Doanh nghiệp mong chờ giờ G (15/3)
Từ Tết đến nay, các điểm du lịch tại miền Trung đã rục rịch cơ sở hạ tầng để đón khách, các khách sạn đã bắt đầu kích cầu du lịch bằng các gói khuyến mãi hấp dẫn, khách sạn/resort đã tuyển dụng lao động trở lại, đào tạo tại chỗ,...tâm lý mở cửa du lịch sẵn sàng đã rất rõ ràng.
Ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Giám đốc công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay: Chỉ còn vài ngày nữa đến ngày mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn (15/3). Doanh nghiệp rất kỳ vọng vào những quyết sách của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào ngày 15/2, đó là mở cửa trở lại du lịch quốc tế hoàn toàn, không cách ly như trước đại dịch; chỉ đảm bảo yêu cầu 5K, đầy đủ vaccine, y tế, bảo hiểm.
Tuy nhiên, ông Thuỷ cũng rất lo lắng, bởi gần đến ngày mở cửa rồi mà vẫn còn tranh cãi điều kiện đón khách, vẫn chưa nhất quán giữa các bộ ngành, văn bản chưa ban hành để doanh nghiệp chủ động lộ trình đón khách.
“Hiện chúng tôi đang chuẩn bị cùng phối hợp với các sở du lịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam đón đoàn Famtrip gồm 40 công ty lữ hành Thái Lan đến Đà Nẵng ngày 27/3, tiếp sau đó là các đoàn khách du lịch thuần tuý đã triển khai, có thể nói hiện có rất nhiều đoàn đã đặt tour vào Việt Nam và miền Trung từ ngày 1/4 sắp tới”, ông Nguyễn Sơn Thuỷ chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Hà, Giám đốc Công viên Văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An – Đảo Ký ức Hội An, thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã nỗ lực phục hồi chuẩn bị đẩy đủ nhân sự cũng như các phương án phòng dịch, tìm mọi cách giữ chân lực lượng cán bộ chủ chốt, đồng thời tuyển dụng thêm nhân lực. Đơn vị chúng tôi nói riêng và các doanh nghiệp, khu điểm tại Hội An hoàn toàn có thể đáp ứng được phương án đón khách quốc tế sắp tới.
“Tôi đồng ý với phương án đón khách quốc tế của Bộ VHTT&DL, điều kiện để khách du lịch được đến Việt Nam là có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ trước khi "xuất cảnh" thay vì “nhập cảnh” như quy định của Bộ Y tế. Chứng nhận tiêm vaccine đủ mũi hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh được giữ nguyên.
“Hiện nay các thị trường không cho khách đi đã khó khăn rồi mà mình còn tạo thêm rào cản cách ly 2-3 ngày để theo dõi thì quá khó đón khách quốc tế.”- ông Hà chia sẻ.
“Mở cửa” thì phải “thông thoáng”
Ông Lê Công Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Viet Discovery tại TP. Đà Nẵng cho biết, nếu quy định thắt chặt quá sẽ khiến khách quốc tế không lựa chọn tới Việt Nam, mà sẽ tới các quốc gia khác có thủ tục dễ dàng, cởi mở hơn. Hiện công ty đã xây dựng kế hoạch đón khách quốc tế chủ yếu với các tour ngắn ngày như 3 ngày 2 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm. Thế nhưng nếu quy định quá chặt chẽ, buộc khách phải lưu trú ngay khi xuống sân bay trong 3 ngày hoặc 2 ngày để theo dõi, sau đó mới được đi tham quan thì có lẽ kế hoạch đón khách của công ty sẽ bị “phá sản”.
“Cộng đồng doanh nghiệp du lịch mong muốn có chính sách nhất quán và công bằng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để cho du khách quốc tế đến Việt Nam. Đối với du khách trong nước, gần như các quy định không bắt buộc nhiều so với khách du lịch nước ngoài. Như vậy không có sự công bằng giữa hai dòng khách này.” – ông Hoà nói.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, mới đây Bộ Y tế có hướng dẫn về điều kiện chặt chẽ trong việc đón khách quốc tế gây lo lắng cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Việt Nam đã thử nghiệm đón khách quốc tế giai đoạn 1 và 2. Trong lần 3 này chúng ta đã có thực tiễn khoa học rộng rãi, tham khảo du lịch các nước trong khu vực. Đồng thời điều kiện y tế trong nước đã đầy đủ, tự tin kiểm soát bệnh dịch. Việc cách ly y tế 24 giờ hay 72 giờ sẽ gây rào cản về chi phí lớn cho du khách, kéo dài thời gian du khách, trả thêm phí dịch vụ không đáng có, làm mất khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam, mất cơ hội thị trường, gây tốn kém thêm nguồn lực xã hội…” ông Thủy nhận định.