Đối mặt với khó khăn, bất động sản công nghiệp vẫn “sống khỏe”

Thục Vy| 16/01/2023 13:51

(TN&MT) - Trước bối cảnh dòng vốn đảo chiều ở thị trường bất động sản (BĐS), các doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp (KCN) vẫn linh hoạt thích nghi và đang là nhóm ngành triển vọng trong nền kinh tế, hấp dẫn các nhà sản xuất trên thế giới.

bds-cn.jpg
Mặc dù thị trường BĐS nói chung gặp nhiều khó khăn, nhưng BĐS công nghiệp vẫn có nhiều chỉ số tích cực

Theo JLL Việt Nam, năm 2023 phân khúc BĐS công nghiệp ghi nhận những chỉ số đầy tích cực. Bất chấp khó khăn của nền kinh tế, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn được duy trì ổn định, góp phần tạo lực đẩy cho BĐS công nghiệp.

Số liệu của JLL cho thấy, trong quý 3/2022, tỷ lệ lấp đầy KCN ở miền Nam đạt 85,2%, do tỷ lệ hấp thụ ròng mạnh mẽ của các KCN mới hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022. Giá cho thuê trung bình trong quý 3/2022 đạt 125 USD/m2/chu kì thuê (tương đương 2,9 triệu đồng/m2), tăng 10% so với cùng kỳ.

“Năm 2023, giá cho thuê tại các KCN còn dự báo gia tăng nhẹ khi các KCN mới đi vào hoạt động. Không chỉ mức giá cho thuê tăng mà lợi nhuận ròng của các công ty phát triển khu KCN niêm yết dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 12% so với cùng kỳ”, JLL cho hay.

Cũng theo JLL, mặc dù còn nhiều thách thức trong năm 2023, BĐS công nghiệp dự báo có nhiều triển vọng. Theo đó, xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam đang diễn ra được đánh giá là động lực tăng trưởng tốt; làn sóng đầu tư vào các KCN Việt Nam tiếp tục gia tăng bởi nhiều yếu tố hấp dẫn.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết, đến cuối năm 2023 việc giải ngân FDI vào Việt Nam cũng là điểm sáng và cho thấy nền kinh tế tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp dài hạn, với ước đạt 21 - 22 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, đến thời điểm hiện nay, bất chấp sự thay đổi của môi trường quốc tế và kéo theo là những thay đổi linh hoạt để thích ứng của Việt Nam, FDI vẫn được nhận định là đòn bẩy tích cực của nền kinh tế. Theo đó, các cơ sở hạ tầng cũng được nâng cấp để đón "đại bàng" lẫn "chim én". Nhờ vậy mà doanh nghiệp BĐS KCN cũng được hưởng lợi.

Đồng quan điểm, ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng Việt Nam vẫn có sức hút mạnh mẽ cho việc đầu tư. Ưu thế dân số trong độ tuổi lao động lớn và nhiều chính sách hấp dẫn, thị trường Việt Nam sẽ luôn có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp đầu tư trong thời gian dài với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn.

Ở góc độ nhà tư vấn BĐS, đại diện Savills cho rằng, các chủ đầu tư cần tìm đến giải pháp mang tính bền vững cho chiến lược dài hạn. Trong đó, khả thi cho các doanh nghiệp là huy động từ dòng vốn FDI, giải pháp tốt giúp BĐS duy trì tốc độ phục hồi ổn định, đảm bảo nguồn cung ở các phân khúc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt và chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế. Nhu cầu sẽ là những quỹ đất sạch, cách làm việc minh bạch hơn và năng lực sẵn có của các chủ đầu tư. Nếu đáp ứng được, không khó để các doanh nghiệp tìm kiếm các nhà đầu tư phù hợp.

Theo Savills, phân khúc BĐS công nghiệp sẽ hưởng lợi đầu tiên từ dòng vốn FDI nhờ vào việc Chính phủ tăng mạnh đầu tư hạ tầng, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Mặt khác, lợi thế giá đất vẫn còn thấp so với khu vực, các nhà máy sản xuất ưu tiên một điểm đến ổn định thay vì đa dạng hoá sản xuất toàn cầu… cũng sẽ duy trì tăng trưởng phân khúc này trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối mặt với khó khăn, bất động sản công nghiệp vẫn “sống khỏe”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO