Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với DN Việt Nam” do VCCI và Ngân hàng Thế giới công bố gần đây cho thấy, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, với hơn 87% số DN được khảo sát cho biết đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Chỉ 11% số DN không bị ảnh hưởng và gần 2% vẫn kinh doanh tốt.
Doanh nghiệp gặp nhiều tác động từ Đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa |
Kết quả một cuộc khảo sát độc lập khác cũng do VCCI tiến hành đã chỉ ra mỗi quan hệ chặt chẽ giữa việc áp dụng Bộ chỉ số về phát triển bền vững với kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, những DN nào áp dụng Bộ chỉ số DN bền vững 2020 với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số kết quả phát triển bền vững; chỉ số quản trị; chỉ số môi trường; và chỉ số lao động sẽ đạt kết quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn, năng suất lao động đạt cao hơn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động tốt hơn. Có tới 60 % DN được khảo sát cho biết, họ có khả năng ứng phó tốt hơn với tác động của đại dịch sau khi thực hiện các giải pháp quản trị bền vững, minh bạch thông tin và có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường.
Tại Lễ phát động Chương trình Đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI) 2021 vừa diễn ra, ông Nguyễn Quang Vinh VCCI cho rằng: Đại dịch Covid 19 là thách thức lớn, những cũng đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp kinh doanh nhân văn, sáng tạo hơn, tăng độ chống chịu trước tác động của đại dịch là bứt phá để kinh doanh hiệu quả hơn. Đây là hướng đi bền vững giúp tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Năm 2021, Chương trình CSI sẽ đánh giá doanh nghiệp dựa trên Bộ 119 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường; và Chỉ số Lao động – Xã hội. Theo đó, các chỉ số phát triển bền vững dựa trên lợi nhuận, khả năng sinh lời, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu nhập bình quân của người lao động, đóng góp cho ngân sách và xã hội, tỷ lệ nước thải, chất thải được thu gom, tái sử dụng và hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Chỉ số Môi trường cũng là một yếu tố được chú trọng với các tiêu chí về tuân thủ pháp luật; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiễm, khắc phục sự cố và cải thiện môi trường; giáo dục, truyền thông bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2021 |
Dấu ấn quan trọng nhất của CSI 2021 chính là ở sự phân cấp các chỉ số nhằm khuyến khích hơn nữa tất cả loại hình, quy mô doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ, siêu nhỏ tham gia vào việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm. Thực tế thời gian qua cho thấy, dù Nhà nước đã có nhiều gói hỗ trợ, nhiều DN cũng cho rằng các chính sách vẫn chưa triển khai đồng đều, còn nhiều bất cập, tiếp cận khó, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ cho cộng đồng DN.
Sắp tới trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, VCCI sẽ rà soát và đề xuất Chính phủ xây dựng quy trình thủ tục nhận hỗ trợ minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. VCCI sẽ phối hợp với các Hiệp hội khảo sát doanh nghiệp làm sao kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành. Làm sao để các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Trong khi chờ khắc phục các vấn đề này khi triển khai gói hỗ trợ tiếp theo, doanh nghiệp sẽ phải chủ động hơn trong lựa chọn hướng đi kinh doanh tiếp theo. Với 95% doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ, việc áp dụng Bộ chỉ số CSI sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng hình dung ra lộ trình thực hiện phát triển bền vững theo quy mô từ nhỏ đến lớn, từ đó tự xây dựng được chiến lược/kế hoạch kinh doanh phù hợp với năng lực hiện tại và định hướng tương lai. Điều này giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nguồn lực trong quản trị doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, năm 2020, Chương trình CSI đã nhận được số lượng hồ sơ tham gia chương trình nhiều nhất qua 5 năm tổ chức, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức quan tâm đến phát triển bền vững. Điều này liên quan đến việc doanh nghiệp đã nhận ra lợi ích gia tăng sức cạnh tranh, gia tăng sức chống chịu của trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ như Covid-19. Bước sang năm thứ 6, chúng tôi hy vọng Bộ chỉ số CSI sẽ giúp các DN hoạt động ‘xanh hơn’, sạch hơn, phục hồi và ứng phó tốt hơn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong thập kỷ hành động đến năm 2030.