Môi trường

Đổi thay giáo dục vùng cao Nậm Pồ

Hoàng Châu 06/02/2024 - 14:28

(TN&MT) - Nậm Pồ được biết đến là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên với nhiều khó khăn, thiếu thốn khi mới thành lập, nhưng sau 10 năm xây dựng và phát triển, các đơn vị giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ đã có những đổi thay rõ rệt. Từ một địa bàn thiếu phòng học kiên cố, có nhiều phòng học tạm bằng tranh, tre, nứa lá… đến nay, hệ thống cơ sở vật chất giáo dục của huyện đã được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Ngô Xuân Chiến - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Sau 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay, hệ thống giáo dục của huyện đã và đang có những thay đổi rõ nét. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học với hơn 760 phòng học, trong đó, gần 520 phòng học kiên cố và 247 phòng bán kiên cố; hơn 550 phòng nội trú; gần 60 phòng công vụ. Từ một huyện chỉ có 4 trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay, huyện đã có 29/40 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 25 trường so với năm 2013.

nam-po-2-.jpg
Một tiết dạy và học của cô và trò Trường Mầm non Nậm Tin - Nậm Pồ

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ huy động và duy trì số lượng học sinh; bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 năm học 2023 - 2024. Thực hiện nghiêm công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ; rà soát đầu tư cơ sở vật chất các trường…

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, trong năm học 2022 - 2023, 100% trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày; các trường dạy đủ số môn/ hoạt động giáo dục theo quy định. Công tác giáo dục dân tộc, giáo dục hòa nhập, giáo dục vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đúng mức, có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính. Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có trình độ tin học đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học.

nam-po-1-.jpg
Trường THPT Nậm Pồ tỉnh Điện Biên được thiết kế và xây dựng hiện đại

Bên cạnh đó, 100% các trường trên địa bàn huyện đã động viên được toàn thể cán bộ, giáo viên vừa đảm bảo yêu cầu chuyên môn, nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới phương pháp dạy học, bám trường, bám lớp, bám dân bản, vận động học sinh đi học, vừa chung sức lao động xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học theo tiêu chí “3 cứng”, cải tiến cách phục vụ ăn nghỉ cho học sinh bán trú, tạo dựng cảnh quan môi trường và chất lượng giáo dục hấp dẫn học sinh để hạn chế học sinh bỏ học, duy trì tỷ lệ chuyên cần.

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, các trường học cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, dọn dẹp vệ sinh khu nội trú, tích cực trồng rau xanh để thu hút các em học sinh đến lớp. Điều này góp phần phát triển toàn diện cho các em học sinh cả về trí tuệ lẫn văn hóa, thể chất.

Ông Chiến cho biết thêm: Thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ tiếp tục triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục và tăng tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay giáo dục vùng cao Nậm Pồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO