Liên quan tới việc hoàn thiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc, sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã xác định đây là vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau và tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật. Tới đây, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc để thảo luận kỹ và thống nhất về chính sách đất đai cho đồng bào DTTS.