Du lịch biển miền Trung: Tiềm năng đan xen rào cản

28/04/2019 05:55

(TN&MT) - Du lịch biển ở miền Trung hiện đang có nhiều thế mạnh để tăng tốc phát triển, từng bước xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, hiện đại, đẳng cấp thông qua các dự án lớn được các nhà đầu tư chiến lược “rót vốn” thời gian qua. Tuy vậy, công tác quản lý, khai thác vùng bờ biển khu vực này vẫn chưa xứng với tiềm năng và phải cẩn trọng.

20 (1)
Bờ biển Lăng Cô tuyệt đẹp thu hút nhiều nhà đầu tư du lịch

“Kênh” đầu tư hấp dẫn

Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đều có biển, chiếm 50% số tỉnh trong cả nước có bờ biển, với chiều dài gần 1.900 km, chiếm 57% bờ biển cả nước (3.260km), trong đó, TP. Đà Nẵng có chiều dài bờ biển ít nhất với 70km và Phú Yên có chiều dài bờ biển dài nhất là 189km.

Ở miền Trung có nhiều cảng biển lớn như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô, Nhà Trang, Cam Ranh. Trên vùng lãnh hải có hàng chục đảo, trong đó có nhiều đảo lớn như Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng). Thời gian qua, thị trường du lịch biển miền Trung đang tạo ra một bức tranh mới sinh động và toàn diện hơn. Thay vì tập trung ở một vài khu vực, thị trường du lịch biển miền Trung đã có sự đột phá về chất và lượng, kéo theo làn sóng đầu tư lớn vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, kể từ năm 2016, các tháng đều có dự án nghỉ dưỡng mở bán và giao dịch. Trước tiềm năng sinh lời hấp dẫn vì phần lớn nhà đầu tư tin tưởng rằng, bờ biển nơi này trong tương lai sẽ trở thành một trung tâm du lịch quốc tế giống như đảo Bali (Indonesia) hay Phukhet (Thái Lan). Do đó, tỷ suất lợi nhuận của bất động sản biển nói chung và các dự án đất nền ven biển sẽ cao hơn so với các sản phẩm bất động sản khác, nhiều chủ đầu tư trong nước và quốc tế đã không chần chừ, nhanh chóng góp mặt trên bờ biển miền Trung với các dự án từ “vừa túi” đến cao cấp. Chỉ trong vài năm, khu vực này đã trở thành tụ điểm của loạt sản phẩm nghỉ dưỡng ở Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Cam Ranh hay Huế.

Chỉ tính riêng trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, hiện tại đang có rất nhiều dự án du lịch biển được đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với những số tiền đầu tư “khủng” như Dự án Khu du lịch quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô do Công ty CP quốc tế Minh Viễn làm chủ đầu tư với số tiền 368 triệu USD; Dự án Khu phức hợp du lịch và dịch vụ Đăng Kim Long với tổng vốn đầu tư 3.730 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô do Công ty TNHH Laguna Việt Nam đầu tư được điều chỉnh tăng vốn lên 2 tỷ USD...

Tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định chủ trương đầu tư 19 dự án du lịch tại 7 tỉnh thành miền Trung, với tổng vốn đăng ký hơn 36.100 tỷ đồng. Đa số các nhà đầu tư đều là những “ông trùm” trong đầu tư như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn T&T, Tập đoàn BRG, Tập đoàn Văn Phú... Điều đó, càng khẳng định sức hút cực kỳ lớn mà du lịch biển miền Trung đang mang lại.

Lắm rào cản

Không thể phủ nhận, sự phát triển nhanh của ngành du lịch đã có những đóng góp quan trọng tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của khu vực miền Trung. Tuy vậy, việc phát triển du lịch tốc độ cao trong khi nguồn lực còn hạn chế đã tạo sức ép rất lớn đến môi trường tự nhiên. Để phát triển kinh tế biển miền Trung bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và hiệu quả, trong khi vẫn bảo tồn được tính bền vững của biển, vùng này vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

20 (2)
Sạt lở bờ biển Cửa Đại - Quảng Nam

“Miền Trung có lợi thế về biển, nhưng lâu nay chưa ra biển, mới quơ lượm gần bờ chứ chưa khai thác giá trị sản phẩm cao ở xa bờ. Không những chưa ra biển, mà nhiều việc còn quay lưng lại với biển...” - TS. Vũ Ngọc Hoàng - Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định.

Một trong những khó khăn hiện nay là một số tỉnh có nhiều điểm hấp dẫn nhưng chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng chưa tương xứng. Một số tỉnh khác lại cho rằng, tỉnh không có cảng biển riêng để đón tàu du lịch, vận tải hàng không hoặc có điểm đến, sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, thiếu tính hấp dẫn. Một điểm chung là hầu hết các sản phẩm du lịch của các tỉnh na ná nhau nên chưa tạo được sự kích cầu mạnh mẽ cho du lịch.

Dải đất ven biển miền Trung hàng năm được cung cấp một lượng sa bồi (bùn cát) rất lớn theo các con sông đổ ra cửa biển trong các đợt lũ. Tại sao với nguồn cung bùn cát dồi dào như vậy nhưng tình trạng xói lở trên diện rộng vẫn diễn ra? Khoảng 15 năm trở lại đây, những cánh rừng phòng hộ ven biển miền Trung đã bị người dân và chính quyền địa phương chặt phá để cấp đất cho các dự án xây dựng resort, khách sạn. Đến bây giờ, cái giá phải trả là những bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng. Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kè nhưng rồi cũng bị sóng biển đánh tả tơi.

Mặt khác, vấn đề ô nhiễm môi trường do thiếu ý thức của người dân, của du khách, của việc xử lý nước thải, rác thải của các dịch vu phục vụ du lịch. Cùng với đó, tình trạng chèo kéo khách du lịch vẫn diễn ra gây nhiều phiền nhiễu cho khách.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An nhìn nhận, kinh tế du lịch đang đặt ra nhiều thách thức đối với nhiều địa phương tại miền Trung, trong đó, có Hội An trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực môi trường biển. Tình trạng ô nhiễm do nước thải, rác thải của các doanh nghiệp và khách du lịch chưa được xử lý triệt để, việc khai thác các nguồn lợi tự nhiên quá mức đã làm suy giảm các loài sinh vật đang diễn ra khá nghiêm trọng tại các điểm du lịch thành phố.

“Cần thiết phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế và giữ gìn cảnh quan, môi trường biển. Địa phương đang tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù ven biển như du lịch tham quan kết hợp với du lịch sinh thái; du lịch di sản gắn với nghỉ dưỡng, thể thao biển cùng nhiều sản phẩm phụ trợ khác” - ông Sơn cho hay.

Phát triển du lịch biển đảo là chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Vì thế, nếu các tỉnh có sự liên kết chặt chẽ và khai thác hợp lý các tiềm năng, tin rằng vùng duyên hải miền Trung sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch biển miền Trung: Tiềm năng đan xen rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO