Hiện nay đang là thời điểm của mùa khô, nhưng tình trạng sạt lở, sụt lún đất đang diễn ra ở hầu khắc các địa phương vùng ĐBSCL |
Gia tăng các yếu tố cực đoan
PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ nhận định, BĐKH đang gia tăng tại vùng ĐBSCL kèm theo đó là những biểu hiện của các yếu tố cực đoan như: nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra thường xuyên hơn gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Tại TP. Cần Thơ, trong vài năm trở lại đây, triều cường dâng cao làm cho nhiều khu vực trên địa bàn thành phố bị ngập nặng, Trong đó, tập trung tại khu vực quận Ninh Kiều, Bình Thủy bị ngập nặng nhất. Không chỉ thế, vào giữa tháng 02/2020, hạn mặn đã xâm nhập đến địa bàn quận Cái Răng, với độ mặn đo được 3,1‰, cao nhất từ trước tới nay.
TP. Cần Thơ cũng đang đối diện với nhiều thách thức từ sạt lở, giông lốc gây thiệt hại lớn về sinh mạng và tài sản. Thống kê của các ngành chức năng TP. Cần Thơ, từ 2011 đến năm 2019, thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố đã làm 59 người chết, 21 người bị thương; gần 2.000 căn nhà bị sập, tốc mái, xiêu vẹo; hơn 6,7km đường giao thông bị sạt lở.
Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển nên phải chịu tác động nặng nề nhất từ BĐKH so với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Vào mùa khô năm 2015-2016, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã gây thiệt hại hơn 64.000 ha lúa; 9.800 con gia súc, gia cầm bị chết; 94 tuyến công trình xảy ra sạt lở, sụt lún; khoảng 9.900 hộ dân thiếu nước sạch sử dụng. Tổng thiệt hại khoảng 1.500 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tính từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù mới bước vào thời gian đỉnh điểm của mùa khô. Tuy nhiên, hạn, mặn đã gây thiệt hại cho tỉnh Cà Mau là hơn 18.000 ha lúa, 3,6 ha rau màu, hơn 20.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, đã xảy ra 912 điểm sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài 22km.
Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ năm 2018 đến nay trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra các hiện tượng cực đoan của BĐKH như giông lốc, sạt lở. Điều đáng lưu ý là, mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra năm sau cao hơn năm trước và diễn biến phức tạp, khó lường gây không ít khó khăn cho công tác ứng phó của cơ quan chức năng.
Ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang thông tin: “Trong năm 2019, giông lốc làm sập, tốc mái gần 220 căn nhà của người dân; sạt lở bờ sông xảy ra 46 điểm, tăng 26 điểm so với năm 2018, làm mất trên 5.600m2 đất và nhiều cây cối, hoa màu. Từ cuối năm 2019 đến nay, dù đang là thời điểm của mùa khô, nhưng tình trạng sạt lở đất bờ sông vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là ở địa bàn huyện Châu Thành”.
Do ảnh hưởng của triều cường, trong thời gian qua nhiều tuyến đường khu vực nội thị TP. Cần Thơ bị gập lụt |
Nguồn nước ngày càng suy kiệt
Theo kết quả quan trắc của các ngành chức năng ở một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL mới đây cho thấy, nguồn nước mặt, nước ngầm đang bị cạn kiệt và ô nhiễm do những tác động của BĐKH và hoạt động khai thác nước tự phát, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xả thải của công ty, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung dọc theo các tuyến sông.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác BĐKH TP. Cần Thơ cho biết, việc đẩy mạnh các hình thức thâm canh tăng vụ trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản khiến nguồn nước bị nhiễm dư lượng các loại nông dược, thuốc trừ sâu, các chất hữu cơ chưa phân hủy. Ngoài ra, tập quán cất nhà, họp chợ, chăn nuôi ngay bên các sông, kênh, rạch làm cho chất lượng nước ngày một suy thoái tới mức báo động.
Còn ông Lý Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường - Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết, từ năm 2018 đến nay, qua kết quả phân tích chất lượng nguồn nước mặt ở một số tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang như: kênh Xáng Xà No, sông Lái Hiếu, sông Cái Côn cho thấy nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh do tác động từ nước thải, chất thải.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường nước mặt trên địa bàn TP. Cần Thơ năm 2019 cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt ở một vài vị trí quan trắc có nồng độ chất ô nhiễm vượt giới hạn quy định. Nhiều tuyến sông, hồ, kênh, rạch tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy đã chuyển sang màu đen và có mùi hôi, còn những quận, huyện vùng ven tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt cũng đang xảy ra.
Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho hay, Thành phố đã triển khai nhiều dự án, chương trình nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những thách thức trong công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã và đang tiếp tục gây sức ép lớn đối với công tác bảo vệ môi trường nước.
Đối với nguồn nước ngầm ở vùng ĐBSCL cũng đang cạn kiệt và ô nhiễm vì trong những năm gần đây người dân, doanh nghiệp ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau đã khoan tổng cộng hơn 291.000 giếng để lấy nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Do có nhiều hộ dân, doanh nghiệp sử dụng nguồn nước ngầm nên mực nước dưới đất ở các địa phương này đang bị hạ thấp theo từng năm.
Để thích nghi với BĐKH, khó khăn về nguồn nước, nhiều người dân vùng ĐBSCl đã chuyển sang dưa hấu, bắp, cà… trên diện tích đất chuyên trồng lúa. |
Những giải pháp ứng phó
Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, trong thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm nhẹ và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở những khu vực trọng điểm; khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm; kiểm soát và xử lý chất thải ở các kênh, rạch; chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bên cạnh đó, giám sát các vấn đề ô nhiễm mang tính liên vùng, liên tỉnh hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.
Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, để ứng phó hiệu quả với BĐKH, nguồn nước suy kiệt, các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ chất lượng nước mặt, nước ngầm như: không sử dụng, lạm dụng nông dược bừa bãi; không vứt rác, xả rác thải, chất thải và xác gia súc, gia cầm xuống các nguồn nước. Ngoài ra, hạn chế việc khoan rút nước ngầm.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn cũng mong muốn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tập trung kinh phí hoặc vốn dự phòng của công tác phòng chống thiên tai để làm vùng trữ nước trong nội đồng, mương vườn; không nên vì những khó khăn hiện nay mà đầu tư xây dựng những công trình lớn vừa lãng phí, kém hiệu quả mà còn gây tác hại đến môi trường, tính đa dạng sinh học. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm và mạng lưới thông tin đến cộng đồng để chủ động thích ứng với tự nhiên.
Đối với công tác phòng chống sạt lở, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL đưa ra giải pháp: “Các ngành chức năng của Trung ương và của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sớm khảo sát lập bản đồ những nơi có nguy cơ sạt lở cao để di dời người dân và không xây dựng công trình, nhà cửa gần bờ sông; đồng thời, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát sông trên toàn tuyến sông Hậu, sông Tiền”.
Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, qua mùa khô 2019-2020, các tỉnh ven biển sẽ biết được vùng nào thiếu nhiều nước thì những vùng đó mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mùa vụ, còn những tỉnh nào có lợi thế trữ nước được thì trữ nước lại. Tuy nhiên, để làm được việc này phải có sự chỉ đạo của Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương có liên quan để quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách tối ưu nhất.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: "Các yếu tố cực đoan của BĐKH đã làm gia tăng, tạo áp lực lớn đến vựa lúa của vùng ĐBSCL. Nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp nói chung, bảo vệ diện tích lúa nói riêng, trong những năm qua, các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng, phát triển diện tích đất lúa theo hướng tập trung quy mô lớn như ở An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp,… để vừa nâng cao giá trị sản phẩm, vừa phù hợp với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên ở mỗi địa phương.
Cùng với đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nhất là ở ven biển đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác, đưa các giống lúa chịu phèn, chịu mặn, chịu ngập vào sản xuất. Đồng thời, để thích nghi với những bất lợi của thời tiết, nông dân ở một số địa phương như: Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau cũng đã thay đổi tập quán sản xuất, chuyển sang trồng lúa - khoai - bắp; lúa - tôm tại một số khu vực chuyên trồng lúa 03 vụ. Từ các mô hình sản xuất này, đã giúp người nông dân xác định được những ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp, bố trí thời vụ, cây trồng hợp lý để thích nghi với BĐKH".