Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2018, nguồn cung và lượng giao dịch thành công ở các phân khúc thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở đều có sự tăng trưởng tốt. Tổng nguồn cung bất động sản nhà ở đạt 175.000 sản phẩm, tăng khoảng 20% so với năm 2017, tổng lượng giao dịch thành công đạt 113.000 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ của thị trường đạt 90%.
Đặc biệt, các căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng nguồn cung nhà ở tại thị trường Hà Nội và TP.HCM, lần lượt là 87,2 % và 89,7%. Cơ cấu căn hộ đã có thay đổi nhiều, với tỷ trọng các phân khúc trung cấp chiếm tỷ trọng tới 41,3% thị phần, cao hơn so với phân khúc bình dân. Giá bất động sản không tăng nhiều nhưng vẫn đứng ở mức cao...
Tuy nhiên, thị trường bất động sản quý I/2019 có chiều hướng chững lại, nhất là nguồn cung của thị trường bất động sản nhà ở tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tổng nguồn cung nhà ở quý I/2019 tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018, lượng giao dịch giảm 28% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn cung nhà ở quý I/2019 tại thị trường bất động sản Tp.HCM còn giảm mạnh hơn, chỉ có hơn 3.000 sản phẩm, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố lấy ý kiến dự thảo mới, một trong những nội dung sửa đổi so với Thông tư 36 trước đó là thay đổi quy định về hệ số rủi ro với các khoản vay BĐS. Theo đó, NHNN quy định các khoản cho vay của ngân hàng thương mại với khách vay mua nhà, mua đất có số tiền từ trên 3 tỷ đồng theo hệ số rủi ro lên đến 150%.
Cụ thể, hệ số rủi ro 150% áp dụng cho các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay. Các khoản phải đòi này cũng đáp ứng điều kiện là khoản cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh; cho vay cá nhân mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ; cho vay cá nhân mua nhà có giá trị dư nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng. Đáng lưu ý, hệ số rủi ro 150% áp dụng cho khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên. Hệ số này cao gấp 3 lần so với quy định trước.
Mặt khác, NHNN cũng hạn chế nguồn vốn huy động ngắn hạn của các ngân hàng thương mại đem cho vay vào lĩnh vực BĐS trong trung và dài hạn. Cụ thể, áp hệ số rủi ro 50% với các khoản vay được bảo đảm bằng nhà ở, quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất và đáp ứng một trong những điều kiện: phục vụ hoạt động kinh doanh, khoản cho vay cá nhân để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ và khoản vay cá nhân mua nhà có giá trị nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc hạn chế này của NHNN khiến các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về vốn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn bộ thị trường nói chung, trong đó những lo ngại về tăng giá BĐS có thể xảy ra.
Theo phân tích của các chuyên gia, khi thắt chặt nguồn vay thị trường BĐS đồng nghĩa với việc giảm dần phụ thuộc của khách hàng tới khoản vay ngân hàng nhưng mặt khác các cá nhân mua BĐS sẽ khó khăn hơn trong việc huy động dòng tiền mua nhà ở. Hướng siết chặt này có thể khiến thị trường xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu trong thời gian tới. Theo đó, thị trường BĐS có khả năng sẽ dao động theo chiều hướng xấu .
Một số chuyên gia cho rằng, NHNN không nên sửa đổi Thông tư vào thời gian này do rất nhiều doanh nghiệp địa ốc mới vừa hồi phục, hoặc chưa chuyển đổi thành công ty cổ phần, cũng như chưa đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán và huy động vốn. Hơn nữa, vừa qua giá điện, xăng tăng sẽ tác động không nhỏ tới chi phí đầu vào BĐS như vật liệu xây dựng, nhân công khiến giá BĐS tăng.