Dự báo mùa hè 2023: Nhận định từ chuyên gia khí tượng

Mai Đan (thực hiện)| 14/04/2023 19:18

(TN&MT) - Mùa hè năm 2023 đến sớm và nắng nóng gay gắt hơn so với mùa hè năm 2022. Xoay quanh những thông tin về dự báo xu thế KTTV và thiên tai năm 2023 nói chung và dự báo mùa hè năm 2023 nói riêng, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Hoàng Phúc Lâm.

_mg_2653(1).jpg
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Hoàng Phúc Lâm trao đổi với phóng viên Báo TN&MT

PV: Xin ông cho biết, nắng nóng năm nay sẽ tập trung ở các khu vực trong cả nước vào những khoảng thời gian nào và những khu vực nào sẽ là cao điểm nắng nóng năm nay?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Dự báo 3 tháng 4, 5, 6 năm nay nước ta sẽ xấp xỉ cho tới nóng hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 độ C. Thông thường một đợt nắng nóng sẽ diễn ra khoảng 3 - 5 ngày, nhưng năm nay có thể sẽ dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ có thể kéo dài hơn.

Ngay trong tháng 4 này, nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc, kể cả ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Đặc biệt, cao điểm của nắng nóng sẽ là trong tháng 6-7 ở Bắc Bộ và từ nửa cuối tháng 6 đến tháng 8 ở Trung Bộ với khả năng cao xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.

Sang tháng 5 và tháng 6, Nam Bộ chấm dứt nắng nóng nhưng ở Bắc Bộ, Trung Bộ vẫn duy trì nắng nóng và nắng nóng có thể kéo dài tới khoảng đầu tháng 8 ở Bắc Bộ và cuối tháng 8 ở Trung Bộ.

PV: Theo các dự báo trước đây cũng như thời điểm hiện tại của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, mùa hè năm nay đến sớm, với đợt nắng nóng đầu tiên xuất hiện trên diện rộng vào cuối tháng 3 vừa qua. Ông có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng nắng nóng này, thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Mùa hè năm nay, nắng nóng xuất hiện sớm và gay gắt hơn so với mọi năm là do trạng thái đại dương - khí quyển (ENSO) đang chuyển sang pha trung tính, ngoài ra hoạt động áp thấp nóng phía Tây đến sớm hơn so với mọi năm nên đã gây ra nắng nóng ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ trong khoảng thời gian ngày 22-24/3.

Sau đợt nồm ẩm này sẽ xuất hiện một đợt nắng nóng mới tại khu vực Bắc và Trung Trung bộ trong những ngày giữa và cuối tháng 4, nguyên nhân chính cũng là do áp thấp nóng phía Tây mở rộng, kèm theo gió Tây Nam và hiệu ứng phơn.

nang-nong(1).jpg
Mùa hè năm 2023 đến sớm và nắng nóng gay gắt hơn so với mùa hè năm 2022

PV: Trước tình hình nắng nóng đến sớm và gay gắt như trên, xin ông đưa ra khuyến cáo đối với người dân để họ chủ động ứng phó?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Trong nhiều ngày tới, độ ẩm trong không khí giảm kết hợp với nhiệt độ cao khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư và nguy cơ cháy rừng ở các khu vực có khô hạn và nắng nóng kéo dài.

Ngoài ra, nắng nóng còn kèm theo tia cực tím cao, nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây ra tình trạng ung thư da, mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ và tia UV cao.

Do vậy, người dân cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm từ 11 giờ đến 16 giờ hàng ngày, đồng thời cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

PV: Ngoài hiện tượng mùa hè đến sớm và gay gắt như trên, xin ông thông tin thêm về xu thế KTTV và thiên tai năm 2023?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Hiện tượng Lanina đã kết thúc, trạng thái đại dương - khí quyển (ENSO) đang ở trạng thái trung tính, khả năng từ mùa thu chuyển sang trạng thái El Nino và có thể duy trì cho đến nửa đầu năm 2024.

Về bão và áp thấp nhiệt đới, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm có khoảng 12-13 cơn trên Biển Đông và 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền).

Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc Bộ, lượng mưa có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm; khả năng xảy ra mưa to dồn dập cuối tháng 5, đầu tháng 6 ở Bắc Bộ như năm 2022 là thấp.

Tại khu vực Trung Bộ, lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình trong giai đoạn tháng 7-9/2023; tuy nhiên, từ tháng 10-12/2023 (thời điểm chính của mùa mưa tại Trung Bộ), lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm tại khu vực này. Xu hướng thiếu hụt mưa có thể kéo dài sang đầu năm 2024.

Nắng nóng xuất hiện sớm so với trung bình ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ và có khả năng xuất hiện nhiều ngày và gay gắt hơn so với năm 2022.

PV: Từ xu thế KTTV và thiên tai năm 2023 như trên, ông đánh giá như thế nào về vai trò của dự báo mùa, thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Với xu thế KTTV và thiên tai năm 2023 như trên, việc dự báo mùa là rất quan trọng, giúp cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp có thể tham khảo thông tin, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó theo đặc thù ở địa phương, khu vực góp phần giảm thiểu tổn thất.

Cụ thể, đối với công tác phòng chống thiên tai hay hoạt động sản xuất, dự báo mùa rất hữu ích cho việc lên kế hoạch phòng chống thiên tai cũng như kế hoạch sản xuất trong thời gian dài.

Ngoài ra, các thông tin dự báo ở thời hạn ngắn hơn như dự báo tháng sẽ cảnh báo, dự báo thiên tai cho từng tháng; hay các bản tin dự báo thiên tai 10 ngày, dự báo thiên tai 3 ngày sẽ giúp cho việc thực hiện các phương án ứng phó, phòng chống thiên tai cụ thể hơn cho từng đợt thiên tai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo mùa hè 2023: Nhận định từ chuyên gia khí tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO