Đổi đời nhờ phân bón Lâm Thao

02/12/2018 15:12

(TN&MT) - Huyện Mường Chà là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Điện Biên. Từ bao đời nay, bà con dân tộc nơi đây sống chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn trồng trên nương. Nhưng quanh năm vẫn không đủ sống do đất đai cằn cỗi, trồng ngô không ra bắp, trồng lúa chẳng trổ bông. Thời gian gần đây, đất Mường Chà (Điện Biên) đã trở nên màu mỡ giúp người dân nơi đây làm giàu, ổn định cuộc sống. Bí quyết nhờ nguồn phân bón Lâm Thao đang được hàng trăm hộ dân sử dụng.

số 90 1
Nhờ có phân bón Lâm Thao, năng suất và chất lượng dưa mèo của bà con người Mông ở vùng cao Điện Biên được cải thiện rõ rệt

Đất nghèo khiến người dân đói

Bà Giàng Thị Sang, dân bản Na Sang, kể: “Cứ đến mùa mưa là chúng tôi mang ngô, lúa nương ra gieo. Vì làm đất nương, không có nước tưới chủ động nên mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, vì thế cây ngô, cây lúa ở đây năng suất thấp lắm, làm mãi cũng không đủ ăn đâu. Muốn phá thêm cái rừng làm nương mới nhưng Nhà nước cấm rồi. Có người đổi sang trồng sắn, trồng dong riềng nhưng cũng không ăn thua. Những năm trước, còn có người nghĩ là phải cúng ma cho khỏi đói đấy”.

Quả thật, ai từng đặt chân lên đất Mường Chà chỉ 5 - 6 năm trước vào đúng những ngày mùa thu, cảm nhận về một vùng quê nghèo đói, xác xơ hiện lên rất rõ. Trừ một số diện tích lúa ruộng có thể cấy được lúa mùa là còn chút màu xanh no ấm, còn lại khắp nơi đều là màu vàng úa của cỏ dại, lác đác bên nương những thân ngô khô rũ, gãy gục sau mùa thu bắp.

Những người nông dân chăm chỉ nhất vùng cũng chỉ còn cách lên rừng kiếm rau, kiếm củi; xuống suối bắt cá, mò rêu. Bài toán xóa nghèo bền vững cho nông dân miền núi đã nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự, nhưng chưa có giải pháp nào thật sự hữu hiệu bởi không ai khác, chính những người nông dân ở đây cùng với những thay đổi trong kỹ thuật canh tác mới có thể giúp họ xóa nghèo triệt để.

Trong lúc bí bách về cách làm ăn, ở Mường Chà đã xuất hiện một loại cây cho thu nhập cao “đột biến” so với cây lúa, cây ngô thường ngày, đó chính là cây dứa. Lúc đầu, cây dứa mới chỉ được đưa về đây trồng với tính chất “chơi chơi” của một trong những người tiên phong trồng dứa ở đây là cặp vợ chồng người Mông - Kinh: Lý Thị Cê và Lê Thanh Tâm.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Thanh Tâm bảo: “Do “cái duyên trời xe, cái que trời buộc” nên tôi đã phải lòng cô gái Mông này. Ở giữa một vùng quê đất rộng, người thưa mà làm mãi không đủ ăn làm tôi khó chịu lắm. Một lần xuống thành phố Điện Biên Phủ vào dịp đầu hè, thấy người ta bán quả dứa tươi giá tới 10.000 đồng, tôi mới nảy ra ý định trồng dứa. Thế là tôi tìm hiểu và biết Lào Cai là vùng đất dứa nên sang đó mua giống về trồng. Dứa trồng chỉ năm trước, năm sau là cho quả nhưng quả dứa vẫn không to lên được nên bán không được giá.
 

số 90 3
sô 90 2
Những trái dứa ở Mường Chà được bón phân đúng cách nên quả rất to và ngọt

Tôi tìm cán bộ khuyến nông học hỏi, mới biết dứa là loài cây rễ chùm nên rất cần nhiều dinh dưỡng trên lớp đất mặt, mới có thể cho quả to và ngon. Đất Mường Chà vốn bị “bóc lột” dinh dưỡng bao năm nay, nếu không bón phân cải tạo dinh dưỡng cho đất thì đến cỏ dại cũng cằn cỗi”.

Không chỉ học hỏi qua những cán bộ khuyến nông, anh Tâm còn lặn lội sang Lào Cai, đến những vựa dứa ở Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương… tìm hiểu thêm kinh nghiệm bón phân cho dứa của những nhà vườn thành đạt. Nhờ thế, anh Tâm không chỉ hiểu rằng, người dân Mường Chà đói là bởi đất nghèo mà anh còn nắm rõ những thời điểm bón phân cho dứa thích hợp nhất để cây dứa đẻ nhánh, ra quả…

“Bón phân cho dứa lấy quả khác với bón phân cho dứa lấy giống; bón phân lúc đang tạo quả khác với lúc dứa đã thu hoạch xong. Những bí quyết này tôi học được từ những chủ vườn dứa ở Si Ma Cai đấy” - anh Tâm chia sẻ.

Đất màu mỡ, dân ấm no

Khi đã hiểu được phải làm giàu cho đất, mới làm giàu được cho mình, anh Tâm đã động viên vợ mạnh dạn vay tiền mua gần chục tấn phân bón Lâm Thao ngay từ vụ dứa thứ 2.

“Dứa cần lân cho thân cứng cáp và rất cần kali cho quả to và ngọt. Đây là vùng đất dốc, nếu thân cây không cứng cáp, thân dứa không thẳng và quả dứa không thể đẹp, bán sẽ mất giá. Nhưng tôi luôn kết hợp phân hữu cơ với phân vô cơ để tạo nguồn dinh dưỡng vừa giàu vừa bền vững cho đất. Vì thế, vườn dứa nhà tôi không chỉ đẹp nhất vùng mà còn có năng suất cao, duy trì liên tục trong mấy năm vừa qua” - chị Cê, vợ anh Tâm tự hào chia sẻ.

Cũng là một trong những hộ vừa thoát nghèo trong năm 2018 này, bà Giàng Thị Dụ, dân bản Na Sang tâm sự: Từ ngày dân bản học anh Tâm cách bón phân cho cây trồng, năng suất cây ngô, cây dứa ở đây đều cao hẳn lên, ai cũng phấn khởi. Chính vì thế, nên khi anh Tâm thành lập Hợp tác xã Dứa Na Sang, nhiều hộ trong bản mạnh dạn tham gia ngay.

“Vào hợp tác xã, xã viên chúng tôi không chỉ được cung cấp những giống dứa tốt nhất, biết cách trồng đúng khoảng cách, được hợp tác xã giúp tiêu thụ sản phẩm còn được hợp tác xã cung ứng cho những loại phân bón tốt nhất của Lâm Thao với giá rẻ và có thể trả chậm. Nhờ có phân bón tốt và cách bón phân đúng nên năng suất, dứa ở đây đạt tới 25 tấn quả/ha, thu nhập cao hơn 10 lần trồng ngô, lúa nương đấy.

Không chỉ đưa phân bón vào trồng dứa mà bây giờ các xã viên ở đây đều hiểu trồng cây gì cũng phải bón phân mới có năng suất cao. Cây dưa mèo xưa nay mọc hoang trên núi, ít quả lắm, nay được bà con đem về trồng và bón phân Lâm Thao, quả vừa nhiều, vừa ngọt mát hơn nên bán lại được giá hơn hẳn” - bà Dụ nói.

Chỉ vào hàng nghìn bao hàng xếp cao tới 5 - 6m trong dãy nhà kho lợp tôn rộng mênh mông, chị Lý Thị Cê, bảo: “Từ ngày dân Mường Chà lấy cây dứa làm cây mũi nhọn xóa nghèo, nhà tôi cũng thành cái đại lý phân bón này. Mỗi năm, tôi nhập tới cả nghìn tấn phân bón, không chỉ bón cho riêng cây dứa nhà tôi mà còn cung ứng cho hàng trăm hộ nông dân khác, giúp bà con nâng cao năng suất lúa, ngô, sắn, dong riềng…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi đời nhờ phân bón Lâm Thao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO