Đồng bằng sông Cửu Long: Chuyển biến tích cực sau Nghị quyết “vàng”

Hùng Lê - Bạch Thanh| 11/03/2021 10:37

(TN&MT) - Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Tập trung đầu tư cho các dự án

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, tỉnh Hậu Giang đã tập trung nguồn lực xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn. Đồng thời, đã chú trọng đầu tư trọng điểm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các vùng nguyên liệu và đầu tư hạ tầng hỗ trợ, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo đúng định hướng thủy sản - trái cây - lúa gạo.

“Bên cạnh đó, một số đề án, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng đã góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thích ứng BĐKH như Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã chuyển đổi gần 2.000 ha đất vườn tạp, đất mía kém hiệu quả và lúa 3 vụ sang trồng cây ăn quả, rau màu, nuôi thủy sản” - ông Tuyên chia sẻ.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, ông Ngô Thái Chân - Giám đốc Sở TN&MT Sóc Trăng thông tin, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh  đã chỉ đạo huy động sự tham gia của các cấp, các ngành phổ biến sâu rộng trong cộng đồng dân cư về tình hình BĐKH; triển khai đánh giá khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, đề xuất giải pháp duy trì hợp lý và bền vững quỹ đất cho nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, bảo tồn tài nguyên, thiên nhiên trong điều kiện BĐKH.

Đồng thời, tập trung xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm là: thủy sản - cây ăn quả - lúa dựa trên các vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ, nước mặn; đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tại TP. Cần Thơ, trong thời gian qua, các Sở, ngành của thành phố tập trung triển khai rà soát quy hoạch đô thị, cập nhật định hướng phát triển chung về kinh tế -  xã hội và các tác động của môi trường, BĐKH; lập và phê duyệt các quy hoạch xử lý chất thải rắn, thoát nước, cấp nước. Đồng thời, tập trung đầu tư nguồn lực cho các dự án ứng phó với BĐKH thuộc các lĩnh vực ngành nông nghiệp, thủy lợi, đô thị, tăng cường khả năng thích ứng đô thị, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt nội ô thành phố cũng như đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng, nâng cao hiệu quả quản lý và chủ động ứng phó với BĐKH.

Diện mạo vùng ĐBSCL đã có nhiều khởi sắc sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP

Huy động sức mạnh của cộng đồng

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai kế hoạch, Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn mặn và kế hoạch phòng, chống thiên tai phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

Tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ đổi mới để thực hiện hiệu quả hơn công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và hình thành ý thức chủ động trong công tác ứng phó với BĐKH của các cấp chính quyền, cộng đồng; triển khai kịp thời việc đánh giá, phổ biến nhân rộng các mô hình, sáng kiến hiệu quả về thích ứng với BĐKH; ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ 4.0; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH.

Theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, nhằm ứng phó với các tác động từ BĐKH, giúp TP. Cần Thơ phát triển bền vững thích ứng với BĐKH trong thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành tổ chức rà soát các quy hoạch, lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều dự án có quy mô lớn áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao thích ứng với BĐKH; hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng ĐBSCL để phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người về tác động của BĐKH đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; huy động tốt hơn nữa sự tham gia của cộng đồng cho công tác ứng phó BĐKH trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre:

Phân vùng chức năng đới bờ góp phần cho Bến Tre phát triển

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 120/NQ-CP, UBND tỉnh Bến Tre đã tiến hành lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết vào Kế hoạch ứng phó BĐKH tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020; đồng thời, trình Bộ TN&MT Danh mục dự án ưu tiên thực hiện Nghị Quyết số 120/NQ-CP trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bến Tre đã tiến hành xây dựng 20 trạm quan trắc trên các nhánh sông chính của tỉnh và nhà điều hành xử lý, truyền thông tin độ mặn kịp thời đến người dân; thành lập thí điểm Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức du lịch sinh thái đồng bằng sông Mê Công; xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến 2050 và đánh giá khí hậu.

HĐND tỉnh cũng đã ban hành quy định về chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Với mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Bến Tre đã ưu tiên bố trí đất, giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm ứng phó BĐKH như quản lý nguồn nước tỉnh Bến Tre; quy hoạch bố trí đất cho các vùng phát triển năng lượng tái tạo gồm điện gió, năng lượng mặt trời tại 3 huyện vùng ven biển của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh còn “Thực hiện phân vùng chức năng đới bờ tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Qua đó, xác định 10 tiểu vùng ưu tiên phát triển bao gồm năng lượng sạch, cảng, đô thị, du lịch, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, diêm nghiệp và vùng phát triển đa mục tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Chuyển biến tích cực sau Nghị quyết “vàng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO