(TN&MT) - Vấn đề này tiếp tục được đưa ra luận bàn tại cuộc tọa đàm báo chí do Tổ chức Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức vào ngày 8/8/2014, tại Cần Thơ.
“Xả nước tại các cửa đập Tam Hiệp (Trung Quốc) trên thượng nguồn Mê Kông” (Ảnh: TL)
Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mê Công chảy dài 4.000km qua 6 quốc gia và cuối cùng chảy vào vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn của Việt Nam. Lưu vực sông Mê Kông là một hệ sinh thái lớn, là huyết mạch, nền tảng văn hóa và nguồn sống cho hơn 60 triệu người dân các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Chỉ tính riêng về thủy sản, sông Mê Công mang lại giá trị đánh bắt ước tính lên đến 2 tỉ USD mỗi năm và là dòng sông cung cấp thủy sản nội địa lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, lưu vực sông Mê Công hiện đang đứng trước những thách thức to lớn. Tính toàn vẹn của hệ tự nhiên rất quan trọng này đang bị đe dọa bởi các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cả do các hoạt động phát triển của con người. Dân số tăng, quá trình đô thị hóa đang nhanh chóng dọc theo dòng sông, nhu cầu năng lượng bùng phát, cuộc chạy đua thâm canh nông nghiệp ở các quốc gia trong lưu vực đã dẫn đến bùng nổ nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất và phát triể năng lượng.
Ở phần thượng Mê Công, Trung Quốc đã và đang xây nhiều đập thủy điện rất lớn, đe dọa thay đổi chế độ dòng chảy, cản trở sự lưu thông của phù sa và dinh dưỡng xuống hạ nguồn. Ngay tại hạ lưu vực, trong cùng một thời điểm, hơn 140 đập thủy điện đang được lên kế hoạch hoặc đã được xây dựng, trong đó có 11 đập dòng chính còn lại là trên các chỉ lưu chính của Mê Công. Hoạt động phát triển này sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn, làm biến đổi hệ sinh thái và đe dọa đời sống của hàng triệu người dân đang phụ thuộc vào dòng sông. Nằm ở hạ nguồn, ĐBSCL của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Lặn đất mùa lũ (Ảnh: L.H.Vũ)
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết: Hiện tại trên đất Trung Hoa đã hoàn thành một nửa quy hoạch của 8 điểm ngăn dòng làm thủy điện mà họ toan tính đế năm 2020. Mới vài năm gần đây, một số quốc gia có kế hoạch tiếp tục thực thi 12 đập thủy điện trên dòng chính. Nếu cả 12 dự án này được triển khai thì 55% tổng chiều dài của sông sẽ biến thành các hồ chứa nước. “Vùng hạ lưu đặc biệt là Việt Nam sẽ chịu hiểm họa về môi trườg, cộng với tác động của BĐKH, nước biển sẽ dâng, thì phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp vùng ĐBSCL bị nhiễm mặn các hệ sinh thái đất ngập nước bị đảo chiều. Nhiều cư dân sẽ bị mất đất sản xuất và phải di dời” - ông Việt nói.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của việc khai thác tài nguyên nước dòng Mê Công của các quốc gia thượng nguồn, Ủy hội sông Mê Công, cảnh báo: Cả vùng nước ngọt và nước mặn sẽ biến thể, tác động đến nguồn sinh kế của hơn khoảng 30 triệu người dân, sản lượng lương thực suy giảm và nhiều loài sinh vật đặc hữu sẽ tuyệt chủng. Đây là vấn đề các nước trong lưu vực sông Mê Công cần phải xem xét để quyết định phát triển toàn diện vùng hạ lưu nhằm cải thiện cuộc sống nhân dân trong vùng; các quốc gia tiếp tục hợp tác với nhau hiện thực hóa tầm nhìn về một lưu vực sông Mê Công thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và bền vững về môi trường.
Những con số đã được công bố từ các hội thảo khoa học về vấn đề sông Mê Công, cho biết: hơn 50% lượng phù sa di chuyển vào sông Mê Công bắt nguồn từ lãnh thổ Trung Quốc. Với sự hiện diện các đập thủy điện của Trung Quốc phía thượng nguồn, có khoảng 50% lượng phù sa bị giữ lại và nếu các con đập phía hạ lưu sông Mê Công được xây dựng thì sẽ có thêm khoảng 25% lượng phù sa nữa bị ngăn lại và lượng phù sa vào vùng châu thổ Cửu Long sẽ chỉ còn 25%. Dưỡng chất nguồn nước phù sa thiên nhiên ban tặng cho vùng châu thổ Cửu Long sẽ bị “chặn” mất 3/4. |
Hùng Minh