Thứ trưởng ghi nhận công sức, đóng góp của các cán bộ, viên chức đã và đang công tác tại các tổ chức KH&CN, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Bộ TN&MT đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, phát triển các sản phẩm và giải pháp KH&CN hữu ích, góp phần to lớn trong công tác quản lý Nhà nước về TN&MT. Dự kiến, kết quả xét tặng giải thưởng KHCN của Bộ TN&MT sẽ được công nhận, trao tặng và vinh danh trong Tuần lễ Khoa học và Công nghệ năm 2020. Nhân dịp này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng kêu gọi cộng đồng KH&CN ngành TN&MT sẽ có những chương trình KH&CN đạt đỉnh cao với tinh thần đổi mới, sáng tạo, kiến tạo tương lai.
ThS. Nguyễn Thạc Cường, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư số 26/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ. Đây là một trong những văn bản quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản về quản lý các nhiệm vụ KH&CN của Bộ, với việc đổi mới toàn diện trên cơ sở tích hợp Công nghệ 4.0 trong quản lý khoa học và công nghệ như thay đổi quy trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ bước đề xuất, nộp hồ sơ tuyển chọn... đến nghiệm thu, đánh giá sản phẩm, đăng ký kết quả, ứng dụng sản phẩm với sự hỗ trợ của công nghệ phần mềm trực tuyến thực hiện trên trang thông tin điện tử; thực hiện việc họp hội đồng trực tuyến khi các thành viên hội đồng không thể tham gia trực tiếp; phân cấp quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (cấp bộ, cấp cơ sở và thường xuyên theo chức năng)...
Hoạt động khoa học và công nghệ trong tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn vừa qua cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác điều tra cơ bản, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; hình thành hệ thống lý luận khoa học phục vụ cho việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Trong công tác tiêu chuẩn - quy chuẩn, đo lường, chất lượng, việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kĩ thuật của từng lĩnh vực trong Bộ; đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu quản lý của Bộ, yêu cầu phục vụ đối với xã hội, đặc biệt đáp ứng yêu cầu xã hội hóa dịch vụ công đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.
Trong năm 2019, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo. Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu để xác định các phương pháp và cách tính toán các chỉ số xếp hạng về tài nguyên và môi trường trong bộ chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) và đề xuất các giải pháp cung cấp thông tin, số liệu chính thống kịp thời về TN&MT; Nâng cao hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng và hoạt động sở hữu trí tuệ; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế; tăng cường thông tin và thống kê KH&CN và ĐMST; Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực KH&CN; Tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức và thành quả nghiên cứu KH&CN ngành TN&MT tới các cơ quan quản lý và các địa phương; Triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các ngành lĩnh vực và hướng công nghệ ưu tiên.
Tham dự hội thảo, đại diện lãnh đạo và cán bộ nghiên cứu khoa học của các cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu và trường đại học trực thuộc Bộ TN&MT đã cùng chia sẻ về kết quả hoạt động KH&CN, thông tin về các thành tựu nghiên cứu nổi bật, có đóng góp thiết thực trong xây dựng và phát triển ngành TN&MT.
Một số nội dung nổi bật như: Ứng dụng thành tựu cách mạng 4.0 trong dự báo thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan: Cơ hội và thách thức; Nghiên cứu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng về tài nguyên và môi trường trong bộ chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu (GII) và đề xuất giải pháp cung cấp thông tin, số liệu chính thống, kịp thời về TN&MT trong Bộ chỉ số GII; Nghiên cứu đặc điểm trầm tích hang động ở một số khu vực miền Bắc Việt Nam, góp phần luận giải quá trình cổ khí hậu giai đoạn Pleistocen muộn-Holocen (khoảng 30.000 năm trở lại đây); Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống xuồng tự hành và phần mềm đo sâu hồi âm kết hợp phần mềm RTK-CORS phục vụ tự động hóa công tác thành lập bản đồ địa hình đáy sông, biển; Đánh giá hiện trạng phân bố dòng chảy trên lưu vực sông Mê Công; Cách mạng 4.0 phục vụ công tác đào tạo về quản lý tài nguyên và môi trường: Thực trạng và giải pháp; Định hướng phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực biển trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…