Hoàn thành chỉ tiêu
Để tiếp tục triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, trong năm 2019, tỉnh Đồng Nai đã tiếp tục triển khai thực hiện theo mục tiêu và lộ trình của “Dự án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3759 ngày 18/12/2009 và theo Kế hoạch bảo vệ môi trường 2019 tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, triển khai thực hiện Kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai là 100% các khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường; 100% KCN có nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế đạt 100%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, chất thải sinh hoạt đạt 100%. Tỉnh Đồng Nai còn phối hợp với các tỉnh giáp ranh thực hiện tốt bảo vệ môi trường tại các khu vực giáp ranh theo Quy chế liên tỉnh đã ký kết.
Đồng Nai đồng bộ giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai |
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường đô thị, triển khai thực hiện các dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, các dự án thoát nước và chống ngập úng, các dự án cấp nước trên địa bàn; tăng cường quản lý môi trường KCN, cụm công nghiệp, các cơ sở khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, các nguồn thải lớn; theo dõi quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, không khí, đất, nước dưới đất theo mạng lưới quan trắc môi trường đã được phê duyệt; phối hợp với các địa phương bảo vệ môi trường các khu vực giáp ranh; triển khai các dự án xử lý chất thải theo quy hoạch.
Thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2019, Sở TN&MT đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện 12 nhiệm vụ truyền thông môi trường. Theo đó, đã tổ chức các hoạt động hưởng các ngày kỷ niệm của ngành TN&MT, thu hút khoảng 1.400 người tham dự; tổ chức 8 buổi lễ phát động, thu hút hơn 6.200 lượt người tham dự; tổ chức 1.500 buổi tập huấn với khoảng 93.000 lượt người tham dự; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, Đài địa phương, Website của Sở TN&MT; trồng hơn 9.000 cây xanh; thu gom 250 tấn rác thải…
Tăng cường giám sát
Tỉnh Đồng Nai đã chủ động động triển khai các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2019. Trong đó, đối với TP. Biên Hòa, tỉnh đã thực hiện tiểu dự án “Trạm xử lý nước thải số 1, TP. Biên Hòa - giai đoạn 1, công suất 9.500m3/ngày” nhằm đảm bảo xử lý nước thải sinh hoạt với dân số phục vụ khoảng 75.000 người; thực hiện dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Biên Hòa - giai đoạn 1, ưu tiên gồm 9 phường của TP. Biên Hòa, công suất thiết kế 52.000m3/ngày. Hiện, dự án này đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Để tăng cường giám sát chất lượng môi trường nước mặt tại các sông, suối trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai đã đầu tư các trạm quan trắc tự động nước thải, nước mặt để cảnh bảo sớm ô nhiễm, gồm: 5 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, 25 trạm quan trắc nước thải tự động tại 25 KCN đã được lắp đầy trên 50% diện tích và có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành thường xuyên. Qua đó, giám sát liên tục (24/24 giờ) việc xả nước thải tại các KCN, nước thải được giám sát bằng thiết bị camera bên trong và ngoài nhà trạm; hệ thống điều khiển bơm thu mẫu tự động khi chất lượng nước thải vượt quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, định kỳ hàng tháng, Sở TN&MT Đồng Nai thực hiện quan trắc gián đoạn chất lượng nước thải tại 31 KCN. Qua đó, kịp thời phát hiện, thông báo chất lượng nước thải sau xử lý đến các Chủ đầu tư hạ tầng KCN để điều chỉnh quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải sao cho nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn quy định. Theo kết quả giám sát chất lượng nước thải năm 2019, cho thấy trong quý I/2019, 2 - 3 KCN có chất lượng nước thải chưa ổn định, có một vài thông số có hàm lượng vượt so với quy chuẩn môi trường cho phép, Sở TN&MT đã kịp thời có văn bản nhắc nhở, hướng dẫn các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN khắc phục.
Đến nay, các Công ty kinh doanh hạ tầng KCN đã nỗ lực trong việc cải tạo, khắc phục hệ thống cũng như giám sát chặt chẽ tình tình thu gom, đấu nối nước thải đầu vào của các cơ sở. Tính đến tháng 7/2019, 100% KCN có nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Riêng đối với hầu hết các Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Do vậy, nguồn vốn để thực hiện dự án không đủ để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Trên thực tế, các cơ sở đang hoạt động trong CCN đều là cơ sở vừa và nhỏ, nước thải phát sinh chủ yếu là nước thải sinh hoạt.
Kiểm tra đột xuất
Sở TN&MT Đồng Nai cho biết, công tác thanh, kiểm tra định kỳ, đã được thực hiện hoàn thành theo Kế hoạch. Trong đó, đã triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như phản ánh của người dân. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy phần lớn các doanh nghiệp cơ bản chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy vậy, trong năm 2018, đã phát hiện và xử lý 68 trường hợp có hành vi vi phạm bảo vệ môi trường với tổng số tiền xử phạt là trên 13,7 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2019, tỉnh Đồng Nai đã xử lý vi phạm 8 trường hợp với số tiền là trên 1,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện Kế hoạch “Điều tra nguồn thải các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2019”, nhưng do diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, do đó, các nhiệm vụ liên quan trên địa bàn tỉnh không thực hiện trong năm 2019. Mặt khác, để điều tra, thống kê các nguồn nước thải trên địa bàn, địa phương đã lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ hàng năm, xây dựng báo cáo chuyên đề môi trường năm 2019 và thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.
Trong năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chỉ đạo Sở TN&MT Đồng Nai tiếp tục tiến hành thống kê toàn bộ nguồn nước thải trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, rà soát, đánh giá, khoanh vùng các nguồn nước thải lớn, tiềm ẩn rủi ro gây ra sự cố môi trường và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải” trên phạm vi cả nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai tiếp tục triển khai thực hiện các dự án nhằm bảo vệ trữ lượng, chất lượng nguồn nước những sông, suối, hồ có tầm quan trọng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; xử lý, cải thiện chất lượng môi trường những nhánh sông, hồ, kênh, rạch bị ô nhiễm nặng; tiến hành nạo vét khơi dòng, kè bờ những đoạn sông, suối quan trọng, xung yếu; xây dựng các công trình giữ nước chống cạn kiệt, cân bằng nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai, bảo đảm trữ lượng và chất lượng nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện 12 nhóm dự án liên quan đến bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.
Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã luôn nhận được chỉ đạo sâu sát, hướng dẫn kịp thời của Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT, cụ thể là Cục Bảo vệ Môi trường Miền Nam - Tổng cục Môi trường. Đến nay, việc thường xuyên trao đổi giữa Cục Bảo vệ Môi trường Miền Nam và Sở TN&MT Đồng Nai đã có sự thống nhất về phương pháp xử lý những vụ việc thời sự, nổi cộm vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, nhờ đó, tỉnh Đồng Nai đã giải quyết hiệu quả được nhiều vụ việc nổi cộm.