Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên: Thu mua đất lúa trái pháp luật?

Phạm Văn| 02/12/2019 14:07

(TN&MT) - Mặc dù chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên (thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã mua đất lúa, đất rừng của người dân trái quy định pháp luật.

Đơn phản ánh của người dân tại tổ 16 (thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) gửi tới Báo Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên tại thị trấn Trại Cau. Chủ đầu tư dự án là công ty TNHH Xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc (có địa chỉ tại phường Tân Thanh, TP. Ninh Bình, Ninh Bình).

Phối cảnh dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên được quáng cáo trên internet

Theo đó, khu du lịch này có tổng diện tích quy hoạch trên 55,6 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 785 tỷ đồng (trong đó vốn chủ đầu tư chỉ có 117,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư). Thời gian thi công dự kiến là 10 năm (từ năm 2019 – 2030) và thời gian hoạt động của dự án là 70 năm. Tuy nhiên người dân nơi đây cho rằng, dự án dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã ồ ạt thu mua đất trồng lúa, đất rừng của người dân.

Tìm hiểu của PV báo TN&MT được biết, hiện Công ty TNHH Xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc đã thu mua được khoảng 16 ha đất (cả đất lúa và đất rừng) của người dân thông qua Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Những hợp đồng chuyển nhượng này đều có xác nhận của lãnh đạo UBND thị trấn Trại Cau.

Cũng theo tìm hiểu của PV, những hộ dân đồng ý bán đất cho công ty này sẽ được trả trước 70% tổng giá trị hợp đồng, 30% giá trị còn lại thì chưa có thời gian hẹn trả cụ thể.

Điều đáng nói ở chỗ, hiện nay dự án này chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, chủ đầu tư chưa đủ điều kiện thu mua đất lúa, đất rừng từ người dân.

Khoảng 16 ha đất lúa và đất rừng của dân đã được chủ đầu tư thu mua (ảnh chụp trong khu vực thực hiện dự án)

Xác nhận thông tin này với PV báo TN&MT, ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, công ty Thiên Phúc đã thu mua được khoảng 16 ha đất gồm cả đất lúa và đất rừng của người dân. Hiện dự án này cũng chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khi chúng tôi phát hiện ra sự việc, lãnh đạo thị trấn đã yêu cầu công ty dừng việc thu mua để làm đúng theo các quy định của pháp luật”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao biết việc thu mua đất lúa, đất rừng là trái quy định nhưng chính ông Vũ Đăng Khoa lại kí xác nhận vào Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất giữa Công ty Thiên Phúc và người dân, ông Khoa giải thích: “Đấy chỉ là thỏa thuận dân sự chứ không phải hợp đồng gì cả. Mà nếu có thì đó cũng chỉ là hợp đồng dân sự chứ không phải hợp đồng chuyển nhượng đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành. Tôi kí xác nhận vào hợp đồng là xác nhận có sự thỏa thuận của công ty và người dân để sau này dự án được triển khai thì hai bên sẽ tiến hành mua bán chính thức. Đó không phải là xác nhận để hai bên mua bán đất đai”.

Trao đổi với PV Báo TN&MT, luật sư Nguyễn Văn Nghi (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Điểm a, khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2013 quy định, đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa với diện tích từ 10 ha trở lên thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, việc chủ đầu tư ồ ạt mua đất lúa trước khi Thủ tướng cho phép là trái quy định của pháp luật”.

Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho rằng hợp đồng này không phải hợp đồng mua bán đất

 Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cũng xác nhận thông tin này với PV khi cho biết: “Hiện dự án này đang làm thủ tục xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu Thủ tướng đồng ý thì dự án sẽ tiếp tục được triển khai, còn nếu Thủ tướng không đồng ý thì thôi và chủ đầu tư cũng xác định nếu Thủ tướng không đồng ý cho chuyển đổi thì số tiền mà họ ứng trước 70% để mua đất của người dân sẽ bị mất”.

Được biết, dự án này có mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng khu du lịch tâm linh kết hợp với các loại hình du lịch đặc trưng cơ bản là: lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, thăm quan, nghỉ dưỡng … nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tôn tạo, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên khu vực Đá Thiên, huyện Đồng Hỷ.

Tuy nhiên ghi nhận thực tế của PV tại khu vực thực hiện dự án thấy rằng, hầu hết đây là đất rừng trồng keo xen lẫn với đất trồng lúa của dân. Anh Trần Văn S. (một người dân ở Tổ 16, Thị trấn Trại Cau) nói: “Khu vực này chủ yếu là rừng keo và ruộng lúa của người dân chứ không có danh lam thắng cảnh, cũng không có di tích lịch sử nào nổi tiếng. Hơn nữa, giao thông và kinh tế khu vực này còn khó khăn, tôi không hiểu vì lý do gì người ta lại xin xây dựng cả một khu du lịch cả nghìn tỷ ở vùng xa xôi, hẻo lánh này?”.

Như vậy, chưa bàn tới tính khả thi của dự án này ra sao nhưng việc Công ty TNHH Xây dựng mỹ thuật Thiên Phúc mua đất lúa, đất rừng của người dân và được cả UBND Thị trấn Trại Cau xác nhận mua bán là không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ và UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra và làm rõ trách nhiệm của những bên có liên quan.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa Đá Thiên: Thu mua đất lúa trái pháp luật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO