Đổi mới Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng theo hướng bền vững

Lan Chi| 26/11/2020 11:49

(TN&MT) - Nghị quyết số 02/NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là cơ sở quan trọng để ngành công nghiệp khai khoáng (CNKK) phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từng bước khai thác, sử dụng khoáng sản theo hướng hiệu quả, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực, mang lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Đổi mới tư duy hoạch định chính sách

Luật Khoáng sản 2010 đã có những bước thay đổi căn bản trong hoạch định Chiến lược khoáng sản và quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản.

Điều này thể hiện rõ từ phân cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản hầu hết cho các địa phương (Luật Khoáng sản năm 2005), nay đã điều chỉnh, quy định tập trung quản lý ở cấp Trung ương. Theo quy định của Luật, chỉ phân cấp cho địa phương quản lý một số khoáng sản như: vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, than bùn.

Chính vì vậy, đã tránh được việc cấp Giấy phép tràn lan, các hoạt động khoáng sản đã dần được kiểm soát. Đồng thời, chuyển dần hoạt động khai khoáng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Sự thay đổi còn thể hiện qua việc sắp xếp kiện toàn các cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản từ Trung ương tới địa phương. Tăng cường nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về khoáng sản ở các cấp. Đặc biệt đã kiện toàn, tăng cường bộ máy thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm.

TS. Bùi Vĩnh Kiên, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (ngoài cùng bên trái)

Chính sách kinh tế địa chất và khoáng sản đã được đề ra cụ thể, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và thực thi trong cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong 9 năm qua, lần đầu tiên tiền cấp Quyền khai thác khoáng sản (KTKS) được đề cập và triển khai. Qua 5 năm (2014 - 2019) triển khai thực hiện, tổng thu ngân sách từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp là trên 50.000 tỷ đồng; các địa phương thu trên 13.000 tỷ đồng. Trung bình hàng năm ngân sách Nhà nước thu từ 4.300 - 4.500 tỷ đồng từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Đồng thời, với tiền cấp Quyền KTKS, những năm qua, Bộ TN&MT đã tiến hành tính và thu tiền sử dụng số liệu thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do Nhà nước đã đầu tư. Số tiền thu được khoảng trên 2.500 tỷ đồng.

TS. Bùi Vĩnh Kiên, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đánh giá: Việc thu tiền cấp Quyền KTKS và thu tiền sử dụng số liệu thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do Nhà nước đã đầu tư, đã nâng cao hiệu quả của khai thác khoáng sản, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp KTKS đối với Nhà nước và địa phương có khoáng sản được khai thác.

Ngoài ra, khắc phục cơ bản tình trạng đầu cơ mỏ khoáng sản, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp khai thác nhỏ lẻ, manh mún, thiếu năng lực tài chính để tổ chức các hoạt động khai thác, mua bán chuyển nhượng, kém hiệu quả trong khai thác, sử dụng nguồn lực của Nhà nước.

Chính sách kinh tế địa chất và khoáng sản còn nổi bật bởi quy định việc cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản thông qua đấu giá Quyền KTKS. Việc đấu giá Quyền KTKS đã được triển khai đồng bộ cả ở Trung ương và địa phương. Kết quả qua các cuộc đấu giá, mức giá trúng đấu giá đều tăng từ 1,5 ÷ 2,3 lần mức giá khởi điểm. Đấu giá Quyền KTKS là bước tiến quan trọng trong nhận thức và triển khai các quy định của pháp luật về khoáng sản, tạo ra sự công bằng, bước đầu tiếp cận với cơ chế thị trường trong hoạt động khoáng sản.

“Hiệu lực, hiệu quả và sự lan tỏa của chính sách đã được thể hiện rõ sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Pháp luật về khoáng sản đã thực sự tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong quá trình phát triển. Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã tích cực góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính sách đã tạo được sự quan tâm đồng bộ của các doanh nghiệp khai khoáng và cộng đồng dân cư về vai trò và hiệu quả trong hoạt động khai khoáng, lan tỏa tới các hoạt động bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, đảm bảo môi trường trong khai khoáng, phát huy hiệu quả khoa học, công nghệ trong hoạt động khoáng sản, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong toàn xã hội”, TS. Bùi Vĩnh Kiên nhận định.

Hoàn thiện hệ thống chính sách về địa chất và khoáng sản

Để ngành địa chất và khoáng sản ngày càng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, TS. Bùi Vĩnh Kiên cho rằng cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02/NQ/TW nhằm tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai khoáng; thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản theo hướng xây dựng thành Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế hóa các hoạt động địa chất và khoáng sản; tăng cường quản lý thống nhất Nhà nước về địa chất, địa chất công trình, địa chất thủy văn, địa chất đô thị; tăng cường điều tra, tìm kiếm đánh giá các nguồn tài nguyên mới như: địa nhiệt, khí đá phiến, quản lý địa chất tai biến, địa chất môi trường,… cần được luật hóa.

Ngoài ra, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, thống nhất công tác quản lý từ khâu điều tra cơ bản địa chất, đánh giá khoáng sản, thăm dò khoáng sản. Theo ông Bùi Vĩnh Kiên, trong quá trình thực hiện cần đồng bộ các giải pháp đánh giá kinh tế của từng giai đoạn, gắn với công tác giám sát các hoạt động, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của từng đề án; sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư.

Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản; tăng cường hợp tác quốc tế và hội nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO