Ngày 16/9, UBND TP. Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Sở Du lịch về Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến 2025, định hướng 2030.
Việc cơ cấu lại nhằm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 43 về phát triển KT-XH Đà Nẵng trong đó có 3 trụ cột, mà du lịch là một trụ cột kinh tế chính.
Theo kết quả phân tích từ “Đề án cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng năm 2025, định hướng 2030” cho thấy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận về sự phát triển của du lịch thời gian qua. Ngành du lịch Đà Nẵng cũng xuất hiện nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vai trò ngành kinh tế mũi nhọn cũng như sự phát triển bền vững.
Tỷ trọng của thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc đến Đà Nẵng đạt 70,5% năm 2019 nhưng lại có mức chi tiêu thấp |
Cụ thể như, mức chi tiêu và số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế có xu thế giảm, công suất sử dụng buồng trung bình có xu thế giảm, đặc biệt với nhóm khách sạn 2 sao trở xuống.
Tỷ trọng của thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc trong tổng số khách du lịch quốc tế tăng liên tục trong những năm gần đây và đạt 70,5% năm 2019 và số ngày lưu trú trung bình của những thị trường này thấp so với các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ.
Ngoài ra, thời gian dài Đà Nẵng chú trọng khai thác không gian ven biển, tập trung vào vùng lõi TP, mà chưa chú ý phát triển khu vực phía Tây, không gian mặt sông, mặt biển.
Đề án định hướng mục tiêu đến năm 2025 điều chỉnh cơ cấu du lịch, phấn đấu đạt cơ cấu thị trường trong nước và quốc tế (có lưu trú) là 50%-50%; cơ cấu thị trường quốc tế là Châu Âu, Bắc Mỹ (20%), Đông Bắc Á là 57%; Đông Nam Á 20%, thị trường khác là 3,0%.
Đến năm 2030 hoàn thành việc cơ cấu du lịch Đà Nẵng, trong đó cơ cấu thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là 45%-55%; cơ cấu thị trường quốc tế là Châu Âu, Bắc Mỹ là 30%, Đông Bắc Á là 40%; Đông Nam Á 25%, trị trường khác là 5,0%.
Về sản phẩm du lịch, hướng tới sản phẩm chất lượng cao như nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, bổ sung thêm dịch vụ cho phân khúc khách có khả năng chi trả cao; nhóm sản phẩm du lịch tham quan các tuyến sông Cu Đê, sông Hàn, sông Cổ Cò và khu vực quanh bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng nhằm đáp ứng nhu cầu phổ biến từ bình dân đến cao cấp; phát triển nhóm sản phẩm du lịch MICE; nhóm sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí, lễ hội và sự kiện văn hóa; nhóm sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm; nhóm sản phẩm du lịch, mua sắm và vui chơi giải trí về đêm...
Để đảm bảo việc cơ cấu lại thành công, Đà Nẵng cần có những giải pháp tổng thế, bao gồm như đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá; tạo thuận lợi về điều kiện tiếp cận và đi lại cho du khách; đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn các điểm đến; tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường liên kết phát triển...
PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, Đà Nẵng cần phải cơ cấu lại để đảm bảo hạn chế nhất các tác động tiêu cực từ những bất hợp lý về cơ cấu tồn tại trong thời gian qua.
Đà Nẵng đang tính toán cơ cấu lại du lịch, tăng thu hút khách Âu - Mỹ, các nước ASEAN. |
Theo đó, ngành du lịch Đà Nẵng phải điều chỉnh cơ cấu khách từ Hàn Quốc, Trung quốc, đảm bảo lượng khách từ 2 thị trường này không chiếm tỷ lệ mang tính “chi phối” để hạn chế những rủi ro khi có biến động, làm lượng khách giảm đột ngột; thay vào đó cần đa dạng thị trường, đặc biệt thị trường có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài.
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, đây là đề án quan trọng cho sự phát triển của du lịch, kinh tế xã hội của thành phố. Do đó, Sở Du lịch thành phố cần tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện sớm đề án này để làm cơ sở cho việc nghiên cứu tiếp theo; trong đó cần quan tâm thêm đến các vấn đề an toàn, môi trường, liên kết, thị trường, sản phẩm du lịch...