(TN&MT) - Đồng Nai là một trong những địa phương tiên phong trong việc đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường tại các khu công nghiệp (KCN), đặc biệt là hệ thống quan trắc nước thải tự động nhằm kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường các KCN. Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ quan trọng này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Đức – Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai.
Ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai |
PV: Xin ông cho biết về tình hình quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các KCN?
Ông Đặng Minh Đức: Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo Sở TN&MT Đồng Nai phối hợp với các Sở, ban, ngành tăng cường giám sát việc tiếp nhận và xử lý nước thải của các KCN. Đến nay, nhờ có những giải pháp kịp thời, hiệu quả nên về cơ bản đã kiểm soát được chất lượng nước thải từ các KCN.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 KCN đã thành lập, trong đó 30 KCN đã đi vào hoạt động và 02 KCN chưa có dựa án đi vào hoạt động. Tại 30 KCN đi vào hoạt động, đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 100%, với tổng công suất thiết kế 139.070m3/ngày.đêm, thu gom xử lý cho hơn 1.000 cơ sở đang hoạt động.
Trong đó, 25/30 KCN đã có lượng nước thải ổn định, đủ điều kiện lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động. Tính đến đầu năm 2017, Đồng Nai có 19 KCN đã được đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, đã được bàn giao trạm quan trắc tự động và được tập huấn vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động.
Dự kiến trong năm 2017, Đồng Nai tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm 06 trạm quan trắc nước thải tự động cho 06 KCN có nước thải ổn định để vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, nâng tổng số 25/25 KCN đủ điều kiện đã được lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động.
Có thể nói, việc hình thành và phát triển nhanh các KCN, một mặt đã tạo ra động lực đáng kể để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhưng đồng thời dẫn đến gia tăng áp lực về bảo vệ môi trường nhất là phải thu gom, xử lý một lượng lớn nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất. Do đó, cần phải ưu tiên kiểm soát nước thải từ các KCN trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận.
Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng, để giám sát chất lượng nước thải của các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT Đồng Nai cũng đã phối hợp với Ban Quản lý các KCN và các đơn vị có liên quan thực hiện giám sát và thu mẫu nước thải sau xử lý của các KCN. Qua kết quả quan trắc trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy:
Hầu hết chất lượng nước thải sau xử lý của các KCN đều đạt quy chuẩn quy định. Tuy nhiên vẫn còn 2 - 3 KCN có chất lượng nước thải sau xử lý chưa ổn định, một số thông số chưa đạt yêu cầu, Sở TN&MT đã cảnh báo ngay và yêu cầu công ty hạ tầng nâng cấp hệ thống xử lý, đảm bảo theo quy định, kiểm soát tốt nước thải.
Ngoài ra, theo Biên bản ghi nhớ ngày 26/3/2013 giữa Ban Quản lý Dự án “Tăng cường thể chế và thực thi” - Bộ TN&MT và UBND tỉnh Đồng Nai, định kỳ hàng tháng, Sở TN&MT tiến hành đo đạc, thu mẫu nước thải tại các KCN theo Chương trình quan trắc nước thải các KCN trên lưu vực sông Đồng Nai để theo dõi chất lượng nước thải sau xử lý của các KCN.
Định kỳ hàng năm, Sở TN&MT còn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các công ty kinh doanh hạ tầng KCN, phối hợp với cơ quan liên quan: Bộ TN&MT, Ban Quản lý các KCN, UBND cấp huyện, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra, giám sát, kiểm soát ô nhiễm và giải quyết các đơn thư khiếu nại về công tác bảo vệ môi trường KCN.
Đồng Nai quan tâm đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động tại các KCN |
PV: Như vậy, việc đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các KCN đã mang lại hiệu quả đáng kể nào, thưa ông??
Ông Đặng Minh Đức: Theo kết quả giám sát, theo dõi dữ liệu quan trắc nước thải tự động tại các KCN truyền về Sở TN&MT Đồng Nai trong thời gian qua cho thấy, việc đầu tư và lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động tại các KCN đem lại hiệu quả thiết thực và giá trị rất cao, một mặt giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, theo dõi liên tục chất lượng nước thải sau xử lý của các KCN.
Mặt khác, đã giúp phát hiện kịp thời các sự cố để cảnh báo và cùng với công ty đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN kịp thời khắc phục đảm bảo chất lượng nước thải đạt quy chuẩn môi trường cho phép trước khi thoát thải ra nguồn tiếp nhận. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị quản lý hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh trong việc xử lý nước thải.
Trên thực tế, qua quá trình giám sát cũng ghi nhận được một số thời điểm chất lượng nước thải của một số công ty kinh doanh hạ tầng không đạt quy chuẩn cho phép, Sở TN&MT đã kịp thời cảnh báo để các doanh nghiệp kịp thời có biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã công khai thông tin về diễn biến chất lượng nước mặt của các trạm trên Trang thông tin điện tử của Sở.
Chú trọng quan trắc chất lượng nước mặt trên sông Đồng Nai Ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Theo Quyết định số 1034/QĐ-UBND ngày 07/4/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, mạng lưới quan trắc chất lượng nước sông Đồng Nai có 56 vị trí quan trắc nước mặt gián đoạn ở thượng nguồn, trung lưu và hạ lưu sông Đồng Nai. Ngoài ra, còn có 04 vị trí quan trắc nước mặt tự động. Trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới sẽ đầu tư bổ sung cho Đồng Nai 06 trạm quan trắc nước mặt tự động để tăng cường giám sát chất lượng nước mặt trên sông Đồng Nai. Định kỳ hàng tháng, Sở TN&MT Đồng Nai phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương thực hiện quan trắc chất lượng nước mặt sông Đồng Nai. Qua đó, kịp thời thông báo, cánh báo chất lượng nước đến các đơn vị cấp nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản trên sông Đồng Nai có giải pháp phù hợp, hạn chế thiệt hại do thay đổi chất lượng nước tác động đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, thông báo đến các địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các hệ thống thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt nhằm giảm thiểu ô nhiễm cho các sông suối nhỏ là chi lưu của sông Đồng Nai. |
PV: Xin ông cho biết các giải pháp, nhất là quan trắc nước thải tự động, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường tại các KCN?
Ông Đặng Minh Đức: Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường các KCN, trong thời gian tới, Sở TN&MT Đồng Nai tiếp tục thực hiện giải pháp quản lý và giải pháp kỹ thuật trong quá trình kiểm soát nước thải công nghiệp. Trong đó, ưu tiên kiểm soát tại nguồn, ứng dụng các thiết bị quan trắc nước thải tự động, tăng cường các biện pháp giám sát chất lượng nước thải sau xử lý của các KCN; phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các KCN trong việc theo dõi, giám sát việc vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN.
Cụ thể, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó ưu tiên bảo vệ môi trường lưu vực sông; kiểm soát nước thải trong quá trình sản xuất công nghiệp, qua đó nâng cao ý thức trong việc thu gom, xử lý nước thải của doanh nghiệp. Song song đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong KCN đến cộng đồng để cùng giám sát, phản ánh kịp thời đến cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục đầu tư, lắp đặt, vận hành các trạm quan trắc tự động nước thải tại các KCN, cảnh báo đến các công ty kinh doanh hạ tầng KCN để điều chỉnh, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn quy định; theo dõi, giám sát chặt chẽ kết quả xử lý nước thải tại các hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo 100% các KCN đang hoạt động có chất lượng nước thải sau xử lý luôn đạt quy chuẩn môi trường.
Tiếp tục giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 1.000m3/ngày.đêm khẩn trương thực hiện đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát. Sở cũng sẽ rà soát các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 200m3/ngày.đêm để có lộ trình đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động; tăng cường thanh, kiểm tra đối với các trường hợp tự xử lý nước thải theo giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, kịp thời chấn chỉnh các hành vi sai phạm.
Sở TN&MT Đồng Nai cũng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Bộ TN&MT sớm ban hành các quy định về yêu cầu cơ bản và đặc tính kỹ thuật đối với hệ thống quan trắc nước thải tự động. Trong đó, tập trung hướng dẫn các thông số quan trắc đặc thù, phù hợp với từng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hướng dẫn kỹ thuật kiểm định, kiểm chuẩn thiết bị quan trắc tự động nước thải.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tú (thực hiện)