Độc đáo ý tưởng sản xuất "giấy xanh" từ phế phẩm nông nghiệp

16/10/2017 00:00

(TN&MT) - Bằng cách tận dụng tất cả các nguồn phế phẩm nông nghiệp để sản xuất giấy, bạn Đặng Thị Ngọc Ánh, sinh viên khoa Kiến trúc, trường Đại học Khoa học Huế đã sáng tạo ra công nghệ vừa thân thiện với môi trường vừa tiết kiệm được nguồn gỗ đang khan hiếm hiện nay.

Là người giành giải nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2016, bạn Đặng Thị Ngọc Ánh, sinh viên khoa Kiến trúc, trường Đại học Khoa học Huế gây ấn tượng với ban giám khảo cuộc thi bằng ý tưởng sản xuất giấy dựa vào nguồn nguyên liệu tận dụng phế phẩm nông nghiệp. Công trình này tạo ra sản phẩm không dùng đến hóa chất, giúp giải quyết được tình trạng lạm dụng hóa chất, chất tẩy trắng trong công nghiệp sản xuất giấy hiện nay và hạn chế được lượng nước thải độc hại thải ra môi trường. Nhằm làm rõ hơn về công nghệ độc đáo trên, phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi thú vị với chủ nhân ý tưởng này.

Ngọc Ánh được trao giải nhất trong cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2016 (ảnh nhân vật cung cấp)
Ngọc Ánh được trao giải nhất trong cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2016 (ảnh nhân vật cung cấp)

Bị cười nhạo vì ý tưởng đầy tham vọng

Chào Ngọc Ánh, điều gì đã gợi mở bạn nghĩ đến ý tưởng vừa lạ lẫm, vừa độc đáo này?

Cơ duyên tình cờ xảy đến vào năm học lớp 12 khi mình chứng kiến cảnh cô lao công thu dọn rác ở sân trường. Mình thấy cô thu gom rác – lúc ấy chủ yếu là lá cây - rồi đốt chúng khiến một góc trường khói um, mùi khét nồng. Lúc đó mình tự nghĩ,  tại sao chúng ta không tận dụng lượng lá cây phế phẩm đó để tạo ra một thứ vừa có ích, vừa thân thiện với môi trường thay vì đốt chúng đi? Và ý tưởng sản xuất giấy từ lá cây xuất hiện từ đó?

Phản ứng của mọi người ra sao khi nghe bạn trình bày ý tưởng?

Khi mình trình bày ý tưởng với người thân, bố mẹ và thầy cô, mọi người đều tin tưởng, ủng hộ hết mình cả về tinh thần, tài chính và kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, khi mọi chuyện dừng ở ý tưởng, mình có trình bày với bạn bè thì hầu hết đều cho rằng điều đó không thể thực hiện được. Thứ nhất là nó quá khó, thứ nữa mình mới chỉ là một nữ sinh cấp 3.

Từ ý tưởng tới thực tế chắc hẳn là một quá trình dài và khó khăn. Ngọc Ánh có thể kể lại những khó khăn mà bạn đã phải vượt qua?

Khó khăn lớn nhất là về tinh thần và thiếu thiết bị máy móc. Còn nhớ khi bảo vệ dự án trước lớp, trước hội đồng trường, mình đã bị bạn bè cười nhạo vì cho rằng ý tưởng thiếu tính thực tế kiểu như: “Bớt mơ mộng đi, nếu làm được thì họ đã làm từ lâu rồi mô tới lượt mi”… Lúc đó mình chỉ biết im lặng, rồi âm thầm thực hiện ý tưởng để chứng minh điều ngược lại. Rất may khi đạt được những kết quả bước đầu, những người không tin tưởng vào dự án lại trở thành “đồng minh” của mình.

Khó khăn tiếp đến là sự thiếu thốn thiết bị, máy móc. Đây là một ý tưởng khá mới mẻ nên việc tìm kiếm máy móc không phải là dễ dàng. Đa phần các thiết bị đều là những thiết bị mình tự chế tạo. Với 700.000 đồng, mình phải xoay xở để hoàn thành những máy móc cần thiết. Rất may bố mình luôn là người đồng hành, giúp đỡ hoàn thiện các bản vẽ kỹ thuật và hiện thực hóa chúng thành những thiết bị thực sự.

Sản phẩm giấy tái chế được sử dụng ở nhiều lĩnh vực như: giấy in, giấy viết, giấy gói quá ... (ảnh nhân vật cung cấp)
Sản phẩm giấy tái chế được sử dụng ở nhiều lĩnh vực như: giấy in, giấy viết, giấy gói quà ... (ảnh nhân vật cung cấp)

Ngoài sự giúp đỡ của gia đình, thầy cô, Ngọc Ánh còn nhận được sự trợ giúp nào khác?

Trong quá trình thực hiện dự án mình nhận được rất nhiều sự trợ giúp, ủng hộ của nhà trường gia đình và bạn bè. Sau này mình còn nhận được sự giúp đỡ tích cực từ tổ chức Live & Learn để thực hiện dự án sâu hơn (đây là một tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ với mục tiêu xúc tiến nhận thức và hành động của cộng đồng vì một tương lai bền vững thông qua giáo dục, đối thoại và phát triển).

Vậy quy trình sản xuất giấy từ phế phẩm nông nghiệp có gì khác so với quá trình sản xuất giấy thông thường?

Quy trình sản xuất giấy từ phế phẩm về cơ bản thì giống với khung quy trình sản xuất giấy hiện nay. Tuy nhiên quy trình này đặc biệt ở điểm nó không sử dụng bất cứ hóa chất nào trong quá trình sản xuất. Việc xử lý kiềm của nguyên liệu dựa vào độ phân giải của các vi sinh vật tự nhiên có trong bùn để trung hòa pH=7 (Vì thế nước thải từ quy trình làm giấy chỉ chứa các cellulose lơ lửng nên nước này có thể tưới cây mà không gây hại đến môi trường). Bên cạnh đó việc xử lý sợi loại bỏ Lignin trong thành phần sợi thực hiện bằng phương pháp cơ lý, làm tăng khả năng kết dính của các sợi cenllulose.

Sản phẩm nói không với hóa chất

Nếu không sử dụng hóa chất, vậy sản phẩm làm ra liệu có đạt chất lượng như giấy thông thường?

Giấy làm ra vẫn đảm bảo chất lượng bền kéo, bền nén của Tiêu chuẩn Việt Nam về giấy. Tuy nhiên về tiêu chuẩn độ trắng thì loại giấy này không đáp ứng được vì tiêu chí của mình với sản phẩm này là hoàn toàn thân thiện với môi trường nên mình không muốn sử dụng hóa chất tẩy màu mà vẫn giữ lại màu vàng xanh còn sót lại của chất diệp lục (sản phẩm này vẫn có thể hoàn toàn đạt được độ trắng theo Tiêu chuẩn Việt Nam nếu sử dụng chất tẩy hóa học). Đặc biệt hơn là sản phẩm này có khả năng tái chế đến 97%.

Dù sao thì dự án của Ngọc Ánh vẫn ở quy mô của một cuộc dự thi. Bạn có dự định gì để ý tưởng này thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống?

Mình luôn mong muốn sản phẩm của mình sẽ đến được với mọi người, được đưa vào các dây chuyền hiện tại để sản xuất số lượng lớn. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ, hiện nay người ta cảm thấy thỏa mãn với giấy làm từ gỗ. Họ không nghĩ nếu được áp dụng vào một quy trình hiện đại thì giấy từ lá cũng chẳng thua kém. Khó khăn trong nhận thức như thế đã trở thành rào cản lớn nhất để đưa dự án của mình vào thực tiễn đời sống.

Mình cũng hi vọng dự án sẽ  được với các cơ quan chức năng có thẩm quyền biết đến và phổ cập công nghệ đến với người nông dân để họ tự tay làm ra giấy, các sản phẩm giấy từ phế phẩm và kiếm lợi từ sản phẩm ấy (điều ấy sẽ phần nào giải quyết được vấn đề xử lý phế phẩm sau mùa vụ hiện nay). Hơn nữa với một nước có nền nông nghiệp đứng nhất nhì trong khu vực như Việt Nam thì việc các sản phẩm, đồ lưu niệm từ phế phẩm nông nghiệp hứa hẹn sẽ là một biểu tượng thương hiệu mới của nền nông nghiệp nước nhà.

Chúng còn có thể tạo hoa văn nổi khi đưa ra ánh sáng (có thể dùng trang trí trên cửa kính, trang trí đèn,..)
Chúng còn có thể tạo hoa văn nổi khi đưa ra ánh sáng (có thể dùng trang trí trên cửa kính, trang trí đèn,..)

Ngọc Ánh có tin là sản phẩm của mình có thể cạnh tranh được với các sản phẩm giấy hiện được bày bán trên thị trường?

Mình nghĩ là hoàn toàn có thể nếu nó được áp dụng vào dây chuyền máy móc hiện có thay cho gỗ. Vì hiện nay mình tạo ra sản phẩm bằng phương pháp bán thủ công và máy móc tự chế nên việc cạnh tranh về sản lượng và ổn định chất lượng đang là bài toán khó. Tuy nhiên chỉ bằng những phương pháp đơn giản nhất mà giấy từ phế phẩm có thể dùng đề: in màu, in đen trắng, viết, vẽ và dán tường cách âm. Thì tương lai nếu được quan tâm đầu tư dây chuyền công nghệ thì sản phẩm sẽ có tương lai rất sáng.

Bạn có cho rằng, mình là “của hiếm” trong số những bạn trẻ đam mê sáng tạo xanh hiện nay hay không?

Mình thực sự rất hâm mộ, tôn trọng những người tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là giới trẻ. Vì đầu tư cho môi trường là đầu tư thông minh, bền vững nhất trong bối cảnh nóng lên toàn cầu hiện nay. Tất nhiên mình chỉ là một thành viên rất nhỏ bé trong cộng đồng những người yêu thích và đam mê sáng tạo xanh. Mình hi vọng, qua hành động này, nhiều bạn trẻ sẽ ý thức hơn đến việc mình phải ứng xử với môi trường như thế nào?

Xin cảm ơn Ngọc Ánh!

Phạm Thiệu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo ý tưởng sản xuất "giấy xanh" từ phế phẩm nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO