Toàn cảnh hội thảo |
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 Chương, 179 Điều đã quy định bao quát các nội dung được điều chỉnh như: về chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; bảo vệ các thành phần môi trường; quản lý di sản thiên nhiên; đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; quản lý chất thải nguy hại; ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cơ bản thống nhất với hình thức và bố cục của dự thảo Luật, đồng thời các đại biểu cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa kế hoạch quản lý chất lượng môi trường mặt nước, quản lý chất lượng môi trường không khí với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia để bảo đảm tính đồng bộ trong xây dựng, tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt, bảo vệ môi trường không khí kịp thời, hiệu quả trước thực trạng ô nhiễm môi trường nước mặt và ô nhiễm không khí.
Luật sư Trương Thị Hoà đề nghị cần quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; rà soát các quy định về kinh phí chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh để bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, các quy định về phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại nhằm khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm công bằng trong việc chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý theo hướng phát sinh nhiều thì trả tiền nhiều, không cào bằng.
Một số ý kiến cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) trong bảo vệ môi trường không khí; quy định cụ thể trách nhiệm UBND cấp tỉnh có nguồn gây ô nhiễm không khí, cụ thể hơn việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm không khí, quan tâm vấn đề bụi mịn, đốt rơm rạ; nghiên cứu bổ sung quy định về kiểm soát chất lượng không khí, nhất là tại các đô thị lớn. Cần có quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trong quản lý chất lượng không khí theo khu vực; xử lý trong trường hợp ô nhiễm không khí liên tỉnh, liên vùng, bổ sung quy định việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động gây ô nhiễm khí thải tùy theo tính chất, mức độ hành vi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại hội thảo |
Đại biểu Vũ Ngọc Nam, đại diện Sở Tư pháp thành phố cho rằng về trách nhiệm bảo vệ môi trường do đặc tính “lan truyền” trong môi trường của nguồn phát thải trong không khí, nguồn nước, do vậy, cần nghiên cứu quản lý đối với các nguồn gây ô nhiễm, có thể gây ô nhiễm đa ngành, liên vùng, liên khu vực; cần có cơ chế phối hợp giữa các địa phương, để tránh các hành vi phát thải tư khu vực, địa phương này ảnh hưởng đến khu vực, địa phương khác.
Về ô nhiễm không khí, dự án Luật này, đại biểu Vũ Ngọc Nam cho rằng “gây tiếng ồn” cũng được coi là một trong các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 6 dự thảo Luật, tuy vậy, xuyên suốt các hồ sơ liên quan đến dự án Luật chưa thể hiện rõ “gây tiếng ồn” có phải là “gây ô nhiễm không khí” hay không. Do các đặc điểm của tiếng ồn khá phong phú, đa dạng, tiếng ồn từ loa, giàn âm thanh có công suất cao, tiếng ồn từ tiếng còi hơi, xe tải, tiếng ồn từ công trình, nhà máy với âm thanh có tần số cao, gây hại đến sức khỏe của con người, do vậy, cần nghiên cứu coi “tiếng ồn” vượt quá ngưỡng cho phép cũng là một nguồn gây ô nhiễm không khí tại Luật này để có biện pháp xử lý. “Dự án Luật chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết cho thấy đã có những quan điểm bước đầu đánh giá hành vi này là gây hại cho xã hội, tuy vậy, mức độ quan tâm cần nâng cao hơn nữa để có thể đấu tranh, xử lý.”- đại biểu Vũ Ngọc Nam nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội lấy ý kiến sâu, kỹ hơn đối với công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của công dân về công tác BVMT. Bên cạnh đó, HĐND TP cần quan tâm, khảo sát đánh giá thực tế việc thực hiện Nghị quyết của HĐND về vấn đề BVMT trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, vấn đề thu gom, vận chuyển chất thải rắn, chất thải sinh hoạt; bụi, khí thải, tiếng ồn…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cần tránh tình trạng khi Luật đã ban hành và khi triển khai thực hiện bị vướng Luật. “Đây là thực trạng đã diễn ra thường xuyên đối với TPHCM. Những vấn đề người dân phản ánh, yêu cầu thì lại nói vướng quy định pháp luật triển khai khó. Trong khi góp ý dự án Luật không tập trung đầu tư cho đúng mức. Đây là vấn đề cần phải khắc phục”- ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
Kết luận tại hội thảo, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Các ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố tổng hợp báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và gửi đến Đại biểu Quốc hội của Thành phố nghiên cứu và tham gia phát biểu góp ý trực tiếp tại Kỳ họp lần thứ 10 Quốc hội khóa XIV trong thời gian tới. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cần nghiên cứu dự thảo này với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước cần phải góp ý, đặc biệt sửa từng chữ trong dự thảo Luật này để sau này áp dụng Luật không bị vướng./.