Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn mực nước biển 0,8m?

Tuyết Chinh| 12/09/2019 10:44

(TN&MT) - Trước thông tin về nghiên cứu mới nhất của nhóm chuyên gia Đại học Utrecht (Hà Lan) trên Tạp chí khoa học Nature Communications, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được trích dẫn (2,6m) trước đó. Để làm rõ thông tin này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ với bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) - cơ quan xây dựng Kịch bản biến đ

Theo Phó Viện trưởng Huỳnh Thị Lan Hương, tại Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ TN&MT công bố năm 2016, số liệu địa hình được sử dụng để xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho khu vực ĐBSCL được lấy từ Mô hình số địa hình kích thước ô lưới là 2mx2m của 13 tỉnh ĐBSCL, do Cục Viễn thám Quốc gia thực hiện năm 2008 và Bản đồ số địa hình tỷ lệ 1/2.000 do dự án bay chụp Lidar của Cục Đo đạc Bản đồ Việt Nam thực hiện năm 2016. Các số liệu này đều được quy chuẩn theo mốc quốc gia. Một đánh giá gần đây về ĐBSCL cũng cho ra kết quả không có nhiều khác biệt so với kịch bản đã đưa ra trước đó.

093022 lũ2
Nguy cơ ngập lụt cho khu vực ĐBSCL do nước biển dâng. Ảnh: MH

Trong bài viết đăng trên Tạp chí khoa học Nature Communications, nghiên cứu của Philip Minderhoud và các cộng sự từ Đại học Utrecht và Viện Nghiên cứu đồng bằng (Hà Lan) sử dụng số liệu bản đồ địa hình có tỷ lệ 1/200.000 là khá thô, không phải là nguồn số liệu địa hình tốt nhất mà Việt Nam có hiện nay.

Bài viết đã trình bày những phát hiện, phân tích khá đầy đủ về vấn đề sử dụng số liệu địa hình khi đánh giá ngập lụt cũng như tính dễ bị tổn thương gây ra bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Chính bài báo cũng chứng minh rằng, việc sử dụng mô hình số độ cao (SRTM và DEM) nếu không được quy chiếu về cao độ quốc gia (theo mực nước trung bình tại Hòn Dáu - Hải Phòng) sẽ dẫn tới đánh giá không chính xác về nguy cơ ngập lụt cho khu vực ĐBSCL.

 “Đây là bài báo có ý nghĩa về mặt khoa học, tuy vậy, như đã phân tích ở trên, bản đồ số độ cao do Bộ TN&MT sử dụng trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng trong kịch bản năm 2016 là nguồn số liệu cập nhật và tốt nhất. Các cơ quan, địa phương khi đánh giá nguy cơ ngập do nước biển dâng cần sử dụng số liệu chính thức do Bộ TN&MT công bố”, bà Hương nhấn mạnh.

Nghiên cứu của Philip Minderhoud và các cộng sự có đề cập việc số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ước tính khoảng 12 triệu người, nhưng chưa đưa ra đủ cơ sở khoa học để có thể đặt ra vấn đề di dân.

Theo bà Hương, để có thể đưa ra các chính sách ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, không thể chỉ dựa vào 1 nhận định, cần có các phân tích từ nhiều nghiên cứu khoa học, phân tích tác động đến kinh tế - xã hội. Khi chuyển giao bản đồ nguy cơ ngập theo kịch bản nước biển dâng do biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT cũng khuyến cáo các địa phương cần cân nhắc, bổ sung thông tin về sụt lún cục bộ địa phương thông qua các kết quả nghiên cứu chính thống được khẳng định và tham khảo các kết quả nghiên cứu khác để đạt được sự đồng thuận về khoa học.

Hiện nay, Bộ TN&MT đã hoàn thành giai đoạn tiếp theo của việc đo đạc địa hình khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng đang tiếp tục được cập nhật. Dự kiến, trong thời gian tới, Viện Khoa học Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng từ dữ liệu cập nhật này trong các kịch bản sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn mực nước biển 0,8m?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO