Dữ liệu giám sát không khí giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm trên toàn cầu

Mai Đan| 25/02/2020 21:56

(TN&MT) - Theo một báo cáo mới đây, Ấn Độ đã một lần nữa đứng đầu danh sách các thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới trong khi các thành phố tại Trung Quốc tiếp tục cho thấy sự cải thiện từ năm trước.

Một thợ cắt tóc người Pakistan cạo râu cho khách hàng trên con đường chìm trong sương mù dày đặc ở Lahore

Theo dữ liệu của Báo cáo chất lượng không khí năm 2019 của Tổ chức Thông tin về Chất lượng không khí toàn cầu IQAir AirVisual, 21 trong số 30 thành phố trên thế giới có ô nhiễm không khí tồi tệ nhất là ở Ấn Độ, với 6 thành phố của quốc gia này trong số 10 thành phố trên thế giới ô nhiễm nhất.

Cách thủ đô New Delhi của Ấn Độ 20 km, nằm phía Bắc bang Uttar Pradesh, Ghaziabad được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với nồng độ PM 2.5 trung bình là 110,2 vào năm 2019. Con số này cao hơn gấp đôi mức mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho là lành mạnh.

Hồi tháng 11/2019, một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã được tuyên bố sau khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt quá 800 ở một số khu vực của New Delhi, cao gấp ba lần mức "nguy hiểm".

Các nhà nghiên cứu của IQAir - một công ty công nghệ thông tin và chất lượng không khí toàn cầu - đã thu thập dữ liệu cho báo cáo từ các trạm quan trắc mặt đất để đo nồng độ chất dạng hạt (PM 2.5) trên mỗi mét khối.

Các hạt siêu nhỏ, có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, được cho là đặc biệt có hại vì chúng đủ nhỏ để đi sâu vào phổi và hệ thống tim mạch.

PM 2.5 bao gồm các chất gây ô nhiễm như sunfat, nitrat và carbon đen. Tiếp xúc với các hạt như vậy có thể gây ra rối loạn phổi và tim và có thể làm giảm chức năng nhận thức và miễn dịch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư và viêm đường hô hấp.

Theo ước tính, hơn 80% các thành phố trên thế giới không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí của WHO, với các nước thu nhập thấp và trung bình có nguy cơ cao nhất.

"Ô nhiễm không khí gây nguy cơ sức khỏe môi trường cấp bách nhất đối với dân số toàn cầu", báo cáo của AirVisual cho biết.

Nam Á tiếp tục là mối quan tâm đặc biệt, với 27 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất ở Ấn Độ, Pakistan hoặc Bangladesh. Theo dữ liệu của AirVisual, Gujranwala, Faisalabad và Raiwind của Pakistan nằm trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất và các trung tâm dân số lớn của New Delhi, Lahore và Dhaka lần lượt xếp thứ 5, 12 và 21.

Theo báo cáo, về mặt khu vực, Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chỉ có 6 trong tổng số 355 thành phố đáp ứng các mục tiêu hàng năm của WHO.

Tuy nhiên, Nam Á đã chứng kiến ​​sự cải thiện từ năm trước. Ô nhiễm không khí quốc gia ở Ấn Độ đã giảm 20% từ năm 2018 đến 2019, với 98% các thành phố trải qua các mức độ cải thiện khác nhau. Báo cáo chỉ ra sự suy giảm kinh tế, điều kiện thời tiết thuận lợi và những nỗ lực làm sạch không khí là nguyên nhân của sự cải thiện trên.

Chẳng hạn, thành phố ô nhiễm nhất ở Ấn Độ - Ghaziabad có AQI trung bình là 110,2 trong năm nay. Trong khi đó, năm 2018 là 135,2 và 144,6 vào năm 2017.

Báo cáo cũng cho biết, để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, Ấn Độ đã khởi động Chương trình Không khí sạch Quốc gia (NCAP) đầu tiên nhằm mục đích giảm 20-30% mức độ bụi mịn PM 2.5 và bụi mịn PM 10 tại 102 thành phố vào năm 2024.

Khủng hoảng khí hậu và đô thị hóa

Theo dữ liệu chất lượng không khí, dấu hiệu rõ ràng cho thấy biến đổi khí hậu có thể trực tiếp làm tăng nguy cơ tiếp xúc với ô nhiễm không khí và nó ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở nhiều thành phố do sa mạc hóa và các vụ cháy rừng và bão cát tăng.

Khí thải nhà kính, với việc đốt nhiên liệu hóa thạch là tác động lớn của cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng là một nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí.

Nhiều quốc gia vẫn phụ thuộc vào than để sản xuất năng lượng trong khi đó than là một yếu tố đóng góp lớn nhất cho phát thải PM 2.5.

“Vấn đề càng trầm trọng hơn khi đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng trong các thành phố Đông Nam Á công nghiệp hóa. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí và đặt ra những thách thức to lớn đối với việc quản lý nồng độ PM 2.5”, báo cáo nhấn mạnh.

"Các thành phố đang phát triển nhanh cần phải đưa ra lựa chọn nếu muốn phát triển một cách bền vững", Yann Boquillod, người đứng đầu bộ phận giám sát chất lượng không khí tại IQAir cho biết.

"Cho đến gần đây, tăng trưởng quan trọng hơn môi trường, nhưng chúng ta đang thấy một xu hướng rất rõ ràng là mọi người đang đòi hỏi nhiều hơn từ chính quyền địa phương của họ”, Boquillod nói.

"Trong năm 2019, người dân ở thủ đô Hà Nội (Việt nam) đã nâng cao nhận thức chất lượng không khí trong thành phố nhờ vào việc triển khai máy đo chất lượng không khí. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy dữ liệu chất lượng không khí đã giúp chính phủ cải thiện môi trường” – ông Boquillod nhấn mạnh.

Những điểm sáng

Theo báo cáo, các thành phố của Trung Quốc đã có sự cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, với nồng độ chất ô nhiễm trung bình giảm 9% trong năm 2019 so với năm 2018.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa nồng độ PM 2.5 hàng năm trong thập kỷ qua và đã tự đưa mình ra khỏi top 200 thành phố ô nhiễm nhất hành tinh sau những nỗ lực phối hợp kiểm soát ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, 98% các thành phố của Trung Quốc vẫn vượt quá khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí.

Bão cát ở thành phố sa mạc Hotan, Tân Cương, phía Tây Trung Quốc khiến nó trở thành thành phố ô nhiễm thứ hai thế giới vào năm 2019, với AQI trung bình là 110,1.

Một điểm tích cực khác là năm 2019 thế giới đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể ở các quốc gia mở rộng giám sát chất lượng không khí, với số lượng trạm quan trắc tăng hơn 200% kể từ năm trước.

“Nhiều dữ liệu giám sát hơn góp phần quan trọng cho việc thông báo tới cộng đồng về chất lượng không khí và giúp giải quyết ô nhiễm không khí trên toàn cầu”, báo cáo cho biết.

Theo báo cáo này, dữ liệu chất lượng không khí cộng đồng liên tục hiện đã xuất hiện lần đầu tiên tại Angola, Bahamas, Campuchia, DR Congo, Ai Cập, Ghana, Latvia, Nigeria và Syria.

Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách lớn về dữ liệu chất lượng không khí ở nhiều nơi trên thế giới, đồng nghĩa với việc tổng số thành phố vượt ngưỡng 2.5 PM của WHO có thể cao hơn.

Chẳng hạn, Châu Phi, lục địa với 1,3 tỷ dân có chưa đến 100 trạm giám sát đảm bảo chia sẻ dữ liệu chất lượng không khí cho cộng đồng trong thời gian thực.

"Các vị trí thường có nồng độ ô nhiễm hạt cao nhất lại có ít dữ liệu giám sát nhất", Frank Hammes, Giám đốc điều hành của IQAir cho biết.

Theo Tổng hợp từ CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dữ liệu giám sát không khí giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm trên toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO