Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước

Tường Tú| 01/12/2022 10:21

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT Đồng Nai đã và đang chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằn nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Đồng Nai.

Chú trọng bảo vệ, khai thác

UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 2100 ngày 6/8/2012 về việc phê duyệt “Quy hoạch Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đồng Nai đến năm 2020. Đối với Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1016/QĐ-TTg ngày 14/7/2020 về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, việc quy hoạch tài nguyên nước được cụ thể bằng “Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra”. Hiện, nhiệm vụ này đang được Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT và đơn vị tư vấn thực hiện.

5-2-.jpg

Đồng Nai chú trọng quan trắc nước mặt trên sông nhằm theo dõi, đánh giá nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã phối hợp với Liên đoàn Điều tra, Quy hoạch Tài nguyên nước miền Nam thực hiện nhiệm vụ “Lập quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” theo Quyết định số 4586 ngày 25/12/2018 của UBND tỉnh trong năm 2019 - 2020; được UBND tỉnh có Quyết định số 735 ngày 8/3/2021 về việc phê duyệt kết quả và kinh phí thực hiện Dự án “Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ. Hiện tại, Sở TN&MT đang trình UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Sở TN&MT Đồng Nai còn phối hợp thực hiện nhiệm vụ Lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đến ngày 26/01/2022, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục có Quyết định số 297 về việc phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất và Bản đồ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 298 về việc phê duyệt Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến UBND các huyện, TP. Long Khánh và Biên Hòa.

Cùng với đó, Sở TN&MT Đồng Nai đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 11919 ngày 30/9/2021 về việc thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh tại Văn bản số 3676 ngày 18/4/2022, Sở TN&MT hiện đang phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện đề cương nhiệm vụ “Kiểm kê và đánh giá tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” và sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 12/2022.

Ưu tiên sử dụng nước mặt

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang triển khai thực hiện việc ưu tiên sử dụng nước mặt và hạn chế khai thác nước dưới đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai và quy định của Luật Tài nguyên nước nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, ngăn ngừa nguy cơ sụt, lún đất, xâm nhập mặn và các hệ lụy khác có liên quan khi khai thác nước dưới đất quá nhiều. Tuy nhiên, việc chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị cấp nước đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước sạch chưa phát huy kết quả, dẫn đến việc thực hiện chủ trương hạn chế khai thác nước dưới đất còn gặp nhiều khó khăn và chưa đồng bộ.

5-1-.jpg

Sở TN&MT Đồng Nai có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh

Sở TN&MT Đồng Nai cho rằng, quá trình tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác nước dưới đất phụ thuộc vào khả năng xác nhận cấp nước của đơn vị cấp nước. Theo quy định tại Điều 39 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, đơn vị cấp nước phải thiết lập các điểm đấu nối vào mạng lưới cấp nước cho mỗi khách hàng sử dụng nước; các điểm đấu nối phải đặt ngay sát chỉ giới sử dụng đất hoặc chân tường rào công trình của khách hàng sử dụng nước...

Thực tế cho thấy, văn bản xác nhận cấp nước của đơn vị cấp nước thì xác nhận có khả năng cung cấp nước nhưng tuyến ống cấp nước chưa được đầu tư đến đơn vị sử dụng. Việc đầu tư chi phí tuyến ống cấp nước chưa được các đơn vị cấp nước xác định cụ thể trong phạm vi nào thì của đơn vị cấp nước, trong phạm vị nào thì trách nhiệm đầu tư tuyến ống cấp nước do đơn vị sử dụng phải đầu tư, dẫn đến quá trình tham mưu cấp giấy phép tài nguyên nước còn nhiều bị động gây ảnh hưởng đến việc chấp hành các quy định về pháp luật tài nguyên nước của đơn vị sử dụng nước.

Theo Sở TN&MT Đồng Nai, mạng lưới quan trắc nước mặt trên địa bàn tỉnh hiện có 8 vị trí quan trắc để theo dõi và đánh giá nguồn nước cung cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất công nghiệp. Hiện tại, chất lượng nước được quan trắc tại các vị trí cấp nước đều đạt chất lượng, chỉ một số thời điểm cần có biện pháp xử lý đối với nhóm thông số vi sinh không đạt quy chuẩn cho phép, trừ sông Đồng Môn. Chất lượng nước khu vực cấp nước trong năm nay tương đương so với năm trước.

Đảm bảo cung cấp nước sạch

Được biết, các địa phương trong tỉnh như: Định Quán, Vĩnh Cửu, Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch hiện có nguồn nước mặt sông Đồng Nai nên việc khai thác, xử lý và sử dụng nước mặt gặp nhiều thuận lợi. Đối với các huyện có nhiều hồ chứa thủy lợi được các địa phương khai thác, xử lý và sử dụng nước mặt từ các hồ chứa thủy lợi. Đối với các địa phương không có nhiều hồ chứa thủy lợi, vào mùa khô gặp nhiều khó khăn cho việc cấp nước sạch cho người dân và tưới tiêu cho nông nghiệp.

Hiện tại, Sở TN&MT Đồng Nai đang tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Đề cương dự án “Kiểm kê và đánh giá tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” và thực hiện lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan và chuyên gia để hoàn thiện Đề cương dự án, trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Đồng thời, Sở TN&MT tiếp tục theo dõi việc thực hiện Quyết định số 297 ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất và Bản đồ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất... trên địa bàn tỉnh.

Theo kết quả quan trắc, chất lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đã có sự suy giảm về mực nước và chất lượng nước không ổn định, hạ thấp vào mùa khô và thường có độ pH, chỉ tiêu kim loại không đạt chuẩn. Mỗi hộ gia đình tùy theo điều kiện kinh tế, trang bị hệ thống lắng lọc để xử lý nước bằng nhiều cách khác nhau nhưng đa phần sử dụng trực tiếp không qua xử lý. Song, việc bố trí nguồn cung cấp nước sạch và biện pháp hỗ trợ kỹ thuật xử lý nước hộ gia đình chưa được triển khai đồng bộ.

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho hay: Hiện tại, tình hình cung cấp nước sạch tại địa phương ổn định và được các đơn vị cấp nước tập trung thực hiện, đáp ứng được cho các đô thị, khu dân cư tập trung và các khu công nghiệp. Tại các khu vực gần nguồn nước mặt sông Đồng Nai, các hồ thủy lợi được các đơn vị cấp nước sử dụng nước mặt từ các nguồn này. Tại các khu vực không thuận lợi với nguồn nước mặt trên được các đơn vị cấp nước khai thác, xử lý nước dưới đất để cung cấp nước sạch.

Qua công tác kiểm tra, cấp phép khai thác sử dụng nước mặt và nước dưới đất tại các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh cho thấy, các đơn vị cấp nước mặt khi lựa chọn nguồn nước cấp được lấy từ nguồn nước mặt chưa chủ động có nguồn nước thay thế khi nguồn nước mặt đang khai thác có sự cố... Hiện nay, Đồng Nai đã và đang có nhiều các giải pháp và chỉ đạo chặt chẽ để nâng cao hiệu quả quản lý đối với các đơn vị cấp nước, đảm bảo tính an toàn và ổn định trong việc cấp nước sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO