Tài nguyên nước

Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Đưa nước sạch về bản, ổn định dân cư vùng sạt lở

Việt Anh 26/08/2024 - 18:35

(TN&MT) - Những năm qua, bên cạnh việc triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ cấp nước sạch giúp nâng cao đời sống cho bà con, huyện Đồng Hỷ luôn quan tâm quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư, phòng ngừa thiệt hại do sạt lở, lũ quét. Từ đó góp phần giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Chỉ cách thành phố Thái Nguyên khoảng 23 km về phía Đông Bắc nhưng Đồng Hỷ là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, điều kiện tự nhiên không thuận lợi với trên 50% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu…

Huyện Đồng Hỷ có 1.341 hộ nghèo (chiếm 5,5%) và 1.084 hộ cận nghèo (chiếm 4,45%), tập trung ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Văn Lăng là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện (30,93%).

Nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển của Đồng Hỷ so với toàn tỉnh, nhiều năm qua, huyện đã thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, giảm nghèo bền vững.

Đưa nước về bản

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, đến nay, huyện Đồng Hỷ đã đầu tư, cải tạo 5 công trình nước sinh hoạt tập trung cho hằng trăm hộ dân người dân tộc thiểu số được hưởng lợi.

Cụ thể, huyện đã đầu tư nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở các xóm: Tân Sơn (kinh phí trên 1,8 tỷ đồng), xóm Dạt (kinh phí gần 1,1 tỷ đồng), xóm Liên Phương, xã Văng Lăng (kinh phí 300 triệu đồng); xóm Bãi Vàng, xã Hợp Tiến (xấp xỉ 1,7 tỷ đồng) và xóm Viến Ván, xã Quang Sơn (kinh phí 350 triệu đồng).

Ngoài ra, huyện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 413 hộ người dân tộc thiểu số với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng.

z4588436828084_8349aa2fc75f75a1b21a26b53aeff7a0.jpg
Đầu tư nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt, đưa nước sạch đến bà con nghèo huyện Đồng Hỷ

Xóm Bãi Vàng (xã Hợp Tiến) có 122 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu, trong đó 50% là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khoảng 20%. Năm 2023, công trình nước sạch mới được xây dựng, đưa dòng nước mát lành đến với từng hộ dân.

Tại xóm Tân Sơn, xã Văn Lăng, việc thiếu nước sinh hoạt trước đây đã tác động không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều năm trước, người dân trong xóm chỉ có nước mưa hoặc nước chảy từ khe núi mà chưa có công trình bể chứa hợp vệ sinh. Dựa vào các chính sách hỗ trợ, giờ đây bà con ở Tân Sơn đã có thể sử dụng nguồn nước sạch, dồi dào, giúp mọi việc sinh hoạt dễ dàng hơn, cải thiện đời sống về mọi mặt.

Ổn định dân cư vùng có nguy cơ sạt lở

Cùng với việc đưa nước sạch đến bà con dân nghèo, an cư lạc nghiệp là một trong những mục tiêu mà huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã thực hiện tốt thời gian qua, góp phần tạo điều kiện cho bà con vùng dân tộc thiểu số yên tâm phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

An cư lạc nghiệp để bà con có thể yên tâm phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được huyện Đồng Hỷ đặt ra bởi nơi đây do địa hình và điều kiện thời tiết không thuận lợi, không ít bà con dân tộc thiểu số phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất gây thiệt hại về người và vật chất.

tai-dinh-cu.jpg
Xây dựng Khu tái định cư cho dân nghèo

Chính vì vậy, huyện đã được Nhà nước đầu tư Khu tái định cư Tam Va, xã Văn Lăng, di chuyển 60 hộ đồng bào dân tộc Mông ở xóm Mỏ Nước đến sinh sống. Đến nay, các hộ đều đã ổn định một phần cuộc sống, có điều kiện phát triển kinh tế, được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn.

Sau thành công của Khu tái định cư Tam Va, huyện tiếp tục được đầu tư 2 khu tái định cư tại xã Văn Lăng là xóm Bản Tèn (30 hộ) và xóm Liên Phương (35 hộ).

Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ, cho biết đây là những hộ người dân tộc Mông sống trên núi cao, cách xa trung tâm xã từ 15 đến 20km. Nhiều hộ không có đất ở, phải làm nhà bên cạnh khe suối, chân núi đá nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra sạt lở, lũ quét. Ngoài ra, các hộ sống phân tán, cách xa trung tâm xóm, trường học nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học, đưa điện đến với tất cả bà con. Vì vậy, việc đầu tư các khu tái định cư là rất thiết thực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư, lạc nghiệp, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Rõ ràng, các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo "sức bật" để đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vươn lên có cuộc sống ấm no. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Đồng Hỷ giảm còn 3,48%.

Thời gian tới, huyện Đồng Hỷ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng cường công tác y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Đưa nước sạch về bản, ổn định dân cư vùng sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO