Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn chậm thông xe, xin gia hạn tiến độ

Văn Dinh| 01/11/2022 16:47

Theo kế hoạch thì đến 31/10, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn nối Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế sẽ thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện một số hạng mục thi công chưa xong, chủ đầu tư đã xin gia hạn.

Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa phận tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có chiều dài xây dựng 98,3 km, điểm đầu tại Km 0 (Cam Lộ), trùng với Km 10+440 QL9, thuộc địa phận xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị). Điểm cuối Km 102+200 (La Sơn), trùng với Km 4 Tỉnh lộ 14B, trùng với điểm đầu dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan (thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Dự án bao gồm 11 gói thầu xây lắp, được khởi công từ tháng 9/2019.

z3708084374307_86194225b749c657f91846947dd6e102.jpg

Thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Theo kế hoạch, đến ngày 31/10/2022, cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay, theo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, mặc dù các nhà thầu, đơn vị thi công rất cố gắng thực hiện nhưng tiến độ chậm so với kế hoạch.

Nguyên nhân của việc này là do thời gian qua ảnh hưởng của hai cơn bão số 4, số 5 khiến khu vực tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế mưa rất nhiều, dẫn đến công tác triển khai hiện trường vẫn chưa đạt với yêu cầu của Chính phủ, Bộ GTVT. Bên cạnh đó, nhiều gói thầu thi công trước đó đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch, do thiếu vật liệu đắp nền, thời tiết khó khăn, cùng với năng lực của các nhà thầu…

Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thông tin, việc thi công tuyến tại địa phận tỉnh Quảng Trị thuận lợi hơn, hiện đã thi công hết phần bê tông C19, chỉ còn lại ít khối lượng C12.5. Tại Thừa Thiên - Huế chậm hơn do khối lượng gói thầu 5,6 thời gian đầu triển khai khan hiếm vật liệu; một phần gói thầu 8 ảnh hưởng đất nền yếu, công tác giải phóng mặt bằng chậm, thời gian thi công kéo dài.

“Đến nay, phần móng toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn lại gần 10 km bê tông nhựa. Với khối lượng còn lại, chỉ cần khoảng 1 tuần thời tiết thuận lợi thì sẽ hoàn thành tiến độ đề ra. Tuy vậy, với tình hình thực tế mùa này mưa bão nhiều, đơn vị đã báo cáo Bộ GTVT để xin điều chỉnh thời gian”, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nói.

z3708084664890_349afecf2e732dc5bc2a8c4a24120b95.jpg

Lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên có mặt ở hiện trường để đôn đốc tiến độ thi công cao tốc

Cụ thể, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến hết quý I/2023. Trong đó, thời gian hoàn thành tuyến chính đến ngày 30/11/2022; thời gian hoàn thiện nút giao, đường gom, đường ngang đến ngày 31/12/2022 và thời gian hoàn thành đường hoàn trả các đường công vụ mượn của địa phương đến 31/3/2023 (do công tác khảo sát, thiết kế và thi công triển khai sau khi tuyến chính hoàn thành).

Tháng 9 vừa qua, tại buổi làm việc với các địa phương liên quan và chủ đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, việc hoàn thành các dự án thành phần để nối thông suốt toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Để đáp ứng tiến độ công việc, yêu cầu các đơn vị, địa phương cần chủ động hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, triển khai dự án theo nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ GTVT thành lập tổ để rà soát hồ sơ, hướng dẫn thủ tục cho các nhà thầu.

“Các đơn vị thi công phải giữ lời hứa về chất lượng cũng như tiến độ xây dựng, phải chịu trách nhiệm trước dân, trước lãnh đạo Chính phủ với lời hứa của mình; giữ được thương hiệu xây dựng đường cao tốc về chất lượng và tiến độ”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn chậm thông xe, xin gia hạn tiến độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO