Doanh nghiệp BĐS “tung chiêu” vượt khó mùa dịch

Thục Vy| 24/04/2020 15:35

(TN&MT) - Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đã có nhiều hình thức ứng phó khác nhau, thay vì nằm im chịu trận. 

DN BĐS tung nhiều gói hỗ trợ sâu để kích cầu thị trường

Bên cạnh việc cơ cấu lại hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết, hay chọn cách “ngủ đông” để lấy năng lượng bật dậy sau dịch Covid-19 thì hiện nay, khá nhiều DN BĐS luôn chủ động trong câu chuyện hỗ trợ khách hàng để tìm kiếm sự chia sẻ, đồng hành trong dài hạn. Những DN có tầm nhìn vẫn mong muốn khách hàng đồng hành với DN vượt khó và bản thân DN cũng nhìn thấy cơ hội khi chia sẻ với khách hàng. Trong đó, các gói hỗ trợ sâu đã được nhiều DN BĐS tung ra để kích cầu tiêu dùng.

Điển hình như Tập đoàn Hưng Thịnh từng triển khai chương trình trợ giá 100 tỷ đồng với các khách hàng đã mua sản phẩm. Theo đó, khách hàng thanh toán theo tiến độ phát sinh trong thời gian dịch sẽ được tặng tiền mặt tương đương 5%/tổng số tiền thanh toán. Chương trình này áp dụng với bất kỳ khoản thanh toán và không phân biệt số lần thanh toán, thời gian kết thúc gói hỗ trợ vào 31/5.

Một ông lớn BĐS khác là Vinhomes cũng vừa ra mắt sàn giao dịch trực tuyến, đồng thời tặng 100 e-voucher trị giá 70 triệu đồng cho những giao dịch đầu tiên trên sàn trực tuyến này. Theo Vinhomes, trong tháng 4 này, chủ đầu tư tiếp tục tung ra các chương trình tặng e-voucher cho người mua nhà.

Đồng thời, các giao dịch căn hộ có trị giá dưới 1,7 tỷ đồng sẽ được tặng voucher 70 triệu đồng mua xe VinFast Fadil, từ 1,7 đến 2,5 tỷ đồng được tặng voucher 150 triệu đồng mua xe VinFast LuxA2.0, còn với giao dịch mua nhà trên 2,5 tỷ đồng được tặng voucher 200 triệu đồng mua xe VinFast LuxSA2.0.

Công ty Địa ốc Thắng Lợi cũng đã tung gói trợ giá mua nhà mùa Covid trị giá 100 tỷ đồng, áp dụng tới 29/4 hoặc đến khi được sử dụng hết. Chủ đầu tư sẽ chiết khấu 50% với tất cả sản phẩm nhà ở thuộc các dự án vùng ven TP.HCM như: Thắng Lợi Central Hill, Youngtown Tây Bắc Sài Gòn, Galaxy Hải Sơn... Bên cạnh đó, khách hàng còn có thể chọn hình thức trả góp trong vòng 5 năm hoặc 10 năm để giảm áp lực tài chính.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư Nam Long công bố chương trình bán hàng trực tuyến từ cuối tháng 3/2020 và áp dụng chính sách bán hàng ưu đãi cho các sản phẩm căn hộ thuộc dự án Akari City (Bình Tân, TP.HCM) đã hoàn tất ký hợp đồng đặt cọc từ 28/3 đến 15/4.

Chủ đầu tư này miễn phí quản lý 2 năm kể từ thời điểm thông báo bàn giao nhà; áp dụng chính sách chiết khấu 1% trực tiếp trên giá trị hợp đồng cho các căn hộ diện tích 80m2 trở lên. Ngoài ra, các khách hàng đã mua các sản phẩm của Tập đoàn cũng được giãn hoặc gia hạn thêm một số ngày trên tiến độ thanh toán đã ký.

Ngoài ra, phần lớn DN BĐS đang có sản phẩm chào bán ra thị trường ở thời điểm này đều đưa ra các chương trình ưu đãi, chiết khấu mạnh tay nhằm kích thích nhu cầu của thị trường. Đó vừa là hướng đi vượt khó, vừa là cách để DN tăng niềm tin với người mua.

Số liệu từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho thấy, thị trường BĐS TP.HCM quý I/2020, chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, bao gồm 2.700 căn hộ chung cư và 80 nhà thấp tầng, giảm 22% so với cùng kỳ 2019 và giảm gần 70% so với quý trước.

Nhìn tổng thể, thị trường BĐS quý I/2020 bị trầm lắng (tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 gần như bị đóng băng), giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Các DN BĐS và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn.

Tỷ lệ người mua nhà cũng gặp khó khăn tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các DN BĐS, nhất là trong lúc các DN vẫn phải duy trì lực lượng lao động.

Ở bối cảnh này, HoREA cho rằng, ngoài việc các DN BĐS chủ động để ứng phó thì rất cần những sự hỗ trợ từ phía Chính phủ về cả chính sách lẫn tài chính để DN có thể vượt qua khó khăn ở giai đoạn này.

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trước những khó khăn và thách thức do dịch Covid-19, DN BĐS cần thiết phải nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất, vừa tăng chất lượng vừa giảm giá sản phẩm.

Cùng với đó, DN BĐS nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm.

Đối với các sàn giao dịch BĐS nên thực hiện nâng cấp hệ thống công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh; cấu trúc lại bộ máy, hệ thống quản trị nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho DN; tổ chức các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp đội ngũ nhân viên môi giới.

Đồng thời, sàn giao dịch BĐS duy trì các hoạt động marketing để giữ vững khách hàng tại thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng phát triển; có giải pháp để chăm lo và hỗ trợ đội ngũ nhân viên của công ty, không nên bỏ mặc họ trong bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp BĐS “tung chiêu” vượt khó mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO