Dự án Đổi mới sinh thái tại Việt Nam do Trung tâm nghiên cứu Tư vấn Sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) cùng Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT-VN) phối hợp thực hiện, bắt đầu từ tháng 12/2014. Dự án nhằm hỗ trợ Chính phủ các nước trong việc thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thông qua các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự án được thực hiện tại 8 quốc gia: Việt Nam, Malaysia, Srilanka, Colombia, Ai Cập, Peru, Nam Mỹ, Uganda.
Hệ thống sấy chè với máy móc hiện đại. Ảnh: MH |
Sau 2 năm triển khai, Dự án đã đạt được những kết quả và thành tựu nhất định, đóng góp vào quá trình thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Cụ thể, đã có 5/7 doanh nghiệp tham gia Dự án thành công trong việc áp dụng các công cụ đổi mới sinh thái để thay đổi chiến lược kinh doanh và mô hình kinh doanh theo hướng bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp Công ty TNHH Hiệp Thành cho biết, trước khi thực hiện đổi mới sinh thái công ty gặp phải một số vấn đề như sử dụng than đá trong các thiết bị đốt mở khi sấy chè đã tạo ra khối lượng tro than lớn, lửa trực tiếp từ than đá và sinh khối cũng gây hại cho sức khỏe của công nhân. Nhận thấy những vấn đề này cần được giải quyết, Công ty đã quyết định đầu tư vào chuỗi cung ứng sẵn có bằng công nghệ sạch hiện đại, sử dụng than sinh học, công nghệ sấy khí hóa và đầu tư trồng chè theo hướng an toàn để có chất lượng chè tốt nhất. Với chiến lược mới này, Công ty hy vọng, tới năm 2025 sẽ tăng tổng sản lượng từ 8.000 - 10.000 tấn/năm và thu về 10 triệu USD doanh thu/năm.
Tương tự, Công ty TNHH Hamona với sản phẩm kinh doanh chủ yếu là dừa tươi. Trong quá trình hoạt động, nguồn dừa tươi không ổn định, rác thải sau quá trình chế biến lớn... Với chiến lược đổi mới sinh thái để đảm bảo nguồn cung ứng dừa chất lượng cao, Hamona đã xây dựng một mạng lưới nông trại dừa không chất thải theo tiêu chuẩn nông nghiệp Global Gap ở các tỉnh trồng dừa trong khu vực sông Mê Kông. Rác thải sau khi chế biến như xơ dừa, sọ dừa sẽ được đơn vị sản xuất làm phân bón, đất sạch cung cấp lại cho các nông hộ trồng dừa. Với mục tiêu hướng tới khách hàng có thu nhập cao, hiện nay sản phẩm của Công ty đã có mặt tại một số thị trường như: Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản...
Tuy vậy, tại Việt Nam, đổi mới sinh thái chưa được áp dụng rộng rãi. Nguyên nhân được cho là hạn chế trong chính sách hỗ trợ, thiếu hụt về năng lực của doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn tín dụng, sự chấp nhận của xã hội đối với các sản phẩm xanh còn yếu...
Để gỡ bỏ những rào cản này, theo TS Fredric William Swiercrek, Giám đốc AIT-VN cho rằng, Việt Nam cần thay đổi tư duy của chủ sở hữu doanh nghiệp và của người tiêu dùng về giá trị an toàn thực phẩm hơn là chỉ quan tâm tới giá thành. Đồng thời, phổ biến, nhân rộng công cụ đổi mới sinh thái tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Ông Nguyễn Hồng Long cho biết thêm, sau Dự án Đổi mới sinh thái, CCS sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động để thúc đẩy Dự án này như Sáng kiến nông nghiệp hữu cơ I - Nature. Sáng kiến này sẽ nghiên cứu và phát triển các phương pháp canh tác khoa học để sản xuất thực phẩm hữu cơ cho cộng đồng bao gồm cả những người có thu nhập thấp. Giảm tối thiểu chi phí sản xuất nhờ áp dụng công nghệ, quản lý kỹ thuật, kế hoạch sản xuất, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, thương hiệu... Xây dựng và triển khai mô hình I – Nature cho 16 trang trại trên địa bàn 6 tỉnh gồm: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nam, Thanh Hóa và Ninh Thuận.
Dưới áp lực chi phí tài nguyên ngày càng đắt đỏ, cùng thách thức của biến đổi khí hậu, việc triển khai Dự án là cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bền vững.
Vũ Vân