(TN&MT) – Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn kêu cứu và tố cáo khẩn cấp của nhiều hộ dân ở tổ 2B Thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai tố cáo chính quyền nơi đây thu hồi đất của các hộ gia đình để giao cho Công ty CP Đầu tư VIDIFI Lào Cai xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa không đúng quy định của pháp luật.
Bà Hảo chỉ nơi mà chỉ cách đây vài năm, đó là đất của gia đình đã được cấp GCNQSDĐ nhưng nay đã bị chính quyền thu hồi giao cho tư nhân chia lô bán nền để phục vụ việc xây dựng Dự án chợ văn hóa và bến xe Sa Pa |
Mập mờ trong việc thu hồi đất
Theo phản ánh của các hộ dân, PV đã về địa phương để làm rõ những bức xúc chất chứa bấy lâu nay. Bà Phạm Thị Hảo, một trong nhiều người bị thu hồi đất bức xúc cho biết: Để phục vụ Dự án Chợ văn hóa và Bến xe khách Sapa, UBND huyện Sa Pa đã thu hồi hơn 15 nghìn m2 đất của gia đình. Thế nhưng gia đình không hề được thông báo hay tham gia gì trong quá trình thống kê đất và tài sản trên đất. Không những vậy, UBND huyện Sa pa còn liên tục ban hành các Quyết định thu hồi đất, hủy rồi lại thay thế bằng quyết định khác. Đáng nói hơn, có cả những diện tích đất không nằm trong quy hoạch của dự án nhưng vẫn bị thu hồi để giao cho doanh nghiệp phân lô, bán nền và cấp GCNQSDĐ cho người khác đã chồng lấn lên đất của gia đình đã được cấp sổ đỏ từ năm… 1990.
Theo điều tra của PV, ngày 11/9/2007, UBND huyện Sa Pa ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND thu hồi đất của gia đình bà Hảo với tổng diện tích là 15.797,6m2 đất bao gồm 10.743,3m2 đất nông nghiệp và 5.054,3m2 đất lâm nghiệp để xây dựng Chợ Văn hóa và bến xe khách Sa Pa. Sau 3 năm, ngày 28/1/2010, UBND huyện tiếp tục ban hành Quyết định số 20/QĐ-UBND thu hồi bổ sung của hộ bà Hảo thêm 375,39m2 đất nông nghiệp mà gia đình bà được cấp GCNQSDĐ.
Đến ngày 21/2/2012, UBND huyện Sa Pa lại ban hành Quyết định thu hồi đất số 271/QĐ-UBND (thay thế các quyết định thu hồi đất trước đây). Nhưng chỉ 8 tháng sau, ngày 02/10/2012 UBND huyện Sa Pa tiếp tục ban hành quyết định số 2061/QĐ-UBND hủy bỏ Quyết định số 271 đã ban hành trước đó.
Tiếp đến, ngày 11/10/2012 huyện Sa Pa ban hành Quyết định số 2178/QĐ-UBND thu hồi 10.914m2 đất tại tổ 3B, Thị trấn Sa Pa. Trong đó đất mặt nước nuôi trồng thủy sản là 242,6m2, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm vị trí 1 là 284,1m2 còn lại là đất trồng cây lâu năm vị trí 1 là 10.387,3m2.
Dự án chợ văn hóa và bến xe khách Sa Pa lấy hàng chục héc ta đất lâm nghiệp, nông nghiệp, đất vườn... của bà con và để lại không ít tiếng kêu than oán giận |
Theo phản ánh của bà Hảo, sau nhiều lần UBND huyện Sa Pa thay đổi Quyết định thu hồi đất của gia đình thì số diện tích giảm từ 15.797,6m2 xuống còn 10.914m2 và mặc dù thu hồi hơn chục nghìn m2 đất nhưng trong hồ sơ bồi thường của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) lại không có Biên bản thống kê đất và tài sản trên đất của gia đình. Đến năm 2011, Hội đồng bồi thường GPMB tiến hành thống tổ chức thống kê lại nhưng lúc này gia đình không đồng ý với cách làm như trên. Đến ngày 18/11/2011 thì chính quyền nơi đây thực hiện kiểm kê bắt buộc diện tích đất thu hồi nhưng gia đình bà Hảo kiên quyết không ký và không công nhận kết quả kiểm kê.
Bà Hảo còn cho biết, nếu thu hồi đất của gia đình để làm các công trình công cộng thì chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, tôi được biết phần đất thu hồi thêm của gia đình không nằm trong quy hoạch xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa nhưng vẫn bị thu hồi để giao cho doanh nghiệp phân lô, bán nền với giá hàng chục triệu đồng/m2. Trong khi đó, với mức giá đền bù rẻ mạt 25.000 nghìn đồng/m2 đối với đất của chúng tôi thì làm sao có sự đồng tình ủng hộ và bàn giao cho chính quyền địa phương được.
Đáp lại việc cương quyết không bàn giao đất không nằm trong quy hoạch dự án của gia đình bà Hảo, ngày 07/02/2013 UBND huyện Sa Pa ban hành Quyết định số 250/QĐ-UBND cưỡng chế diện tích đất trên và giao cho doanh nghiệp phân lô, bán nền để cấp GCNQSDĐ cho rất nhiều người chồng lên đất trước đó đã cấp GCNQSDĐ cho gia đình. Sự việc khiến gia đình vô cùng bức xúc bởi thiếu công bằng và làm đơn kêu cứu gửi đi khắp nơi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Trước sự việc trên, để có thông tin đa chiều, khách quan PV đã liên hệ làm việc với Chủ tịch thị trấn Sa Pa để làm rõ những phản ánh của người dân. Tuy nhiên, nhiều tuần trôi qua đến nay vẫn chưa thấy đơn vị này phản hồi lại.
Tiếp đó, PV đã liên hệ đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai để làm rõ những nội dung tố cáo của người dân. Tuy nhiên đến nay, Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai chỉ thông báo lãnh đạo đang bận và chưa thể làm việc để cung cấp thông tin.
Theo tìm hiểu của PV, Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2004. Năm 2005, dự án đầu tư xây dựng công trình hạ hầng và san tạo mặt bằng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Sau 03 lần điều chỉnh quy hoạch, bổ sung thì tổng mức đầu tư là 89,942 tỷ đồng (ban đầu là 76,729 tỷ đồng). Tổng diện tích đất quy hoạch là 63 ha. Nhà đầu tư của dự án là Công ty TNHH Cương Lĩnh, sau đó công ty Cương Lĩnh đã chuyển nhượng lại dự án cho Công ty cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai. Dự án này vấp phải rất nhiều phản ứng của người dân có đất bị thu hồi, trong đó có hàng loạt các sai phạm nghiệm trọng của Chủ đầu tư đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ như công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB, xây dựng dự án chậm tiến độ …
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.
Doãn Hưng – Vi Hải