Hội thảo đã thu hút khoảng 150 đại biểu tham dự, gồm đại diện các tổ chức xã hội, các chủ rừng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các sở ngành liên quan. Mục tiêu của hội thảo là tạo diễn đàn cho cộng đồng và các tổ chức xã hội chia sẻ những mô hình, bài học tốt về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên. Khu vực có 09 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên còn khá hoang sơ nguyên vẹn. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực đang suy thoái và cạn kiệt bởi áp lực của sự phát triển. Độ che phủ rừng đang ở dưới ngưỡng cho phép về mặt sinh thái. Các loài động thực vật đã bị suy giảm về cả số lượng và chất lượng, nhiều loài động vật tuyệt chủng như Tê giác hay Sao La quá khó để ghi nhận tồn tại ngoài tự nhiên ở dãy rừng Trung Trường Sơn. Cân bằng giữa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế hướng đến sự phát triển kinh tế cần có chung tay của các bên tham gia bao gồm Nhà nước, Nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư là một trong những giải pháp quan trọng.
Đối với thành phố Đà Nẵng, trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đặt mục tiêu đến năm 2030 người dân Đà Nẵng sẽ được tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt an toàn, đặc biệt an toàn trước thiên tai; đảm bảo 100% nước thải nguy hại được xử lý, phấn đấu độ che phủ rừng đạt khoảng 45%. Trong các giải pháp thực hiện luôn phải chú trọng đến công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển-sông-núi và triển khai hiệu quả đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố vì môi trường”.
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng để phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên cần dựa trên ba yếu tố: Kinh tế, môi trường và xã hội. Đồng thời, nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc giám sát, quản lý và chia sẻ các giá trị tài nguyên thiên nhiên. Hội thảo cũng chia sẻ nhiều mô hình đồng quản lý đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học như: “Mô hình đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên xung quanh hồ Biwa của Nhật Bản”; “Mô hình đồng quản lý mặt nước tại hồ Lắk, tỉnh Đắk Lắk”; “Đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm”; “Mô hình , “Mô hình tổ lâm nghiệp cộng đồng nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại xã Đăk Rong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai”…
PGS.TS Yoshika Yamamoto (Nhật Bản) chia sẻ, hồ Biwa thuộc Vườn quốc gia Quasi có 216 loài động vật được bảo vệ theo theo các văn bản luật nhưng đây cũng là khu vực sinh sống thường ngày của người dân địa phương. Điều đó có nghĩa là khu vực này không quy hoạch nghiêm ngặt phân cách giữa con người và thiên nhiên. Người dân trong khu vực này phải suy nghĩ việc cùng tồn tại với hồ để đôi bên cùng có lợi, hợp tác với nhau để đồng quản lý khu vực hồ và danh thắng xung quanh.
“Chính quyền địa phương thường xuyên cung cấp các hoạt động giáo dục môi trường về hồ Biwa. Ngoài ra các kênh truyền hình cũng thường xuyên chia sẻ với người dân thông điệp về “Bảo vệ mẹ chúng ta, hồ Biwa”, khiến người dân được khuyến khích và tạo động lực để sống hài hòa với thiên nhiên. Đồng thời, chính quyền cũng có nhiều tổ chức phi lợi nhuận kêu gọi các hành động sống thân thiện với môi trường. Ý thức người dân nâng cao mang lại động lực cho việc đồng quản lý”- PGS.TS Yoshika Yamamoto cho biết.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cho rằng, phương thức đồng quản trị cần được áp dụng một cách sâu rộng từ việc xây dựng định ướng chiến lược, quy chế quản lý, cách thức tổ chức hoạt động, sự kiện cho đến các mô hình cụ thể với tôn chỉ “lôi kéo sự tham gia một cách có trách nhiệm của các bên liên quan để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên”. Từ chỗ người dân Cù Lao Chàm chỉ sống hầu như vào việc khai thác hải sản, củi rừng thì nay đã tự tổ chức quản lý, tuần tra, kiểm soát các phương tiện khai thác trái phép trong phạm vi tiêu khu và có sự phối hợp với khu bảo tồn và lực lượng biên phòng.
“Thứ nhất, cần xây dựng cơ sở khoa học và luận cứ của phương thức đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên; thứ hai xây dựng các mô hình điểm để đánh giá, làm cơ sở nhân rộng; thứ ba, truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng để họ tham gia một cách có trách nhiệm; thứ tư, cần phân tích kỹ vai trò, trách nhiệm và tính bình đẳng của các bên liên quan để đạt được sự hài hòa lợi ích… là những bài học từ mô hình “đồng quản lý” tại Cù Lao Chàm”- ông Lê Ngọc Thảo chia sẻ.