Đổi đất lấy hạ tầng: Cơ chế tốt nhưng cần minh bạch

06/07/2018 10:24

(TN&MT) - Trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển ở Việt Nam rất lớn, hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được coi là hình thức hạn chế gánh nặng ngân sách, phát triển hạ tầng. Song, khi triển khai bên cạnh nhiều kết quả tích cực cũng phát sinh nhiều vấn đề cần khắc phục.

Hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được coi là hình thức hạn chế gánh nặng ngân sách, phát triển hạ tầng. Ảnh: Hoàng Minh
Hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được coi là hình thức hạn chế gánh nặng ngân sách, phát triển hạ tầng. Ảnh: Hoàng Minh

Dễ phát sinh lợi ích nhóm

Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, Việt Nam đã thu hút nguồn lực từ nước ngoài thông qua hình thức BT, một hình thức của đầu tư đối tác công tư. Trong hợp đồng BT, sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước, Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng.

Thực tế, bản thân của BT không phải hình thức đầu tư xấu. Trên thế giới, đây là hình thức đầu tư phổ biến và ưu việt, nhằm đỡ gánh nặng ngân sách Nhà nước, tạo ra các công trình phục vụ lợi ích công cộng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách Nhà nước eo hẹp thì làm dự án BT là một giải pháp quan trọng để Nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, khi triển khai ở nhiều dự án lại bị bóp méo thành chính sách để phục vụ lợi ích của 1 nhóm nào đó lợi dụng những nguồn lực của Nhà nước cho mục đích riêng. Bên cạnh đó, giá đất của các khu đất thanh toán cho các hợp đồng BT thường bị định giá thấp hơn giá thị trường do không thông qua đấu giá.

Ví dụ như, tại Báo cáo Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 đã chỉ ra, việc triển khai các dự án theo hình thức hợp đồng BT đang xảy ra hàng loạt những sai sót thiếu chặt chẽ, minh bạch, tạo lỗ hổng gây thất thoát ngân sách và tài sản công. Cụ thể, hầu hết các dự án BTđều áp dụng hình thức chỉ định thầu tràn lan và thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất không đấu giá dẫn đến định giá thấp hơn giá thị trường. Tại nhiều dự án, Nhà nước phải mua công trình với giá cao hơn và trả phần đất đối ứng nhiều hơn. Trong khi đó, chủ đầu tư vừa được tính giá trị công trình cao hơn và đổi lấy diện tích đất với giá rẻ gấp nhiều lần so với mặt bằng chung. Mặt khác, khi dự án BT được hoàn thành, giá đất tại đó sẽ tăng lên khiến nhà nước một lần nữa trơi vào tình cảnh "thiệt đơn, thiệt kép".

Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước cũng đã chỉ ra nhiều bất cập liên quan đến 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT. Theo đó, kẽ hở lớn dẫn đến thất thoát ngân sách của các dự án này là việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá. Đồng thời, nguyên tắc ngang giá cũng không được bảo đảm khi quy định về thời điểm giao đất để thanh toándự án BTvà thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng.

Một trong những kẽ hở của việc này, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Giá đất khi giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án hiện đang thực hiện theo giá do UBND cấp tỉnh ban hành thấp hơn rất nhiều theo giá thị trường gây thất thoát lãng phí đất đai thuộc sở hữu toàn dân, làm lợi cho nhà đầu tư và một số người có chức, quyền liên quan thông qua cơ chế xin - cho”.

Điển hình là, giá đất khi giao các mảnh đất cho chủ đầu tư là nhà ở, khi di dời các nhà máy, biển báo, kho tàng rất thấp theo giá UBND tỉnh ban hành. Đồng thời, đất giao không qua đấu giá, không công khai minh bạch. Chủ đầu tư "chạy - xin - cho" để được có dự án hưởng lợi cực lớn. Nhiều dự án BT, giá công trình là giá giao cho chủ đầu tư lập nên rồi “thẩm định”, “xét duyệt”, không đấu thầu. Trong khi giao đất lại không đấu giá mà lại giao giá chủ yếu dựa trên khung giá do UBND tỉnh ban hành dẫn đến Nhà nước thiệt cả 2 đầu, nhà đầu tư lợi cả 2 đầu. “Cơ chế xin - cho này tạo điều kiện cho tham ô tham nhũng mà hàng loạt vụ án đang và sẽ xét xử, liên quan đến đất đai, dính đến nhiều cán bộ có chức, có quyền” - ông Hùng cho biết.

Đấu thầu công khai

Để khắc phục việc này, ông Trần Ngọc Hùng kiến nghị, cần nghiên cứu xem xét sửa đổi bổ sung như trình tự, thủ tục thực hiện vào thu hồi về giao đất cần sự tham gia của tổ chức xã hội nghề nghiệp và người dân trong quy trình thực hiện các dự án, phương thức đền bù, giá đền bù… nhằm chống cửa quyền, lợi ích nhóm. Cùng với đó, các quy trình phân loại đất, sử dụng đất đô thị, định giá đất cho đến thanh tra, xử lý sai phạm cũng cần xem xét sửa đổi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình lựa chọn, đàm phán ký kết hợp đồng với nhà đầu tư cần đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch để tránh nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước. Để BT phát huy tối đa hiệu quả, cần áp dụng cơ chế đấu thầu công khai, có giám định và giám sát độc lập, chặt chẽ; không chỉ định thầu trong việc chọn nhà đầu tư để tránh lợi ích nhóm trục lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi đất lấy hạ tầng: Cơ chế tốt nhưng cần minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO