Đổi thay ở Pha Đén

23/04/2015 00:00

(TN&MT) - Đến với bản Pha Đén (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), đến với những ngôi nhà gỗ nép mình bên những ngọn đồi quanh năm phủ mờ mây trắng, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của nơi đây.

  Những ngôi nhà gỗ nép mình bên những ngọn núi
Những ngôi nhà gỗ nép mình bên những ngọn núi

Con đường ngoằn ngoèo với những con dốc dựng đứng bồng bềnh trong mây như thách thức những tay lái nếu lần đầu tiên lên với núi rừng. Anh Va Văn Lênh,  cán bộ đoàn thanh niên xã Pù Nhi cho biết: “Bây giờ đường lên Pha Đén đã được mở rộng hơn nhiều rồi, mấy năm trước bà con phải đi bằng con đường mòn chỉ rộng chừng 1m thôi, nguy hiểm lắm”.

Từ trung tâm xã Pù Nhi lên Pha Đén chỉ chừng 5km nhưng chúng tôi cũng phải đi hết nửa giờ đồng hồ. Trong cái nắng đầu hè, Pha Đén đẹp như một bức tranh thủy mặc với bồng bềnh mây trắng, những ngôi nhà gỗ nằm nép mình bên những ngọn đồi. Tên đỉnh núi cũng là tên bản, theo người dân địa phương thì Pha nghĩa là núi, Đén nghĩa là cao trên trán. Cái tên mang hàm nghĩa đỉnh Pha Đén là ngọn núi cao, phải luôn ngước nhìn thì mới thấy.

Đón chúng tôi ở đầu bản là trưởng bản Lâu Văn Đua với cái bắt tay nồng nhiệt, người Mông bao giờ cũng hiếu khách như thế. Bên chén rượu ngô thơm nồng trong nhà gỗ giản đơn, bằng giọng nói hào sảng, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống đổi thay của người Mông ở Pha Đén: “Đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên đỉnh Pha Đén đã được 5 thế hệ. Nhiều năm về trước, cuộc sống đồng bào Mông chúng tôi khổ cực lắm, quanh quẩn với đói nghèo, bệnh tật. Nhưng giờ đây cuộc sống người Mông đã khác nhiều rồi!”.

Lật cuốn sổ ghi chép, trưởng bản Lâu Văn Đua đọc cho tôi những con số minh chứng cho sự ấm no của bản Pha Đén. Nếu như trước đây 100 % số hộ trong bản đều thuộc diện hộ nghèo thì giờ đây chỉ còn 23/78 hộ nghèo; cả bản có 160 ha diện tích trồng lúa rẫy và ngô, đàn bò có gần 200 con, nhà nào cũng có xe máy đi lại, trẻ em được đến trường học con chữ… Nhiều hộ gia đình ở Pha Đén nhờ biết cách làm kinh tế mà đã có của của để, trở thành hộ giàu của bản như gia đình anh Chá Văn Dơ, gia đình ông Lâu Văn Sung…

Trẻ em ở Pha Đén đã được đến trường.
Trẻ em ở Pha Đén đã được đến trường.

Pha Đén hôm nay đang khởi sắc, đã không còn cảnh chạy ăn từng bữa, cái đói cái nghèo không còn bám riết, trẻ em đã được tới trường. Do sinh sống trên đỉnh núi Pha Đén nên bản không có diện tích lúa nước như những bản khác, bao quanh bản là những ngọn đồi và núi đá. Vì vậy người dân bản Pha Đén chỉ canh tác nương rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm gần đây, nhà nào cũng trồng được cây ngô, hạt lúa trên nương rẫy; chăn nuôi nhiều trâu bò, lợn gà.

Đồng bào dân tộc Mông ở Pha Đén đã xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và thực hiện nếp sống văn hóa mới, người chết đã được đưa vào quan tài rồi mới đem đi chôn cất, tang ma cũng không làm kéo dài gây lãng phí tốn kém như trước. Trưởng bản Lâu Văn Đua bảo: “Việc đưa người chết vào quan tài là một cuộc cách mạng văn hóa ở bản Pha Đén này, là việc làm xưa nay chưa hề có trong bản”. Đặc biệt, người Mông ở Pha Đén đã không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bởi đồng bào hiểu rằng, hôn nhân cận huyết thống sẽ sinh ra những đứa trẻ ốm đau, bệnh tật.

 Vẫn còn đó nhiều gian nan, thế nhưng với cách nghĩ, cách làm đã khác, một Pha Đén ấm no đã không còn là mơ ước.

Bài và ảnh: Thanh Tâm

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở Pha Đén
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO