Sự cần thiết của một dự án
Theo UBND tỉnh Bến Tre, sông Ba Lai có chiều dài khoảng 70km, bắt nguồn tử xã Tân Phú, huyện Châu Thành và kết thúc tại biển Đông thuộc xã Thới Thuận, huyện Bình Đại và xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Bề rộng và độ sâu lòng sông có sự chênh lệch lớn giữa thượng lưu và hạ lưu. Đoạn thượng lưu từ xã Tân Phú đến kênh Giao Hòa bị bồi lắng có bề rộng từ 18-120m, cao độ đáy kênh từ -2m đến -3,5m, đây là đọan sông bị bồi lắng với tốc độ khá nhanh. Riêng đoạn từ kênh Giao Hòa về hạ lưu rộng 300-500m, cao độ đáy kênh từ -3,5 đến -11,5m, đoạn này cũng bị bồi lắng do phù sa bồi lấp tại cửa sông và đọan gần cống đập Ba Lai.
Hiện nay, dòng chảy trên sông Ba Lai đoạn từ ngã ba kênh Giao Hòa đến cống đập Ba Lai yếu, nhất là khi cửa Ba Lai đóng. Hiện tượng bồi lấp lòng sông đoạn này đang diễn ra với tốc độ nhanh, đáy sông đã cạn hơn so với thời điểm trước khi xây dựng cống đập Ba Lai vào năm 2002, bình quân khoảng 2-3m, chiều rộng mặt sông hầu như không thay đổi.
UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, việc đầu tư nạo vét sông Ba Lai đoạn từ ngã ba kênh Giao Hòa đến cống đập Ba Lai là rất cần thiết, mang lại hiệu quả thiết thực, có nguồn nước ngọt và trữ ngọt theo yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và dân sinh, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu sẽ còn diễn ra gay gắt phức tạp trong những năm tới, góp phần ổn định đời sống dân cư.
Lợi thế lớn mà UBND tỉnh Bến Tre hướng đến, đó là đoạn sông này có bề mặt rộng từ 300-500m, việc đầu tư nạo vét sẽ tạo nên hồ chứa nước tự nhiên rất thuận lợi, không phải giải phóng mặt bằng. Đồng thời, đất có được từ nạo vét dự kiến một phần sử dụng để san lấp các ao nuôi cá dọc sông Ba Lai, một phần làm nguyên liệu cho 03 nhà máy sản xuất gạch không nung sẽ được Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển ATM (Công ty ATM, Chủ đầu tư) đầu tư trong thời gian tới, phần còn lại sử dụng để phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng các công trình trong tỉnh.
Cũng theo UBND tỉnh Bến Tre, Dự án được phê duyệt có chiều dài 23km, cao trình đáy từ -6 đến -8m. Tổng khối lượng nạo vét gần 19,2 triệu m3; trong đó, khối lượng cát, cát pha thu hồi gần 8,5 triệu m3. Chi phí đầu ra, bao gồm phí đầu tư, các loại thuế, phí… là 824 tỷ đồng.
Trước đó, để thực hiện tiếp các bước theo thủ tục, ngay từ đầu năm 2019, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến đồng thuận của các hộ dân vùng Dự án. Kết quả, 730 hộ dân trong vùng Dự án được mời tham dự. Sau khi lấy ý kiến, có 639 phiếu (chiếm tỉ lệ 87,55%) số hộ dân đồng thuận triển khai Dự án, 64 phiếu (chiếm 8,76%) số hộ không đồng thuận, còn lại 27 phiếu (tỉ lệ 3,69%) số hộ dân không có ý kiến.
Cân nhắc nhiều vấn đề
Trước khi HĐND tỉnh Bến Tre ban hành Nghị quyết chính thức, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã lấy ý kiến phản biện xã hội. Tại Báo cáo số 906/BC-MTTQ-BTT ngày 17/5/2019 về cơ bản các thành viên Hội đồng phản biện đều thống nhất chủ trương thực hiện Dự án, việc lập Đề án thực hiện Dự án này là cần thiết trong tình hình hiện nay khi nước mặn thường xuyên xâm nhập sâu và tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Dự án được thực hiện phù hợp với quy hoạch và nhu cầu phát triển hệ thống trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Tuy nhiên, Hội đồng phản biện cũng đã lưu ý một số vấn đề cần quan tâm, cân nhắc. Cụ thể, 13 điểm tập kết nạo vét với 130 ha cần có biện pháp gia cố để không làm sạt lở bờ sông, không để nước bẩn chảy vào các ao nuôi tôm, cá, hồ trữ nước của dân... Đồng thời, cần có cấm mốc định vị bờ sông của các hộ có đất ven sông để làm cơ sở tính hỗ trợ nếu có xảy ra sạt lở.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre có nhiều ý kiến lưu ý đến nhà đầu tư. Trong đó, cần làm rõ pháp lý để chỉ định Công ty ATM làm chủ đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa. Với dự án nạo vét gần 20 triệu m3 đất, tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng được thực hiện theo hình thúc xã hội hóa; trong đó 50% là vốn của doanh nghiệp, 50% là vốn vay, vì vậy cần thẩm tra kỹ năng lực thi công, năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, về kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư, Hội đồng phản biện cho rằng đây là yêu cầu được pháp luật quy định, là một trong những nội dung phải được thẩm định nhằm đảm bảo chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý dự án. Vì vậy, đề nghị bổ dung tài liệu nhà đầu tư theo quy định và tổ chức thẩm định nội dung này nếu chưa thực hiện.
Riêng về giải pháp bảo vệ môi trường đối với đất nạo vét, vấn đề này trong hồ sơ Dự án có nêu “một phần đất nạo vét sẽ làm gạch không nung tại 03 cơ sở sản xuất gạch của nhà đầu tư…”. Hội đồng phản biện xét thấy hiện tại chưa có cơ sở để khẳng định nhà đầu tư sẽ thành lập 03 cơ sở sản xuất gạch, khi nào thành lập, nếu có thành lập thì đất nạo vét có đủ tiêu chuẩn để sản xuất được gạch không nung hay không...
Những vấn đề phản biện xã hội mà Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre nêu ra trên đây đã được Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre Bùi Văn Lâm có Báo cáo giải trình số 1336/BC-SNN ngày 28/5/2019. Theo đó, Sở NN&PTNT Bến Tre cho rằng đây là loại công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, mục đích nhằm tạo hồ chứa nước ngọt để phục vụ nước sinh hoạt cho toàn tỉnh Bến Tre. Do đó, Dự án này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 159/2018/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
Về cơ sở pháp lý để chỉ định Công ty ATM làm chủ đầu tư theo hình thức xã hội hóa, Báo cáo của Sở NN&PTNT Bến Tre nêu rõ: “Do việc thực hiện nâng cấp sông Ba Lai là hết sức cần thiết, kinh phí đầu tư cho việc nâng cấp này quá lớn, trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, không đủ nguồn thực hiện. Vì vậy, tỉnh Bến Tre giao cho Công ty ATM làm chủ đầu tư để thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa lấy thu bù chi. Công ty ATM tự cân đối nguồn tài chính, bao gồm vốn tự có và vốn vay để thực hiện dự án”.
Đối với các giải pháp thi công tránh ô nhiễm môi trường, sự cố sạt lở, đặc biệt là biện pháp khắc phục sạt lở khi thi công cũng như thời gian bảo hành…, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre Bùi Văn Lâm khẳng định chủ đầu tư đã có cam kết, nếu sạt lở do thi công thì nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm khắc phục và có giải pháp xử lý cụ thể.
Ba Lai là 01 trong 04 con sông lớn thuộc hệ thống sông Cửu Long chảy qua địa phận tỉnh Bến Tre. Trước năm 2000, nước mặn thâm nhập sâu vào đất liền ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của bà con nông dân thuộc các huyện Bắc Bến Tre như: TP Bến Tre, Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm và Bình Đại. Năm 2000, Trung ương đầu tư vốn thực hiện dự án thủy lợi Bắc Bến Tre, đây là dự án lớn nhất ở khu vực ĐBSCL lúc bấy giờ.
Năm 2002, khi cống đập Ba Lai đóng lại để trữ ngọt đã biến vùng thượng lưu cống đập thành hồ chứa nước với 90 triệu m3. Theo quy hoạch, cống đập Ba Lai sẽ phục vụ cho hơn 115.000 ha; trong đó có 88.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản. Do một bên là nước ngọt, một bên là nước mặn nên lịch đóng, mở cống không liên tục, từ đó làm cho vùng thượng lưu bị bồi lắng rất nhanh.