Động lực mới, cơ hội, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan
(TN&MT) - Sáng 15/8, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA, Tạp chí Thương gia đã tổ chức Hội thảo “Động lực mới, cơ hội, thách thức từ Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan”.
Sự kiện có sự góp mặt của hơn 250 khách mời là đại diện các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước, lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản và nhiều định chế tài chính như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Tổng biên tập Tạp chí Thương gia cho biết, Luật đất đai 2024 đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn thể nhân dân, của các cấp, các ngành, địa phương và đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi lẽ, dưới phạm vi của các nhà hoạch định chính sách, Luật Đất đai liên quan trực tiếp đến 22 Bộ luật, luật khác. Hay có thể nói rằng, đây là bộ luật lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội cũng như quyền lợi của doanh nghiệp, người dân…
Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và có hiệu lực đồng thời từ 1/8/2024 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hơn thế, luật khi đi vào thực tế được kỳ vọng tác động tích cực, tạo “cú hích” thúc đẩy sự hồi phục của thị trường và tạo nền tảng pháp lý để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để các đạo luật quan trọng này sớm đi vào cuộc sống và được thực thi một cách hiệu quả thì yêu cầu quan trọng nhất là các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn dưới luật phải bảo đảm đầy đủ, chất lượng, chi tiết, cụ thể tránh tình trạng chồng chéo, vận dụng sai luật.
Vì thế, bà Nguyễn Thuỳ Dương đánh giá cao sự có mặt đông đủ của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng như giới truyền thông có mặt tại hội thảo. Đồng thời, kỳ vọng hội thảo sẽ đem lại một phần kết quả, những tri thức hữu ích cho tất cả những ai quan tâm đến việc đưa Luật Đất đai vào thực tế.
Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung phân tích, làm rõ những điểm mới nổi bật của Luật Đất đai 2024 và nhận diện khó khăn, áp lực phải đối mặt, đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm nắm bắt cơ hội, tháo gỡ các vướng mắc, khơi thông thị trường bất động sản trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Nhìn chung, theo các diễn giả, Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Song, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến số bất định, còn nội tại nền kinh tế cũng đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, để tháo gỡ được hết các vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương...